Thời sự
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội: Tăng tốc để về đích sớm...
09:56 AM 31/01/2020
(LĐXH)- “Tăng tốc để về đích, là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2020 và tạo nền tảng cho giai đoạn mới, đòi hỏi toàn ngành Lao động - TBXH phải nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo hơn nữa...” - Đây là thông điệp được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quán triệt tại cuộc họp giao ban đầu xuân Canh Tý với lãnh đạo chủ chốt các đơn vị thuộc Bộ ngày 30/01/2020...
Bảo đảm cho mọi người dân vui xuân đón Tết
Báo cáo tình hình chăm lo cho gia đình chính sách người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Bá Hoan, cho biết: Các hoạt động chăm lo Tết cho các đối tượng chính sách xã hội, người có công, hộ nghèo và người lao động tại các địa phương được quan tâm, chăm sóc với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, dành một nguồn kinh phí khá lớn để thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công, người cao tuổi, người nghèo, bảo trợ xã hội, người lao động... Một số địa phương có mức chi lớn như thành phố Hồ Chí Minh 1.000,8 tỷ đồng, Hà Nội 622,33 tỷ đồng...
Quang cảnh hội nghị giao ban thủ trưởng các đơn vị
Về tặng quà của Chủ tịch nước cho người có công nhân dịp Tết Canh Tý là 358 tỷ đồng; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tổ chức thăm, tặng quà cho 7.840 trẻ em với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng; hỗ trợ đồ ấm cho trẻ em các xã khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi từ nguồn vận động của chương trình nhắn tin “Vì người nghèo” năm 2019 tại 15 tỉnh với tổng kinh phí 3 tỷ đồng; hỗ trợ 7.264,53 tấn gạo cứu đói cho 146.552 hộ với 484.302 nhân khẩu trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và giáp hạt đầu năm 2020.
Ngân sách các địa phương dành 4.698 tỷ đồng tặng 10,2 triệu suất quà, gồm: người có công 1.670 tỷ đồng với 4,71 triệu suất quà; đối tượng Bảo trợ xã hội, người nghèo 1.720 tỷ đồng; đối tượng khác (trẻ em, người cao tuổi, công nhân lao động...) 1.308 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy làm việc hết mình để có sản phẩm tốt hơn
Ngoài ra, nguồn vận động xã hội hóa tặng quà cho các đối tượng tại các địa phương là 1.088 tỷ đồng; Hội Chữ thập đỏ các cấp hơn 1.000 tỷ đồng với 2 triệu suất quà; Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn Ngành, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng liên đoàn với tổng kinh phí hỗ trợ là 3.039 tỷ đồng cho hơn 10,3 triệu đoàn viên, người lao động...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo Tết cho người lao động, hỗ trợ quà, hỗ trợ xe, tiền vé tàu cho người lao động về quê ăn Tết.
Chánh Văn phòng Bộ Lao động - TBXH Nguyễn Bá Hoan báo cáo công tác hỗ trợ bảo đảm Tết cho mọi người dân
Chia sẻ về niềm vui xuân đón Tết 2020 của người dân và các đối tượng chính sách người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, lãnh đạo một số đơn vị, cho biết: Trong năm 2019, đa số mọi người đều khẳng định Ngành Lao động – TBXH đạt được nhiều thành quả được xã hội ghi nhận, nhất là các lĩnh vực an sinh xã hội, dạy nghề và tạo việc làm…, qua đó tạo nên "bức tranh" riêng của Ngành. Đặc biệt việc xây dựng thể chế, Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động với số phiếu tán thành rất cao…
Người lao động được thưởng Tết tăng 6,8%
Theo Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng: Về tình hình lương, thưởng tết của người lao động, khoảng 87,8% doanh nghiệp báo cáo có thưởng Tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng 01 tháng lương (6,696 triệu đồng/người), tăng 6,8% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2019. Mức thưởng cao nhất dịp Tết Nguyên đán là 950 triệu đồng/người. Việc nợ lương trong năm 2019, có 25 doanh nghiệp thuộc 13 địa phương có nợ lương với tổng số nợ là 63,94 tỷ đồng tiền lương của 2.459 người lao động (nợ bình quân 26,002 triệu đồng/người).
Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương Nguyễn Huy Hưng thông báo về tình hình tiền lương Tết của người lao động
Tuy nhiên, trong dịp Tết 2020 (tháng 01/2020), cả nước xảy ra 06 vụ đình công (bằng 54% so với dịp Tết 2019), với quy mô nhỏ dưới 300 lao động, nguyên nhân chủ yếu là do mẫu thuẫn về mức lương, tiền thưởng Tết 2020. Khi có sự việc xảy ra, cơ quan lao động địa phương đã phối hợp với liên đoàn lao động để hỗ trợ, xử lý dứt điểm, không có vụ nào để phức tạp, lây lan, kéo dài. Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Lao động – TBXH và sự có mặt kịp thời của các cơ quan chức năng, các địa phương đã hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, hướng dẫn các bên thương lượng, đối thoại để giải quyết các kiến nghị của người lao động, sớm ổn định tình hình, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trở lại bình thường.
