Lao động
Nâng cao năng lực đánh giá dữ liệu môi trường và quản lý An toàn - Sức khỏe - Môi trường (HSE)
05:40 PM 15/03/2022
(LĐXH) - Vừa qua, tại hội trường Bệnh viện 199 – Bộ Công An đã diễn ra Hội thảo “Nâng cao năng lực đánh giá dữ liệu môi trường và quản lý HSE” do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Môi trường Miền Trung (CRET) và Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế phối hợp với Công ty VinaBook đồng tổ chức.
Với sự phát triển nhanh chóng của quá trình đô thị hóa, kèm theo xây dựng và phát triển rất nhiều khu công nghiệp, nhà máy…Chính vì vậy, ô nhiễm môi trường là đều tất yếu khó tránh khỏi, do đó Quản lý An toàn, Sức khoẻ và Môi trường, bệnh nghề nghiệp là hoạt động không thể thiếu trong sự phát triển bền vững hiện nay.
Với mục tiêu nâng cao kỹ năng tổng hợp, xử lý và đánh giá dữ liệu quan trắc môi trường; từ quá trình quan trắc, nhận diện và đánh giá trong công tác quản lý HSE (Môi trường - An toàn - Sức khỏe), Hội thảo là cơ hội cơ hội đánh giá rủi ro môi trường trong hoạt động sản xuất tại các cơ sở, doanh nghiệp hiện nay
Ông Phạm Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường miền Trung-Tây Nguyên, cho biết: Chương trình với những nội dung hướng tới việc giảm thiểu rủi ro lao động để đảm bảo an toàn lao động, giới hạn những tác động lên môi trường.
Ngoài ra, những yếu tố liên quan đến sức khỏe người lao động, Tổ chức lao động không hợp lý có thể gây rất nhiều tác hại lên sự cân bằng trạng thái sinh lý, sinh hoá của cơ thể người lao động, từ đó sinh  ra các rối loạn bệnh lý.

Ông Phạm Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường miền Trung Tây Nguyên thảo luận và chia sẻ - Ảnh: Hữu Bình

Tại buổi lễ, với nội dung “Thực trạng quản lý HSE trong các cơ sở và daonh nghiệp, những giải pháp và thực trạng quản lý HSE tại Việt Nam”, TS Đường Văn Hiếu Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung cho biết: “Trong số 7.242 doanh nghiệp sở hữu trên 200 lao động, có tới 1.419.434 người lao động đang làm việc tại 1.676 cơ sở có yếu tố nguy hại, nguy hiểm; trong đó có 506.624 người tiếp xúc trực tiếp với yếu tố nguy hại, nguy hiểm. Một số yếu tố có hại luôn có tỷ lệ mẫu đo không cao nhất là trong 5 năm trở lại đây bao hồn vi khí hậu 8,6%; phóng xạ và điện từ trường 23,25%; tiếng ồn 16,53%; ánh sáng 12,04%”.

Thực trạng trong Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường cũng được xem là vấn đề trọng tâm và đáng để suy ngẫm để tìm ra những cách thức trong công tác đào tạo nhân lực, “Cứ 15 giây, trên thế giới lại có một người lao động bỏ mạng vì tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp. Mỗi năm, có đến 9.000 người chết vì ô nhiễm nguồn nước, 100.000 trường hợp ung thư do sử dụng nguồn nước ô nhiễm. Riêng khảo sát ở Việt Nam ở 37 xã mang tên Làng ung thư đã có 1.136 người chết vì các bệnh ung thư.

TS Đường Văn Hiếu Hiếu – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung - Ảnh: Hữu Bình

PGS.TS Nguyễn Văn Hợp, chuyên gia, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung cho biết: “Chúng ta có nhiều dữ liệu quan trắc phục vụ công tác giám sát và dự báo diễn biến môi trường, nhưng những đánh giá từ các dữ liệu đó còn đơn giản, chủ yếu là so sánh với các QCVN hiện hành. Để khai thác tốt hơn các dữ liệu quan trắc, cần thiết phải nâng cao kiến thức đánh giá dữ liệu môi trường bằng phương pháp thống kê như: thống kê mô tả (tính toán các đại lượng thống kê, biểu diễn dữ liệu dạng boxplot…); thống kê suy diễn (phân tích phương sai/ANOVA, phân tích tương quan và hồi quy, phân tích đa biến). Các công cụ thống kê đó cho phép đánh giá dữ liệu môi trường khách quan hơn, thuyết phục hơn và do vậy, sẽ hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ quan trắc môi trường hiện nay”.

PGS.TS Nguyễn Văn Hợp chuyên gia, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung trao đổi - Ảnh Hữu Bình

Đó là con số đang báo động để Trường Đại học Khoa Học, Đại học Huế thực hiện mở ngành HSE (Sức khỏe – An toàn và Môi trường). Đây được xem là tương lai để đảm bảo cho sự an toàn và sức khỏe của người lao động, sự bảo toàn máy móc, thiết bị, tài sản và sự phát triển bền vững đối với môi trường sống. Với quan điểm là tất cả các tai nạn, rủi ro hay các tác động đến môi trường đều có thể kiểm soát được nếu như chúng ta được đào tạo bài bản”, PGS.TS. Hoàng Công Tín – Trưởng khoa Khoa Môi trường Đại học Khoa học, Đại học Huế chia sẻ.

