Nghiên cứu - trao đổi
Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong cuộc cách mạng 4.0
09:33 AM 21/02/2018
Trong cuộc cách mạng 4.0, phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong nền kinh tế cũng như khẳng định vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Sự phát triển không ngừng của công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sự thay đổi nhu cầu sử dụng lao động, trong đó có lao động nữ.
Việt Nam đang ở trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phát chưa từng có về công nghệ - sự hội tụ của điện thoại thông minh, điện toán đám mây, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo tinh vi, thành phố thông minh và robot tiến tiến vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể tương tác. Toàn bộ quy trình cung ứng đầu vào, sản xuất đến cung cấp dịch vụ cho khách hàng được khâu nối chặt chẽ, thực hiện từ xa đã góp phần tăng năng suất, tiết kiệm thời gian, giảm đáng kể chi phí giao dịch, vận chuyển, tài nguyên và giải phóng sức lao động của con người. Đây là cơ hội phát triển, liên kết, hội nhập và là những lợi ích rất lớn mà cuộc Cách mạng này mang lại cho các quốc gia, doanh nghiệp và người dân trên toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách mỗi người chúng ta sống và làm việc. Bàn về vấn đề này, Tiến sỹ Yashiro Hiroaki, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)[1] cho rằng: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là những thành tựu công nghệ mới và nó có thể dẫn đến việc chúng ta tiết kiệm được sức lao động thông qua công nghệ. Tại Nhật Bản, chúng tôi cần công nghệ này bởi lực lượng lao động hiện đang ngày càng khó khăn, trong khi dân số thì già hoá mà số lao động lại càng giảm đi.
Sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, tài chính và xã hội là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Tại Việt Nam, sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế, tài chính và xã hội là một trong những động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Báo cáo khoảng cách giới toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới cho thấy, Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia về bình đẳng giới, trong đó tiêu thức về sự tham gia và cơ hội về kinh tế được xếp hạng 33/144. Hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã và đang có nhiều đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, chiếm gần 50% lực lượng lao động, điều hành và quản lý hơn 60% trong tổng số hơn 4 triệu hộ kinh tế gia đình ở nông thôn và 28% trong tổng số doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2017 cũng đã quy định ưu tiên phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ. Các chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ cũng đã được triển khai ở các cấp, các ngành nhằm nâng cao  nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về khởi nghiệp, góp phần thực hiện mục tiêu quốc gia về phát triển doanh nghiệp và Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Đặc biệt, ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” hỗ trợ cho 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp, giúp hiện thực hóa các ý tưởng có tính sáng tạo xuất phát từ nhu cầu và giải quyết các vấn đề hiện tại của phụ nữ.
Có thể nói, cuộc cách mạng 4.0 đã và đang mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ để họ có thể phát huy năng lực, nắm bắt xu hướng phát triển của khoa học công nghệ cũng như giúp họ vượt qua được những thách thức, chuyển biến của nền kinh tế. Tuy vậy, cuộc Cách mạng này cũng đưa lại những tác động khó lường đến tính chất của việc làm truyền thống, gây ra nguy cơ phá vỡ thị trường lao động, lao động bị dư thừa do máy móc thay thế con người và gia tăng áp lực do sự chuyển dịch của nguồn lực lao động. Tiến sỹ Yashiro Hiroaki cũng cho rằng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đưa đến những công nghệ 'tiết kiệm lao động' nên rất khó để tạo ra các cơ hội việc làm cho người lao động. Kể cả có được việc làm thì người lao động tại các nhà máy trong kỷ nguyên này sẽ phải đáp ứng các yêu cầu cao hơn và làm việc trong một môi trường hay cách tổ chức không còn giống như hiện nay. Đặc biệt, thách thức này lại càng lớn đối với các nước đang phát triển và trong những ngành nghề sử dụng nhiều lao động thủ công, lao động không đòi hỏi kỹ năng cao, trong đó phụ nữ chiếm một tỷ lệ đông đảo. 
Một nghiên cứu của Diễn đàn kinh tế Thế giới đã chỉ ra phụ nữ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất trong cuộc Cách mạng này. Một trong những lý do chính là do họ không được đại diện cho các công việc có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm tới là các ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học). Theo ước tính của UNESCO, cứ 10 nhà nghiên cứu về khoa học, công nghệ và sáng tạo trên toàn cầu thì chỉ có 3 người là phụ nữ. Còn theo LinkedIn, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 2 trên 10 công việc kỹ thuật.