Thực hiện tốt thông điệp "phát triển bao trùm và bền vững"
Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung điểm lại, năm 2019 là một năm tăng tốc, toàn ngành nỗ lực rất lớn và đã đạt, vượt rất nhiều chỉ tiêu so với các cấp có thẩm quyền giao. “Chúng ta đã đặt những viên gạch rất căn bản, tạo ra dấu ấn lịch sử cho ngành, đặc biệt là 3 đột phá: Xây dựng thể chế; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và từng bước xây dựng và hình thành thị trường lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ. Cũng như hai ưu tiên tiếp tục thực hiện tốt chính sách chăm lo cho người có công và chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chúng ta đã hình thành được hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và hoàn thiện nhằm làm khuôn khổ cho phát triển thị trường lao động. Như đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 về việc Bộ Lao động - TBXH tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi với phiếu đồng thuận cao là một dấu ấn lịch sử. Đây là Bộ luật rất lớn, phức tạp và nhạy cảm với nhiều yêu cầu mới, tạo sự đồng thuận trong xã hội, có tác động sâu rộng đến hàng chục triệu người lao động và đến đời sống của hàng chục triệu người dân.
Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội Nguyễn Văn Hồi báo cáo tình hình chăm lo Tết cho các đối tượng bảo trợ xã hội
Cùng với đó, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Điều này bảo đảm thực thi, thực chất các cam kết liên quan đến lao động, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết các hiệp định tự do thương mại...
Những lĩnh vực khác cũng được đặc biệt quan tâm như: Người có công; việc làm; bảo trợ xã hội; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; chăm sóc giáo dục trẻ em; báo chí truyền thông; hợp tác quốc tế... cũng được triển khai tương đối toàn diện, đồng bộ và hiệu quả. Những khiếm khuyết, những vi phạm, những sơ xuất của chúng ta không nhiều, không lớn và không có tính chất cố ý. Phải khẳng định là một năm mà các cấp ủy, chính quyền đã thực hiện tốt phương châm hành động của lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH đưa ra: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả và bứt phá”.
“Phần thưởng cao quý nhất của chúng ta là sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tôi đánh giá cao sự nỗ lực và đóng góp của từng đồng chí lãnh đạo Bộ, những người đứng đầu các đơn vị, ngành Lao động - TBXH ở địa phương. Thành tích đó đã góp phần tạo dựng một “thương hiệu” của Ngành Lao động - TBXH trong năm 2019” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, biểu dương.
Bước vào năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng năm 2020 là năm về đích, quyết định cho cả nhiệm kỳ 2016 - 2020 và tạo nền tảng cho giai đoạn mới, đòi hỏi toàn Ngành Lao động - TBXH phải "nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, sáng tạo hơn và hiệu quả hơn" và đây cũng là thông điệp của Bộ trưởng tới toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, người lao động Ngành Lao động - TBXH. “Tôi tin tưởng rằng, mỗi cán bộ, công chức, viên chức hãy làm việc hết mình để có sản phẩm tốt hơn, đánh giá cán bộ, công chức phải dựa vào việc cán bộ đó có đóng góp sản phẩm cho đơn vị, cho Bộ, ngành và lĩnh vực mình đang công tác.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Xuân Lập phát biểu tại buổi họp giao ban
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, năm 2020 phải tập trung cao nhất cho công tác xây dựng thể chế; tạo ra thị trường lao động chuyển biến thực sự, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh và hội nhập. Tiếp tục thực hiện tốt thông điệp "phát triển bao trùm và bền vững" với tư duy hoàn toàn mới, không phải là đi dăn dạy mà vấn đề rõ ràng. Chỉ có thể phát triển kinh tế mạnh và tốt, đất nước chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững khi mà quan tâm đến phát triển con người.
Tôn vinh những người làm công tác bảo trợ xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận định: Với lĩnh vực người có công, có 3 vấn đề cần giải quyết dứt điểm là 100% hộ gia đình người có công khó khăn về nhà ở phải có nhà ở; không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công; hoàn thành căn bản việc xác nhận hồ sơ người có công còn tồn đọng tại các tỉnh/thành phố.
Với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”, năm 2020, công tác giảm nghèo bền vững với các hộ nghèo, hộ chính sách không có điều kiện và khả năng thoát nghèo sẽ được Bộ tiếp tục triển khai quyết liệt. “Chúng ta chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững khi chúng ta quan tâm toàn diện giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và xã hội. Lấy bền vững an sinh xã hội làm nền tảng phát triển nhanh về kinh tế, trong đó con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển này.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định.
Bên cạnh đó những vấn đề còn tồn tại cần tập trung giải quyết như bạo hành trẻ em, bạo lực giới... đặc biệt đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp cận với một chính phủ số, xã hội số. Tiếp tục phương châm hành động: “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả và bứt phá” để tạo ra hiệu quả thực sự trong năm 2020.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Nguyễn Thị Hà, Lê Quân cùng Thủ trưởng các đơn vị chụp ảnh chung
“Tôi mong muốn năm 2020, Ngành Lao động - TBXH sẽ tổ chức một Đại hội thi đua yêu nước. Ngành chúng ta có rất nhiều người đang âm thầm lao động và cống hiến như những người quản trang cần mẫn trông nom, quét dọn, hương khói tại nghĩa trang liệt sĩ; những người hàng ngày phục vụ các thương bệnh binh (có những thương bệnh binh nằm liệt hàng chục năm liền); những cô bảo trợ xã hội; những người bỏ ra hàng trăm tỷ đồng dành cho trẻ em nghèo; những người hàng ngày điều trị, chữa trị, phục hồi cho các đối tượng nghiện ma túy hoàn lương hòa nhập cộng đồng... thì phải tôn vinh họ. Qua đó khẳng định rằng những người làm trong Ngành Lao động – TBXH mới làm được những điều vất vả đó… để làm nền tảng cho một xã hội nhìn nhận đầy đủ hơn về một xã hội phát triển bền vững.” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, định hướng.

Trần Thắng