Giáo dục - Nghề nghiệp
Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho lao động nông thôn
11:41 AM 21/11/2022
(LĐXH) - Thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) giai đoạn 2011 – 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và đã được tổ chức triển khai một cách hiệu quả. Trong giai đoạn này, đã có nhiều kế hoạch, chương trình, đề án, dự án và các chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho các đối tượng là người khuyết tật, thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ, lao động thuộc các gia đình bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường,….được ban hành và đi vào thực tiễn.
Công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn về học nghề và việc làm được tỉnh quan tâm thường xuyên. Trong 10 năm qua, Thừa Thiên Huế đã phát hành hơn 137 ngàn tờ gấp, tờ rơi... giới thiệu các nội dung cơ bản, các chính sách của Đề án 1956, các mô hình hiệu quả và thông tin tóm tắt về ngành nghề, trình độ đào tạo của các đơn vị đào tạo nghề trên địa bàn có tham gia dạy nghề cho LĐNT. Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương để đưa tin về các hoạt động của Đề án (đã có 738 lượt chuyên mục, chuyên đề được phát sóng hoặc đưa tin trên báo chí…). tổ chức 126 phiên giao dịch việc làm - dạy nghề tại các huyện, thị xã và thành phố Huế nhằm giúp cho LĐNT tiếp cận các chính sách pháp luật về việc làm, dạy nghề, tiếp cận các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và các doanh nghiệp để học nghề và tìm việc làm.
Qua báo cáo tổng kết 10 năm triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 34.171 lao động nông thôn được đào tạo nghề. Trong đó, nghề nông nghiệp là 8.545 người (chiếm tỷ lệ 25%), phi nông nghiệp là 25.626 người (chiếm tỷ lệ 75%). Trong số 34.171 lao động nông thôn đã được đào tạo, có 32.091 người đã học xong và có 29.208 người có việc làm sau học nghề (nghề nông nghiệp là 7.527 người, nghề phi nông nghiệp là 21.681 người). Có 14.625 người được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, chiếm 50,1% số người có việc làm sau học nghề; 1.448 người được DN nhận bao tiêu sản phẩm, chiếm 5% số người có việc làm sau học nghề; 981 người thành lập tổ nhóm sản xuất, HTX, DN, chiếm 3,4% số người có việc làm sau học nghề. Có 12.154 người học xong tự tạo việc làm hoặc làm nghề cũ nhưng có thu nhập cao hơn.
Lớp dạy nghề pha chế 
Thực hiện phương châm “chỉ đào tạo nghề khi xác định được việc làm và thu nhập sau học nghề”, tình trạng chạy theo số lượng, chỉ tiêu đã được khắc phục tích cực; dạy nghề gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Quan trọng hơn là người dân từ chỗ học theo phong trào, học để nhận tiền hỗ trợ đã chuyển sang học nghề để tìm việc làm chuyển đổi nghề nghiệp, học nghề để nắm vững khoa học kỹ thuật, ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp, có năng suất, thu nhập cao hơn.
Thông qua các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đã mang lại hiệu quả tích cực, các sản phẩm từ mô hình được thị trường chấp nhận, cho giá trị thương phẩm và hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như mô hình nuôi cá nước lợ, nước ngọt, mô hình đào tạo nghề thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá hạng 4 cho ngư dân trong tỉnh. Qua đào tạo nghề đã giúp ngư dân nắm vững nguyên tắc sử dụng, sửa chữa các thiết bị điện tử và máy móc trên tàu, sử dụng thành thạo các thiết bị trong khai thác thủy sản, đọc các chi tiết về tọa độ, bản đồ, vùng nước… Sau đào tạo nghề, ngư dân đã được cấp bằng thuyền trưởng, máy trưởng hội đủ điều kiện để tham gia khai thác, đánh bắt thủy sản theo quy định.
Có thể nói, sau 10 năm thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là khu vực nông nghiệp và nông thôn; nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen canh tác, tác phong làm việc của người lao động theo hướng tiếp cận với tác phong công nghiệp. Sau học nghề, người dân đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng hàng hóa và dịch vụ, nâng cao thu nhập, giảm dần khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác dạy nghề cho LĐNT; xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và xây dựng nông thôn mới; tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống và giảm nghèo bền vững; Dạy nghề cho LĐNT gắn với quy hoạch phát triển kinh tề - xã hội và gắn với quy hoạch phát triển sản xuất của địa phương. Trong đó, chỉ tiêu đào tạo khoảng 15 ngàn lao động nông thôn, trong đó có 2 ngàn  lao động nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%) và 10 ngàn lao động phi nông nghiệp (chiếm tỷ lệ 80%).
Để đạt mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nội dung của Đề án đến với người dân, quan tâm đễn những xã vùng sâu, vùng xa, miền núi; tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn học nghề, chọn nghề và tổ chức dạy học theo phương châm xuất phát từ nhu cầu học nghề, việc làm và điều kiện của người học; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Tập trung chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các cấp, các ngành, BCĐ các cấp thực sự quan tâm và tham gia vào các hoạt động của Đề án tuỳ theo vai trò, vị trí và nhiệm vụ được phân công. Tiếp tục đổi mới hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng hệ thống trường dạy nghề, trung tâm dạy nghề cho LĐNT theo hướng hiện đại, chuẩn hoá. Tập trung dạy nghề cho thanh niên nông thôn đáp ứng yêu cầu lao động của các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động và chuyển đổi nghề nghiệp. 
Lồng ghép các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình Nông thôn mới, các chương trình, đề án, dự án…đặc biệt là nguồn lực xã hội hoá để huy động các nguồn lực cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn. Phát triển các ngành nghề truyền thống, nâng cao vai trò các nghệ nhân tham gia đào tạo nghề truyền thống ở địa phương để tạo việc làm cho người lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề. Đổi mới chương trình, nội dung dạy nghề phù hợp, linh hoạt. Tích cực hỗ trợ và tạo điều kiện cho người học sau khi học nghề (vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giới thiệu việc làm…). Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đào tạo nghề ở các cấp; đổi mới cơ chế tài chính; chú trọng hình thức đào tạo nghề theo dự án, đơn đặt hàng; cải cách thủ tục hành chính trong quản lý hoạt động dạy nghề cho LĐNT.
 Nam Khánh