Tương tự như nhiều nơi trên thế giới, ở Việt Nam, chịu áp lực nặng nề nhất là những ngành thâm dụng lao động như may mặc, da dày. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được dự đoán là sẽ khiến cho lao động trong các ngành này phải đối mặt với nguy cơ mất việc rất cao. Tại “Diễn đàn doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” vào tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được tiến hành tại 5 nước ASEAN đưa ra nhận định tiến bộ vượt bậc về công nghệ đã có tác động mạnh mẽ tới thị trường lao động và mang lại kết quả to lớn đến năng suất lao động. Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ ra tại Việt Nam, 70% việc làm có độ rủi ro cao, đặc biệt trong các ngành chế biến, chế tạo, dệt may, da giày. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), 86% lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc làm do tự động hóa. Các doanh nghiệp yêu cầu kỹ thuật giản đơn thì nguy cơ bị thay thế bằng máy móc ngày càng cao hơn. Trong bức tranh chung này, lao động nữ của Việt Nam sẽ là đối tượng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức nhiều nhất do thường tập trung trong các lĩnh vực đòi hỏi trình độ chuyên môn thấp hoặc những công việc có tính bền vững và ổn định không cao. Cụ thể: 70% lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực như dịch vụ, dệt may, da giày; 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương và tự làm; 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn; 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC tổ chức tại Thừa Thiên Huế vào tháng 9/2017 cũng đã chỉ ra việc “kỷ nguyên số đang có ảnh hưởng khó lường đến tính chất của công việc nói chung và sự tham gia, trao quyền cho phụ nữ vào lĩnh vực kinh tế nói riêng”. Qua đó cho thấy, mặc dù các nền kinh tế APEC đã đạt được những thành quả nhất định trong chiến lược phát nguồn nhân lực nữ, góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia như Hàn Quốc, Singapore… Tuy nhiên, ở những nước đang phát triển như Việt Nam, Philippines, Indonesia..., họ vẫn đang phải đối mặt với không ít rào cản. Số doanh nghiệp do nữ làm chủ chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; khả năng tiếp cận các chương trình, chính sách hỗ trợ còn hạn chế. Bên cạnh đó, họ cũng gặp khó khăn hơn nam giới trong việc thực hiện hóa ý tưởng kinh doanh, ít có cơ hội tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại hay cơ hội được đào tạo, học hỏi…
Để vượt qua mọi rào cản, thách thức, đón nhận những cơ hội và lợi ích của cuộc Cách mạng 4.0 mang lại, cũng như sẵn sàng, chủ động vững bước trong cuộc Cách mạng này, điều quan trọng hàng đầu là phải nâng cao quyền năng kinh tế cho nguồn nhân lực nữ.
Thứ nhất, cần nâng cao kiến thức số cho phụ nữ và trẻ em gái. Việc đào tạo kỹ thuật phải có mục tiêu cụ thể để cải thiện kiến thức số của phụ nữ và trẻ em gái nhằm mở ra cơ hội việc làm và kinh doanh cho họ;
Thứ hai, cần tăng cường và đẩy mạnh sự tiếp cận và tham gia của phụ nữ và trẻ em gái vào đào tạo và nghề nghiệp trong các lĩnh vực tăng trưởng mạnh, được trả lương cao hơn như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học (gọi tắt là STEAM);
Thứ ba, cần tăng cường hệ sinh thái cho phụ nữ và trẻ em gái về giáo dục STEAM và việc làm để thu hẹp khoảng cách số; tăng cường trí tuệ của phụ nữ và trẻ em gái và tận dụng các cơ hội mới do kỷ nguyên số mang lại, bao gồm học tập trực tuyến và xóa bỏ phân chia giới về số hóa trong việc tiếp cận công nghệ thông tin và truyền thông;
Thứ tư, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong các nữ thanh niên và các nữ doanh nhân;
Thứ năm, tự thân phụ nữ phải xác định chủ động tích cực học hỏi, nỗ lực phấn đấu, chấp nhận sự thay đổi, không ngừng nâng cao kỹ năng công nghệ, trình độ ngoại ngữ để có thể thích ứng và đáp ứng những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên 4.0. 
Phạm Ngọc Tiến
Vụ Trưởng, Chánh văn phòng UBQG vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam
 


[1] Nguồn: http://cafef.vn/cach-mang-cong-nghiep-40-se-anh-huong-nghiem-trong-den-nguoi-lao-dong-o-viet-nam-20171031095509956.chn