Thời sự
Nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy công chức, viên chức và người lao động trong tình hình mới
02:51 PM 07/12/2018
(LĐXH) - Ngày 7/12/2018, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác cán bộ và nâng cao năng lực về quản lý các đơn vị trong tình hình mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Đồng chí Trịnh Minh chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì Hội nghị. Tham dự hội nghị, còn có các đại biểu là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các đồng chí cán bộ chủ chốt phụ trách công tác tổ chức cán bộ ở các Cục, Vụ, Viện, Trung tâm… và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Túy – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết: Chương trình tập huấn lần này là dịp để Vụ Tổ chức cán bộ cùng các đơn vị nhìn nhận lại, đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ công tác tổ chức cán bộ ở các đơn vị. Hằng năm, Vụ Tổ chức cán bộ đều tổ chức tập huấn với mục tiêu rà soát lại toàn bộ hoạt động công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị; thu thập thông tin, phản hồi, trao đổi cùng nhau xử lý những bất cập, vướng mắc, khó khăn, thuận lợi về công tác tổ chức cán bộ.
Tại Hội nghị, Đồng chí Trịnh Minh chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đã trình bày một số định hướng mới về công tác tổ chức cán bộ theo chủ trương chung của Chính phủ, Nhà nước và của Bộ. Trong đó, tập trung nhấn mạnh vào các chuyên đề chủ yếu như: Kiện toàn, sắp xếp, tinh giản; nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy công chức, viên chức và người lao động trực thuộc; quy hoạch và sử dụng cán bộ … Đặc biệt là nội dung cải cách tiền lương và cải cách BHXH đã được ban hành được xem là 2 vấn đề thiết yếu có tác động lớn đến người lao động và đội ngũ cán bộ công, viên chức.
Đồng chí Trịnh Minh Chí, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nêu một số định hướng mới về công tác tổ chức cán bộ
Để có thể đảm đương được các nhiệm vụ của Bộ, Ngành thì công tác tổ chức cán bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng, từ việc xác định rõ vai trò, vị trí của từng đơn vị, thực hiện cải cách thể chế, bộ máy, cải cách hành chính, triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, cho đến việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực chuyên môn, tính chuyên nghiệp, quy hoạch, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý... Chính vì vậy, việc tổ chức Hội nghị về công tác tổ chức cán bộ là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh đa số cán bộ làm công tác tổ chức không được đào tạo chuyên sâu về công tác tổ chức cán bộ.
Năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 14/2017/NĐ-CP thay thế Nghị định 106 quy định về chức năng nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ, trong đó có một số thay đổi so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về các lĩnh vực: lao động, tiền lương; việc làm; giáo dục nghề nghiệp; bảo hiểm xã hội, trẻ em, bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vị quản lý Nhà nước của Bộ. Như vậy, chức năng đã được sắp xếp lại thứ tự lĩnh vực quản lý Nhà nước, theo đó lĩnh vực lao động là số 1, để phản ánh đúng thực tế ưu tiên chính sách của Bộ trên 11 lĩnh vực chính.
Về cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay, Bộ tiếp tục duy trì gồm 2 nhóm tổ chức hành chính: Nhóm các tổ chức hành chính quản lý tổng hợp, có đối tượng quản lý chủ yếu là các tổ chức quản lý hành chính chuyên ngành trong cùng cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có phạm vi quản lý là các hoạt động bên trong có tính chất nội bộ của Bộ (gồm 6 tổ chức là Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ và 1 số vụ). Và Nhóm các tổ chức hành chính quản lý chuyên ngành, có phạm vi hoạt động quản lý chủ yếu bên ngoài Bộ, với đối tượng quản lý là các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ trên toàn quốc (gồm 11 cục, vụ, tổng cục). Về cơ bản, mô hình tổ chức Bộ hiện nay là theo mô hình chung của các Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đáp ứng được yêu cầu đảm bảo cho tổ chức hành chính thuộc Bộ được thành lập và hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, ngoài các đơn vị đã được kiện toàn, sắp xếp lại theo tiêu chí của Dự thảo Bộ Nội vụ trích ý kiến từ các bộ ngành thì mô hình tổ chức hành chính của Bộ vẫn còn một số hạn chế do trong quá trình triển khai còn vướng mắc một số khó khăn nhất định.
Đây là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận tham mưu và trình cấp trên có phương án xử lý kịp thời trong công tác tổ chức cán bộ
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe một số thông tin khái quát về tình hình chung trong công tác tổ chức cán bộ năm 2018, một số khó khăn và thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện đối với quy định về tổ chức, bộ máy, biên chế; Công tác tuyển dụng, tiếp nhận, nâng ngạch, chuyển ngạch; Một số vấn đề về bổ nhiệm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng… Đồng thời, các đại biểu cũng có dịp trao đổi, thảo luận về những khó khăn vướng mắc trong công tác tổ chức cán bộ tại đơn vị để có hướng tham mưu và trình cấp trên có phương án xử lý kịp thời./.
Hà Giang