Xã hội
Ngã ba Cò Nòi huyền thoại: Còn đó niềm tự hào
02:19 PM 21/05/2020
Ngã ba Cò Nòi là nơi giao nhau giữa Quốc lộ 37 và Quốc lộ 6 thuộc địa phận xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Nơi đây 60 năm về trước là một “yết hầu” mà địch quyết liệt ngăn chặn hòng cắt đứt con đường vận tải, tiếp tế về mọi mặt cho chiến trường Điện Biên Phủ. Máu của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và nhân dân đã đổ xuống nơi “túi bom” này, viết lên khúc tráng ca bất diệt cho thắng lợi lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”...
Thiêng liêng và bất tử
Để ghi nhớ công ơn các liệt sỹ Thanh niên xung phong tại Ngã ba Cò Nòi lịch sử, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tỉnh Sơn La, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ngã ba Cò Nòi được chọn quy hoạch trở thành một địa danh lịch sử trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 2000, tỉnh Sơn La đã khởi công xây dựng Đài Tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong; ngày 7/5/2002, Đài tưởng niệm được khánh thành và đón nhân dân vào tham quan, tưởng niệm. Từ đó đến nay, nhiều công trình nghiên cứu, bài viết, các tư liệu lịch sử cho thấy sự cần thiết đánh giá đúng với tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của di tích lịch sử ngã ba Cò Nòi. Xã Cò Nòi từng hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Sau những câu chuyện ấy, còn một Cò Nòi sống động khác.
Dâng hương tưởng nhớ đồng đội tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Thanh niên xung phong Ngã ba Cò Nòi
Sau thất bại trên chiến trường Thượng Lào trong chiến dịch Tây Bắc năm 1953, thực dân Pháp toan tính xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tháng 12-1953, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Để chuẩn bị mọi điều kiện cho chiến dịch toàn thắng, hàng chục nghìn bộ đội, TNXP, công dân hỏa tuyến khắp cả nước được huy động, với tinh thần tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Sơn La giữ một vị trí rất quan trọng, cửa ngõ tiến vào Tây Bắc. Đặc biệt, tuyến đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu III, Khu IV với chiến trường Điện Biên Phủ đều phải đi qua ngã ba Cò Nòi. Nơi đây trở thành điểm xung yếu, trọng điểm đánh phá bằng máy bay của địch nhằm cắt đứt con đường nối hậu phương của ta cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Tại ngã ba Cò Nòi, từ tháng 3-1954 đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, không ngày nào im tiếng bom đạn. Có những ngày cao điểm, địch ném xuống đây tới 300 quả bom. Đất đá bị cày xới, không còn một cành cây, ngọn cỏ, thế mà cứ sau mỗi trận bom chỉ ba đến bốn giờ, bằng bàn tay, khối óc, ý chí quyết thắng của TNXP, con đường lại hiện ra, nối hậu phương với tiền tuyến.
Sau 63 năm, chính tại nơi này, chúng tôi đã gặp chiến sĩ phá bom nổ chậm Anh hùng LLVTND Nguyễn Tiến Thụ, trò chuyện với nguyên Đội phó TNXP 34 Nguyễn Tiến Năng cùng nhiều cựu TNXP khác. Điều các ông còn day dứt là trong số 100 chiến sĩ TNXP hy sinh tại ngã ba Cò Nòi, nay mới tìm được ba bộ hài cốt. Chính bởi thế, việc tổ chức hội thảo, tìm giải pháp trùng tu, tôn tạo nâng cấp di tích ngã ba Cò Nòi đúng với tầm vóc và giá trị lịch sử là vô cùng cần thiết. Hôm nay đây, xương thịt của các Anh hùng liệt sĩ TNXP ngã xuống tại ngã ba Cò Nòi đã hòa vào đất mẹ, linh thiêng và bất tử.
