Kinh tế
"Tiếp tục nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân..."
02:05 PM 05/12/2016
(LĐXH)- “Tiếp tục nâng cao vai trò khu vực kinh tế tư nhân” là chủ đề Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tư tổ chức vào sáng 5/12 tại Hà Nội.
Tham dự diễn đàn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đồng chí Đào Ngọc Dung cùng lãnh đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông Vận tải, Xây dựng,  Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam; đại diện Tổ chức Tài chính quốc tế, các Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Anh quốc tại Việt Nam…
Diễn đàn Diễn đàn doanh nghiệp năm nay tập trung bàn thảo về việc tăng cường liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân trong nước với đầu tư nước ngoài trong mọi lĩnh vực, ngành nghề. Qua đó, tăng cường năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ thông qua luật pháp, tài chính, kế toán và chính sách thuế. Ngoài ra, vấn đề nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo, hay việc cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ chế hợp tác công tư PPP và BOT và thị trường vốn cũng sẽ được đề cập. Một nội dung quan trọng khác cũng rất được quan tâm tại Diễn đàn là làm sao để thu hút đầu tư của khu vực tư nhân theo hướng phát triển xanh và bền vững. Cụ thể là làm thế nào để thu hút được đầu tư trong nước và nước ngoài vào năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; đồng thời giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và các quy định về bảo vệ môi trường.
Quang cảnh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam 2016
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao chủ trương xây dựng một Chính phủ kiến tạo với các quan điểm dứt khoát và chương trình hành động rõ ràng nêu trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ… tiến tới mục tiêu Việt Nam có được một môi trường kinh doanh thuận lợi thuộc nhóm 4 nước đứng đầu ASEAN và có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả vào năm 2020. Các chương trình hành động này đang bước đầu được thực thi có hiệu quả, mang lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp. Sự thăng hạng của Việt Nam trong các báo cáo tổng hợp của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới và con số doanh nghiệp thành lập mới vượt ngưỡng 100.000 trong năm nay là những minh chứng sống động.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một khoảng cách khá xa về chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và số lượng doanh nghiệp của nước ta so với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh đó, nhiều chính sách kinh tế còn bất cập, việc thanh tra, kiểm tra còn chồng chéo, thủ tục hành chính còn phiền hà, thực thi chưa nhất quán, sự thiếu minh bạch của môi trường kinh doanh và chi phí không chính thức còn cao đang là những mối quan ngại lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Để tạo ra bước phát triển đột phá thực sự, ông Vũ Tiến Lộc đề nghị cần siết chặt kỷ cương thực hiện, tăng cường sự giám sát, phản biện của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để thúc đẩy thực thi là một giải pháp tốt và cần được thực hiện ở mọi cấp, mọi ngành. Đặc biệt là cần sớm có chương trình hành động hỗ trợ chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, sửa đổi những yêu cầu về thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng… không phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy quá trình này.
Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn như TPP đang trắc trở, xu hướng chống toàn cầu hóa gia tăng, khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang ập tới… Những nhân tố đó có thể dẫn tới sự đảo chiều của thương mại, đầu tư quốc tế và sẽ có ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế mới nổi, có độ mở cao, coi xuất khẩu và đầu tư nước ngoài là những động lực tăng trưởng chính như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, yêu cầu cần đẩy mạnh cải cách thể chế, khơi dậy nội lực, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và kết nối được khu vực này với các chuỗi giá trị toàn cầu, với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chính là chìa khóa của sự phát triển bền vững.
Chính phủ đang triển khai chương trình thúc đẩy cải cách thể chế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân và việc triển khai thực hiện Luật DN, Luật Đầu tư, trình ra Quốc hội dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa là những nỗ lực đáng kể… Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta cần chuẩn bị tích cực để có thể trình Quốc hội một dự luật sửa nhiều luật liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh ngay trong kỳ họp tới và việc này phải được tiến hành thường xuyên vì tình hình đang thay đổi hết sức nhanh chóng. Bên cạnh đó, Quốc hội sớm ban hành Luật sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành theo hướng sửa đổi các quy định về thời gian làm thêm một cách linh hoạt, trên cơ sở thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, theo thực tiễn tốt ở các nước trên thế giới. Đồng thời, điều chỉnh các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội cho phù hợp, bảo đảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong cải cách hành chính, nên triển khai rộng rãi các mô hình, công nghệ cải cách đã được thí điểm thành công ở một số địa phương và bộ, ngành; đẩy mạnh thực hiện Chính phủ điện tử; tăng cường các kênh đối thoại giữa lãnh đạo chính quyền và doanh nghiệp và cần khuyến khích cơ chế đối thoại không chính thức như “cà phê doanh nhân” bên cạnh các kênh đối thoại chính thức...

Chí Tâm