Bệnh nghề nghiệp là những bệnh lý mang đặc trưng của nghề nghiệp hoặc liên quan tới nghề nghiệp. Nguyên nhân là do tác hại thường xuyên và lâu dài của môi trường lao động không tốt. Theo báo cáo “ Tầm quan trọng của khám bệnh nghề nghiệp và công tác quản lý quan trắc môi trường tại các cơ quan doanh nghiệp” của Bs.CK1 Võ Thị Hồng Hướng, tầm quan trọng của người lao động, cũng như tầm soát sức khỏe theo định ký theo  khoản 2, Điều 7 trong Nghị định 39/2016/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải chủ động lập kế hoạch và tổ chức kiểm tra, đo đạc, đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại ít nhất 01 lần 1 năm, nghĩa là phải đo kiểm quan trắc môi trường lao động mỗi năm tối thiểu 1 lần; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải được kiểm tra, đánh giá đến cấp tổ, đội, phân xưởng.

Theo đó, Bệnh viện 199 là đơn vị luôn quan tâm và đi đầu trong lĩnh vực này. Tác hại nghề nghiệp là những yếu tố trong quá trình sản xuất và điều kiện lao động có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng lao động của công nhân gây nên những rối loạn bệnh lý hoặc các bệnh nghề nghiệp đối với những người tiếp xúc.

Bs.CK1 Võ Thị Hồng Hướng trình bày báo cáo tham luận - Ảnh Hữu Bình

Theo Bs.CK1.Võ Thị Hồng Hướng – Trưởng khoa PHCN-BNN, Trưởng phòng Phòng Kế hoạch Tổng hợp - Bệnh viện 199, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp chính là sức khỏe của người lao động. Theo đó, việc thực hiện các nội dung khám và xét nghiệm với mục đích đánh giá mức độ phù hợp của sức khỏe người lao động với công việc đang làm, phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, các bệnh phát sinh liên quan đến yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp.

TS. Đường Văn Hiếu Hiếu – Giám đốc Trung tâm CRET – BS.CK2.Trần Nam Chung – phó Giám đốc Bệnh viện 199 ký kết hợp tác đào tạo HSE

Theo PGS.TS Hoàng Công Tín, “Nguồn nhân lực trong lĩnh vực Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường ở Việt Nam, nhất là khu vực miền Trung hiện còn thiếu và yếu, vẫn chưa được đào tạo một cách bài bản và có hệ thống. Vì vậy, khi mở ngành Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường, đây sẽ là chuyên ngành được đào tạo chuyên sâu tại Trường Đại học Khoa Học, Đại học Huế, đáp ứng được quá trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp để khi nhận việc thì doanh nghiệp, công ty không cần phải đào tạo lại”.

Được biết, hai đơn vị đồng hành đào tạo giáo dục ngành Quản lý An toàn, Sức khỏe và Môi trường cùng với Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế là Nhóm Nghiên cứu mạnh Tài nguyên Môi trường và Sinh thái vùng eo biển và Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Công nghệ Môi trường miền Trung. Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế là một trong những cơ sở đào tạo nghành HSE đầu tiên ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên với 2 bậc đào tạo Cử nhân và Thạc sĩ.

Với định hướng đầu tư về giáo dục là công tác đầu tư lâu dài, đòi hỏi phải kiên nhẫn không thể gấp rút trong ngày một, ngày hai được. ThS. Trần Xuân Hòa – Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Đào tạo và Tư vấn Hà Nội (TCS Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây chúng tôi đã có nhiều năm Đào tạo Thực hành An toàn Lao động, Vệ sinh Lao động nên hiểu khá rõ về lĩnh vực này. Chúng tôi biết rằng nếu chỉ dừng lại ở việc đào tạo học viên ở Trung tâm sẽ không đủ để có thể đáp ứng nhu cầu của cả bộ máy vận hành trên toàn quốc nên đã liên kết đào tạo cùng một trường đại học lớn như Đại học Huế để có thể đào tạo nguồn nhân lực được nhiều hơn.

Khách mời, lãnh đạo, chuyên gia tham gia hội thảo - Ảnh: Hữu Bình

Hiện nay tại Việt Nam chỉ mới có 5 cơ sở đào tạo ngành HSE đó là: Trường Đại học Công đoàn, Trường Đại học Thủ Đô, Trường Đại học Thái Nguyên, Đại học Vinh và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Công tác đào tạo trong lĩnh vực sức khỏe, môi trường, an toàn lao động cần được củng cố để hình thành một hệ tư tưởng trong mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương nhằm giảm thiểu rủi ro trong lao động, sản xuất.. hạn chế tác động tới môi trường để hướng tới đến mục tiêu chung là an toàn sức khỏe người lao động và bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững.

Hoàng Đức Bảo