Xã hội
Ngành BHXH Việt Nam chủ động, quyết liệt thực hiện cải cách thủ tục hành chính và giao dịch điện tử
03:37 PM 21/09/2016
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giao dịch điện tử được coi là chìa khóa giúp BHXH Việt Nam thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành và dư luận nhân dân quan tâm. Phóng viên Tạp chí Lao động và xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Văn Sinh- Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, xung quanh vấn đề này.
-  Thưa ông, cải cách TTHC luôn được Chính phủ, người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm. Vậy trong thời gian qua, BHXH Việt Nam đã triển khai công tác này như thế nào?
Ông Đỗ Văn Sinh: Hiện nay, BHXH Việt Nam đang phục vụ 72,81 triệu người tham gia BHYT; 12,2 triệu người tham gia BHXH; 10 triệu người tham gia BH thất nghiệp; hơn 3 triệu người hưởng chế độ hưu trí và trợ cấp BHXH hằng tháng. Những con số này cho thấy khối lượng công việc của ngành BHXH rất lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực cao, nhất là phải có sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn  vị và người dân thì mới có thể mang lại hiệu quả và phục vụ người dân được tốt hơn.
Có thể thấy, khối lượng công việc của ngành BHXH trong thời gian qua rất lớn, đòi hỏi toàn Ngành phải có sự chủ động, quyết liệt trong cải cách TTHC. Đặc biệt, từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19-2016/NĐ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, BHXH Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác này với tinh thần phục vụ người dân tốt nhất.
Trong 2 năm 2014- 2015, BHXH Việt Nam đã tái thiết kế quy trình nghiệp vụ của Ngành trên 5 lĩnh vực (thu, sổ thẻ, chính sách BHXH, chính sách BHYT, tài chính kế toán); rà soát lại các TTHC và đã giảm được từ 263 TTHC xuống còn 33 TTHC. Trong đó, đã giảm được 76% thành phần hồ sơ so với trước lúc cải cách TTHC; giảm 89% chỉ tiêu kê khai và 89% trình tự thao tác các thủ tục… Kết quả này mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, để đồng bộ với các thủ tục đó, đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để tiến tới tự động hóa trong xử lý và giải quyết các chế độ chính sách.
Ông Đỗ Văn Sinh
- Hiện nay, nhiều doanh nghiệp băn khoăn việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử đã làm phát sinh thêm chi phí, trong khi Nhà nước lại chưa có quy định bắt buộc về việc này. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Văn Sinh: Không chỉ ngành BHXH, mà các ngành khác như Thuế, Hải quan… cũng đang quyết liệt triển khai giao dịch điện tử. Đối với chữ ký số, hiện nay chúng ta được thực hiện theo 2 hình thức: Chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng. Chữ ký số công cộng có thể dùng cho bất cứ đối tượng nào, kể cả cá nhân. Còn chữ ký số chuyên dùng - theo quy định của Chính phủ và Thông tư 175 của Bộ Nội vụ trước đây - chúng ta buộc phải sử dụng cho các tổ chức trong hệ thống chính trị (cơ quan của Đảng, cơ quan hành chính Nhà nước). Chữ ký số chuyên dùng phải do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp. Tuy nhiên, trong năm qua, BHXH Việt Nam dù đã quyết liệt nhưng mới đề nghị Ban Cơ yếu cấp được hơn 1.000 chữ ký số loại này.
Hiện nay, ngành BHXH đang thực hiện giao dịch với khoảng 350.000 đơn vị sử dụng lao động, trong đó có hơn 100.000 đơn vị thuộc hệ thống chính trị. Do đó, việc cấp hơn 100.000 chữ ký số chuyên dùng sẽ rất khó khăn cả về kinh phí lẫn năng lực triển khai, do phải phụ thuộc vào Ban Cơ yếu Chính phủ. Vì vậy, ngoài mở rộng chữ ký số công cộng, cần phải xã hội hóa nguồn kinh phí triển khai; đồng thời, Chính phủ cũng nên có chính sách hỗ trợ đối với những doanh nghiệp quá khó khăn trong thực hiện chữ ký số.
- Để đạt được mục tiêu cải cách thủ tục hành chính bằng nhóm nước trung bình, nhóm nước ASEAN+4, ngành BHXH đề ra mục tiêu giảm số giờ giao dịch xuống còn 45 giờ vào năm 2016. Đâu là cơ sở cho việc thực hiện mục tiêu này, thưa ông?
Ông Đỗ Văn Sinh: Trong 6 tháng đầu năm nay, thời gian thực hiện TTHC của ngành BHXH đã giảm xuống còn 48,5 giờ. Hy vọng, từ nay đến cuối năm, sau khi quyết liệt thực hiện cải cách TTHC và giao dịch điện tử sẽ giúp giảm xuống còn 45 giờ.
Tuy nhiên, muốn giao dịch điện tử thành công, rất cần phải có sự phối hợp của các đối tác giao dịch. Đơn cử: Đến nay, giao dịch điện tử với các đơn vị sử dụng lao động mới chỉ đạt 75%; còn 25% nữa rơi vào những doanh nghiệp nhỏ ít có giao dịch. Vì vậy, đòi hỏi Nhà nước phải có giải pháp hỗ trợ để làm sao toàn bộ 100% doanh nghiệp thực hiện giao dịch. Hoặc, nếu 12.777 cơ sở khám chữa bệnh cũng đều thực hiện giao dịch thì chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ giao.

