Lao động
Ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn lao động trong lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động
08:38 AM 18/02/2021
(LĐXH) - Từ năm 2016 đến nay, phạm vi thống kê tai nạn lao động (TNLĐ) được mở rộng đến khu vực không có quan hệ lao động, số liệu thống kê ngày càng đầy đủ hơn, cộng thêm sự gia tăng về quy mô lao động, sản xuất, đặc biệt trong một số ngành, lĩnh vực như: Xây lắp, điện, cơ khí, khai khoáng... số tuyệt đối về TNLĐ có xu hướng gia tăng về số vụ, nhưng mức độ nghiêm trọng đã giảm.
Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương thì giai đoạn từ 2016 đến nay, trung bình mỗi năm có 8.271 vụ TNLĐ với 8.495 người bị nạn, trong đó 899 vụ TNLĐ chết người với 951 người bị chết vì TNLĐ.
Góp vào con số trên, các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ hằng năm chiếm một tỉ lệ tai nạn rất lớn. Trung bình mỗi năm, nhóm các lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai khoáng, cơ khí, luyện kim chiếm 44,89% vụ TNLĐ chết người với 45,56% số người chết. Nhóm lĩnh vực có nguy cơ cao khác về TNLĐ như điện, dầu khí, thời gian qua đã quản lý an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) tương đối tốt nên tỷ lệ tai nạn không cao. Tuy nhiên, những lĩnh vực này vẫn nằm trong nhóm nguy cơ cao về TNLĐ vì khi xảy ra TNLĐ thường rất nghiêm trọng, thậm chí là thảm họa.
Một số vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2020
Năm 2020, tình hình TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng, khái khoáng có diễn biến đặc biệt nghiêm trọng với các vụ tai nạn nghiêm trọng phải kể đến như: Vụ TNLĐ xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 22/02/2020 tại công trình xây dựng nhà xưởng sản xuất sợi giày của Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (địa chỉ: Đường N11, KCN Bàu Bàng, xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương). Khi các công nhân của  Công ty Cổ phần Thiết bị công nghiệp và Thương mại An Sơn đang lắp đặt cẩu tháp phục vụ thi công thì bất ngờ cần cẩu tháp bị gẫy đổ gây tai nạn, hậu quả làm 03 người chết, 02 người bị thương; Vụ TNLĐ đặc biệt nghiêm trọng do sập công trình xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, xảy ra vào khoảng 14 giờ ngày 14/5/2020 làm 10 người chết, 15 người bị thương là công nhân của Công ty TNHH Hà Hải Nga - nhà thầu xây dựng; Vụ TNLĐ nghiêm trọng xảy ra khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 25/5/2020, tại dự án Thủy điện Plei Kần, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum do dây cáp tời bị đứt rơi từ trên cao xuống, hậu quả làm 06 người bị nạn (trong đó 03 người chết, 03 người bị thương) là công nhân của Công ty cổ phần Tấn Phát; Vụ tai nạn sự cố sập nhà xưởng do giông lốc tại Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma, tỉnh Vĩnh Phúc, xảy ra vào khoảng 17 giờ 45 phút ngày 10/6/2020, hậu quả làm 03 người chết, 20 người bị thương là công nhân của Công ty TNHH MTV Kiều Thi Junma; Vụ TNLĐ xảy ra vào khoảng 10 giờ 30 phút ngày 28/8/2020, tại công trình xây dựng nhà ở dân dụng do ông Nguyễn Thanh Tùng đứng tên, địa chỉ Ấp Mới 1, xã Mỹ Hạnh Nam, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, khi nhóm thợ đang làm công việc tô sano bê tông trên giàn giáo cao 5 mét thì bất ngờ đổ sập xuống đè lên người nhóm công nhân đang làm việc, hậu quả làm 02 người chết và 06 người bị thương nặng đều là lao động tự do làm thuê khoán cho ông Nguyễn Văn Hiền, cai thầu xây dựng.

Ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục ATLĐ thăm hỏi nạn nhân trong vụ TNLĐ xảy ra ngày 14/5/2020
tại công trình xây dựng nhà máy Công ty Cổ phần AV Healthcare
tại Khu công nghiệp Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