Hai lần anh hùng
Trong đoàn Hội cựu TNXP Việt Nam tham dự buổi dâng hương viếng các Anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài TNXP ngã ba Cò Nòi, chúng tôi may mắn gặp nguyên Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi Lò Văn Chiến. Nói may mắn là bởi vì bao thông tin, câu chuyện về mảnh đất Cò Nòi từ những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, chống Mỹ, cứu nước, cho đến hôm nay đồng chí là người cặn kẽ và rành mạch... Đồng chí sinh năm 1953, đúng lúc mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1972 tham gia công an vũ trang, năm 1978 trở về địa phương làm phó công an xã. Từ năm 1984 đến 1986 làm Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng công an xã Cò Nòi. Sau đó có 19 năm làm Chủ tịch UBND xã, 10 năm làm Bí thư Đảng ủy xã Cò Nòi. Năm 2013, đồng chí về nghỉ chế độ, chuyển giao nhiệm vụ cho lớp trẻ. "Cuộc đời sướng, vui, gian khổ đều đã nếm trải, nhiệm vụ Đảng giao đều đã hoàn thành. 42 năm công tác, 37 năm tuổi Đảng, ra về không để điều tiếng gì, đi đến đâu bà con cũng mến, đó là niềm vui lớn!" - đồng chí chia sẻ.
Toàn cảnh khu tượng đài TNXP Ngã ba Cò Nòi hôm nay
Vị lãnh đạo cơ sở ở bản làng vẫn còn nhớ, năm 1998, cán bộ và nhân dân xã Cò Nòi cùng lúc được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Thành tích thời kỳ chống thực dân Pháp, ngoài sự kiện ghi dấu Anh hùng tại ngã ba Cò Nòi, thì trước đó, trong những năm địch hậu, nhân dân xã Cò Nòi đã nuôi giấu cán bộ, bảo vệ Tiểu đoàn Thép ở khu Đán Đanh - Hua Noong. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nơi đây còn tập kết 200 kho hậu cần, quân lương an toàn.
Ngày hôm nay, xã Cò Nòi với tổng diện tích tự nhiên 9.433 ha, 40 bản tiểu khu, 19 nghìn hộ dân của ba dân tộc Kinh, Thái, Mông chung sống đoàn kết. Bước vào thời kỳ đổi mới, Cò Nòi là địa phương đi đầu toàn tỉnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Từ một địa phương nghèo gặp nhiều khó khăn đã biết khai thác tiềm năng đất đai, phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Năm 1961 - 1962, Cò Nòi đón hàng trăm hộ dân tỉnh Hưng Yên lên xây dựng kinh tế mới. Từ năm 1977 đến 1981, hai đợt đón người dân tỉnh Hà Tây lên khai hoang, mở đất. Sau này còn đón bà con dân tộc Mông từ vùng cao các huyện Thuận Châu, Mường La về cùng sinh sống. Khi Nhà nước tiến hành xây dựng thủy điện Sơn La, xã Cò Nòi lại chia đất, nhường cơm, sẻ áo đón hàng trăm hộ dân ở vùng lòng hồ về sinh sống, nay đã ổn định đời sống sản xuất, nhiều hộ làm ăn khấm khá, trở nên giàu có. Tấm lòng của người dân Cò Nòi hào hiệp, sẵn sàng chia sẻ, đón nhận người miền xuôi, miền ngược từ 19 tỉnh, thành phố, ba dân tộc anh em về chung sống dưới mái nhà chung, nhưng vẫn luôn giữ được sự đoàn kết, tình hình xã hội ổn định, an ninh trật tự được giữ vững.
Theo Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Cò Nòi Phạm Bá Tín, Đảng bộ xã Cò Nòi những năm 1960 chỉ có vài đảng viên, phải sinh hoạt ghép với chi bộ xã Chiềng Lương. Đến nay, Đảng bộ xã Cò Nòi đã có 735 đảng viên, sinh hoạt ở 50 chi bộ. Nhờ sự lớn mạnh và vai trò lãnh đạo của đảng bộ, Cò Nòi hôm nay trở thành trung tâm phát triển kinh tế, là nơi trung chuyển, cung ứng hàng nông sản lớn nhất ở Sơn La và khu vực Tây Bắc. Tại đây đã hình thành hàng chục doanh nghiệp chế biến, vận chuyển nông, lâm sản, mỗi năm doanh thu hàng chục tỷ đồng, và hàng trăm hộ dân có thu nhập hàng tỷ đồng.
Hôm nay đến thăm Cò Nòi, người ta không chỉ biết nơi đây với những truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng mà còn giữ thế tiên phong, đi đầu, đẩy mạnh phát triển kinh tế trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Người dân Cò Nòi đang tính đến chuyện làm giàu, xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ cha anh đi trước.
Đức Tuấn