Giáo dục - Nghề nghiệp
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động
02:21 PM 11/04/2023
(LĐXH) – Xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội, tỉnh Ninh Thuận đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực như: Hỗ trợ vay vốn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xuất khẩu lao động; ban hành các cơ chế, chính sách để nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2022 toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho gần 11.000 người, đạt 120 % kế hoạch năm (nhóm ngành nông nghiệp là 2.347 người, chiếm 21,7%). Đào tạo ngắn hạn cho hơn 10.000 học viên/8.000 chỉ tiêu, đạt 125 %, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn là 2.913/2600, đạt 112%. Đối với ngành phi nông nghiệp, trong năm 2022 đào tạo được 20 lớp/611 người, thu nhập bình quân của người lao động sau học nghề từ 4,5 triệu đồng đến 6,5 triệu đồng/tháng.

Đào tạo nghề giúp nông dân có kỹ năng nghề phát triển sản xuất ổn định

Ông Trần Đức Long, Phó giám Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, thời gian tới, khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng hình thức liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao trong nước cũng như của nước ngoài. Đặc biệt, xây dựng các mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho thanh niên, nhất là ở các vùng nông thôn, trên cơ sở tổng kết, đánh giá những mô hình hiện có của Đoàn Thanh niên và các địa phương. Chú trọng đến đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các nhóm đối tượng thanh niên đặc thù như bộ đội xuất ngũ, thanh niên, phụ nữ nghèo; thanh niên vùng dân tộc thiểu số… Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã thẩm định và chấp thuận cho hơn 25 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động giới thiệu về các địa phương trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để tuyên truyền, tư vấn cho người lao động. Cùng với tăng cường các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa phương sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để tiếp cận và hỗ trợ các huyện vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc và miền núi, theo hướng tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong việc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, ngành có gắn với các chương trình, dự án về đào tạo nghề cho lao động đi làm việc ở nước ngoài… Trong quá trình này, việc đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn đào tạo nghề nghiệp với việc làm được xem là một trong những giải pháp cốt yếu.

Dự kiến trong năm 2023, tỉnh Ninh Thuận sẽ đào tạo cho hơn 60% người lao động trong các làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức thông tin cơ bản; Tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 9.500 người, trong đó, đào tạo dài hạn khoảng 1.000 người, tuyển mới trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng cho khoảng 8.500 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 2.600 người…

Trần Huyền