Các giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu TNLĐ
Với vai trò giúp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước về ATVSLĐ, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, dựa trên đánh giá, tổng kết kinh nghiệm quản lý về ATVSLĐ, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Cục An toàn lao động đã tham mưu Bộ trình Chính Phủ, Quốc hội xây dựng hệ thống quy định pháp luật về ATVSLĐ theo định hướng đề cao công tác phòng ngừa, đa dạng hóa nguồn lực về ATVSLĐ, phát huy hiệu quả các hình thức bảo hiểm TNLĐ, BNN. Định hướng đó, đã được đưa vào các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng như định hướng tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, cụ thể như:
Thứ nhất, quy định về kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại, đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Nội dung này đã được đưa vào Luật ATVSLĐ, Nghị định số 39/2016/NĐ-CP, Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH. Đặc biệt, quy định yêu cầu cao đối với nhóm nghề, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ.
Thứ hai, liên tục rà soát, điều chỉnh danh mục nghề, công việc nghiêm ngặt về ATVSLĐ sát với thực tế để tập trung huấn luyện chuyên sâu về ATVSLĐ cho nhóm nghề, công việc có nguy cơ cao về TNLĐ này.
Thứ ba, bổ sung các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa TNLĐ quy định tại Luật ATVSLĐ và nghị định quy định chi tiết (Nghị định 37/2016/NĐ-CP và mới nhất được thay thế bời Nghị định 88/2020/NĐ-CP) với các nội dung hỗ trợ phòng ngừa như: Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; hỗ trợ phục hồi chức năng lao động; hỗ trợ điều tra TNLĐ, BNN; hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ. các nội dung hỗ trợ này đã được rà soát, điều chỉnh để việc hỗ trợ phòng ngừa được sát với thực tế hơn. Hoạt động hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ tập trung chủ yếu vào đối tượng huấn luyện nhóm 3 là nhóm nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ (trong đó phần lớn là lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ).
Thứ tư, quy định về giảm mức đóng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, giảm có hiệu quả tần suất TNLĐ: nội dung này đã được quy định rất chi tiết tại Nghị định số 58/2020/Đ-CP, giảm mức đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp về mức 0,3% quỹ lương.
Thứ năm, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn ATVSLĐ phù hợp với sự phát triển về kinh tế, khoa học, kỹ thuật của Việt Nam, thực hiện xu hướng hội nhập quốc tế. Các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ cơ bản đã bao phủ các vấn đề trọng yếu về kỹ thuật ATVSLĐ, nhưng vẫn tiếp tục phải rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn và đòi hỏi của hội nhập quốc tế. Đồng thời, cần phát triển, nghiên cứu các quy chuẩn kỹ thuật ATVSLĐ cho các lĩnh vực có nguy cơ cao về ATVSLĐ.
Thanh tra chuyên ngành An toàn, vệ sinh lao động thực hiện thanh tra tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực nguy cơ cao
Cùng với hoàn thiện thể chế, chính sách, Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cũng chỉ đạo các nhiệm vụ triển khai thực hiện. Cụ thể hóa những chỉ đạo này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể sau:
Một là, tăng cường tuyên truyền, đổi mới hình thức tuyên truyền về ATVSLĐ theo hướng linh hoạt, lôi cuốn người lao động như:
- Tổ chức đa dạng các hội thi, tuyên truyền, tập huấn về công tác ATVSLĐ nhằm nâng cao chất lượng công tác huấn luyện tại các doanh nghiệp, cơ sở, tổ chức huấn luyện, đồng thời tạo cơ hội để các doanh nghiệp, cán bộ, người làm công tác huấn luyện ATVSLĐ trong các doanh nghiệp, cơ sở giao lưu, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ huấn luyện về ATVSLĐ.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cải thiện điều kiện lao động theo hướng lấy người lao động, doanh nghiệp làm trung tâm, tiếp cận phương pháp giáo dục hành động để đạt hiệu quả tự giác cao nhất.
- Đầu tư xây dựng các tài liệu, clip trực quan tập trung vào các kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng an toàn, kỹ năng xử lý sự cố để tuyên truyền đến người lao động thông qua phương tiện thông tin đại chúng và các kênh truyền thong của doanh nghiệp. Trước mắt, tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ.
- Khuyến khích xây dựng Văn hóa ATVSLĐ để nâng tầm nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ, làm cho ATVSLĐ trở thành thói quen và kỹ năng thường trực.
Hai là, cần có cơ chế khuyến khích các ngành, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu kỹ thuật, công nghệ cải thiện điều kiện lao động, nhất là lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ cũng như nghiên cứu xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia như đã nói ở trên.
Ba là, điều chỉnh chế tài, tập trung rà soát, thanh tra, kiểm tra cải thiện tình trạng sử dụng nhân sự làm công tác ATVSLĐ không đảm bảo yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Bốn là, đề xuất các Chương trình, dự án, đề án về ATVSLĐ tập trung vào lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ.
Năm là, tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra theo các chuyên đề về lĩnh vực có nguy cơ cao. Hằng năm, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phát động các chiến dịch thanh tra ứng với từng lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ. năm 2021, trước tình hình tai nạn nghiêm trọng của năm 2020, Thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tập trung vào lĩnh vực xây dựng, khai khoáng. Bên cạnh đó, cần triển khai các biện pháp nâng cao năng thực thanh tra về ATVSLĐ như: Triển khai lực lượng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ tại các địa phương, về lâu dài, nghiên cứu mở rộng nguồn lực cho công tác thanh tra ATVSLĐ theo hướng xây dựng mạng lưới cộng tác viên thanh tra ngành ATVSLĐ (đặc biệt là cộng tác viên trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ), cộng với nghiên cứu cơ chế vận dụng hiệu quả nguồn lực tài chính của xã hội cho công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ với quan điểm kiểm tra ATVSLĐ là một trong các hoạt động phòng ngừa TNLĐ.
Sáu là, cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền địa phương, doanh nghiệp theo đúng yêu cầu của Chỉ thị 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để đẩy mạnh vai trò chỉ đạo công tác ATVSLĐ.
Các giải pháp nêu trên cần được triển khai đồng bộ với nhau để đạt được hiệu quả ngăn chặn, giảm thiểu TNLĐ, nhất là TNLĐ trong lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bảo vệ quyền làm việc an toàn của người lao động đã được hiến định tại Hiến pháp./.

TS. Hà Tất Thắng

Cục trưởng Cục An toàn lao động