Xã hội
Nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác xã hội: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
02:56 PM 05/11/2019
(LĐXH)- Sứ mạng của nghề Công tác xã hội là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất công và bất bình đẳng, do đó cần sự chung tay của toàn xã hội.
Nghề công tác xã hội luôn hướng tới mục tiêu tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của con người; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân; phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam; thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội.
Đến nay, rất nhiều đài, báo tuyên truyền về nghề CTXH một cách thường xuyên, liên tục, thậm chí nhiều báo, đài thành lập chuyên mục riêng về lĩnh vực này, trong đó, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền nhằm làm rõ các nguyên tắc của công tác xã hội, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển nguồn vốn xã hội để phát triển lĩnh vực CTXH và góp phần thực hiện vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực CTXH.
Nhân viên CTXH chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (Ảnh minh họa)
Rất nhiều tỉnh, thành đã thành lập và vận hành mô hình trung tâm công tác xã hội (432 cơ sở), xây dựng website nghề công tác xã hội nhằm chuyển tải trực tiếp các thông điệp cũng như tiếp cận trực tiếp với các đối tượng cần trợ giúp. Nhiều cơ quan, cơ sở y tế, trung tâm bảo trợ xã hội xây dựng tổng đài tư vấn để trực tiếp với các đối tượng này.
Nhờ đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nghề CTXH đã được nhiều người biết tới, nhiều đối tượng yếu thế có thể trực tiếp tiếp cận với các chuyên gia để được tư vấn, giúp đỡ; nhiều cơ sở đào tạo đại học chiêu sinh, có hàng ngàn người theo học. Lớn hơn nữa, công tác xã hội thực sự trở thành nghề, có người cung cấp dịch vụ và người thụ hưởng dịch vụ. Qua hoạt động truyền thông đã thay đổi nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo các xã, đoàn thể và cộng đồng dân cư về công tác xã hội, người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ công tác xã hội ngày càng cao.
Truyền thông về nghề Công tác xã hội như thế nào?
Tuy nhiên, để CTXH trở thành một nghề chuyên nghiệp thật sự và hoạt động có hiệu quả, chúng ta cần có bước đi và lộ trình thích hợp nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nhanh về số lượng và chất lượng nghề CTXH. Trong tham luận này, tôi kiến nghị: Điều kiện đầu tiên là cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa đến CTXH, những người làm CTXH, nghề CTXH để có đầu tư thích đáng cho công tác này, nghề này.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các báo, đài có nhiều các hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, nhu cầu, cũng như ý nghĩa chiến lược về phát triển CTXH và nghề CTXH đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.
Chúng ta không thể giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn nạn xã hội đa dạng và phức tạp giữa con người với con người chỉ bằng kinh nghiệm vốn có, bằng ý chí mà phải bằng phương pháp tiếp cận khoa học, sự hiểu biết sâu sắc về cội nguồn, về nguyên nhân nảy sinh dựa trên cơ sở phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, hướng tới sự bình đẳng tiến bộ xã hội... đó mới là cách giải quyết cơ bản và hiệu quả nhất.
Truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động theo hướng kết nối với truyền thông về các lĩnh vực kinh tế, luật pháp, đối ngoại, văn hóa nhằm phát triển mạng lưới công tác xã hội sâu rộng với đội ngũ đông đảo những người làm dịch vụ xã hội, và nhất là tự nguyện làm công tác xã hội phi lợi nhuận, trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. 
Truyền thông về công tác xã hội cần định hướng được dư luận xã hội quan tâm, ủng hộ công tác xã hội; hơn thế còn lôi cuốn ngày càng nhiều người thuộc các tầng lớp dân cư khác nhau tích cực thực hiện công tác xã hội dưới các hình thức dịch vụ xã hội hoặc hoạt động công ích, không vụ lợi và tạo được mạng lưới bảo đảm xã hội sâu rộng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Hoạt động truyền thông về lĩnh vực công tác xã hội thông qua việc đổi mới nội dung, phương pháp và mở rộng quan hệ phối hợp, kết nối với hoạt động truyền thông ở các lĩnh vực khác, để đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần làm cho công tác xã hội được thực hiện ngay trong các hoạt động kinh tế, sản phẩm kinh tế.
Nội dung truyền thông về công tác xã hội cần được đổi mới trên cơ sở bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt liên quan đến công tác xã hội để xác định trọng tâm của các sản phẩm thông tin và truyền thông nhằm triển khai thực hiện thông tin “đi trước một bước” đối với việc thực hiện mỗi phương hướng, nhiệm vụ phát triển mạng lưới công tác xã hội của đất nước. Đồng thời, chú ý truyền thông những vấn đề nổi cộm đang thúc đẩy hoặc cản trở sự phát triển mạng lưới công tác xã hội, đặc biệt ở vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...
Đổi mới phương pháp hoạt động truyền thông nhằm tác động cùng chiều đến sự phát triển mạng lưới công tác xã hội, trước tiên và cơ bản phải liên kết với các bộ, ngành, tổng công ty hoặc tập đoàn kinh tế, để có nhiều sản phẩm truyền thông đáp ứng yêu cầu bảo đảm xã hội. Thông qua liên kết, từng bước đa dạng hóa cách làm thông tin, truyền thông hai chiều để người làm thông tin và người làm kinh doanh trao đổi thông tin, nhằm tạo được thông tin có chất lượng cao, thúc đẩy phát triển mạng lưới công tác xã hội phục vụ việc bảo đảm xã hội trước tiên và cơ bản ngay trong các hoạt động kinh tế./.
PV
Từ khóa: công tác xã hội