Bản thân ngành BHXH đã làm rất quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên, công việc này còn đòi hỏi các bộ, ngành (Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Thuế…) cũng phải phối hợp chặt chẽ để liên thông và đồng bộ hóa dữ liệu với ngành BHXH. Đơn cử: Ngành Thuế đang quản lý trên 500.000 doanh nghiệp, nhưng ngành BHXH chỉ quản lý trên 200.000 doanh nghiệp tham gia BHXH. Vừa qua BHXH Việt Nam phối hợp với cơ quan Thuế rà soát doanh nghiệp (làm thí điểm ở TP.HCM); kết quả cho thấy, những doanh nghiệp có từ 5 lao động trở lên đều đã đăng ký tham gia BHXH; còn một số doanh nghiệp có nộp thuế nhưng lại không phải tham gia BHXH (một chủ thành lập nhiều doanh nghiệp nhưng chỉ đóng BHXH chung một đầu mối; có doanh nghiệp sử dụng lao động đã nghỉ hưu…). Việc rà soát là cơ sở giúp BHXH Việt Nam kiểm soát việc khai báo tiền lương, thu nhập… để xác định các khoản thu nhập phải đóng BHXH. Chúng tôi cũng sẽ thí điểm để ngành Thuế thu BHXH đối với những doanh nghiệp đang hoạt động…
Hiện nay, toàn bộ quy trình TTHC, hạ tầng CNTT của ngành BHXH đã rất sẵn sàng. Tuy nhiên, còn một vấn đề nữa là phải làm sao cập nhật được chính xác, đầy đủ dữ liệu sổ BHXH để giúp BHXH Việt Nam quản trị được hệ thống dữ liệu này; đồng thời để trả sổ BHXH cho NLĐ tự quản lý.
 
- Mới đây, BHXH Việt Nam đưa vào hoạt động hệ thống thông tin giám định BHYT. Vậy hệ thống này sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?

Ông Đỗ Văn Sinh: Hiện nay, ngành BHXH đang phục vụ hơn 71 triệu người tham gia BHYT. Với tần suất KCB khoảng 140 triệu lượt người/năm đang đặt ra yêu cầu rất lớn cho Ngành trong việc phối hợp với hệ thống Y tế để phục vụ tốt người bệnh.
Chúng tôi lượng hóa ra rằng, nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một chữ ký, tức là cả nước sẽ bớt được 140 triệu chữ ký; nếu một bộ hồ sơ bớt đi được một dòng viết cũng có nghĩa cả nước sẽ bớt được 140 triệu dòng viết… Vì vậy, cần phải triển khai rất quyết liệt việc này.
Trong năm 2014- 2015, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện giao dịch điện tử giữa hệ thống BHXH với các cơ sở KCB BHYT. Việc ứng dụng CNTT sẽ giúp ngành BHXH kiểm soát được từ khâu đầu vào, hồ sơ bệnh án cho tới quá trình thanh quyết toán được chính xác, tiện ích cho người dân.
Trong năm 2015, BHXH Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế ban hành một số quy định về danh mục thuốc, vật tư y tế, loại bệnh và thống nhất danh mục dùng chung để đồng bộ hóa cơ sở dữ liệu giữa bệnh viện với BHXH Việt Nam. Chính phủ cũng phân định rõ, việc hiện đại hóa ở bệnh viện thuộc trách nhiệm của ngành Y tế, còn ngành BHXH chịu trách nhiệm tiếp nhận toàn bộ cơ sở dữ liệu từ bệnh viện chuyển sang để giám định. Hiện nay, dự án này đã triển khai xong về hạ tầng (trang thiết bị, đường truyền…) để sẵn sàng đón cơ sở dữ liệu.
Đến nay, toàn quốc có 12.777 cơ sở KCB (5 cơ sở hạng đặc biệt, 130 cơ sở tuyến Trung ương, 445 cơ sở tuyến tỉnh, 1.036 cơ sở tuyến huyện, 80 phòng khám ở xã và hơn 11.000 trạm y tế xã). Trong đó, 9.500 cơ sở đã liên thông cơ sở dữ liệu (đạt tỉ lệ 75%) và dự kiến trong một tháng nữa sẽ xong. Điều quan trọng là dữ liệu phải được chuyển kịp thời, đồng bộ, đầy đủ thì ngành BHXH mới triển khai giám định hiệu quả được. Nếu triển khai tốt hệ thống này sẽ giúp đạt 3 mục tiêu là phục vụ người dân tốt hơn; tiết kiệm được chi phí; người dân không tốn thời gian chờ đợi.

- Trân trọng cảm ơn ông!
 
Thanh Loan – Hải Uyên (thực hiện)