Giáo dục - Nghề nghiệp
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động
04:08 PM 04/09/2017
(LĐXH) Trong những năm gần đây, Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định đã tập trung nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.
Giờ thực hành của lớp dạy nghề cơ khí.
(Ảnh minh họa)
Hiện Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định có 9 ngành đào tạo trình độ trung cấp các nghề: Hàn, Công nghệ chế tạo vỏ tàu thủy, Cắt gọt kim loại, Công nghệ ôtô, Điện công nghiệp, Điện tử dân dụng, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, May thời trang, Kế toán doanh nghiệp; 9 ngành đào tạo trình độ sơ cấp các nghề: Hàn, Đan lát thủ công, Cắt gọt kim loại, Mộc dân dụng, Điện công nghiệp, Điện tử dân dụng, Kỹ thuật điêu khắc gỗ, May công nghiệp, Tin học văn phòng, đồng thời đào tạo bổ túc THPT... Được sự quan tâm của Bộ LĐ-TB và XH, của UBND tỉnh, nhà trường đã được đầu tư xây dựng cơ cở hạ tầng đồng bộ, trang thiết bị dạy nghề khá hiện đại, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhà trường có 2 cơ sở ở Thị trấn Cát Thành và ở xã Việt Hùng (Trực Ninh) có tổng diện tích 26.169m2, với 2 nhà học cao tầng diện tích 1.560m2, một nhà xưởng thực hành diện tích 2.332m2, 2 nhà hiệu bộ 2 tầng diện tích 1.129m2, ký túc xá học sinh diện tích 120m2 và các công trình phụ trợ khác. Hằng năm, nhà trường đều được đầu tư mua sắm các thiết bị máy công nghệ hiện đại phục vụ giảng dạy, thực hành, trong đó tập trung cho 3 nghề trọng điểm gồm: điện tử dân dụng, hàn và công nghệ vỏ tàu thủy. Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ học tập, nghiên cứu nâng cao chuyên môn, cập nhật những kiến thức mới bảo đảm làm chủ kiến thức, máy móc, kỹ thuật để hướng dẫn, giảng dạy cho học sinh. Hiện tại, nhà trường có 80 cán bộ, viên chức, trong đó đội ngũ giáo viên đều đạt chuẩn theo quy định của Bộ LĐ-TB và XH. Đồng chí Đinh Văn Hoản, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động để chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp. Chương trình, giáo án thường xuyên được đổi mới, bổ sung các thiết bị máy thực hành phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng dạy và học. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, liên kết đào tạo, mở rộng và hoàn thiện quy mô đào tạo, trong đó tập trung đẩy mạnh các ngành nghề truyền thống, phát triển đào tạo các ngành nghề mới. Những năm qua, nhà trường duy trì quy mô đào tạo 1.500 học sinh. Hằng năm, công tác tuyển sinh đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2017, nhà trường được giao tuyển sinh 1.000 học sinh, trong đó 500 học sinh hệ trung cấp nghề và 500 học sinh hệ sơ cấp. Nhà trường đã tổ chức hội nghị tuyển sinh trình độ trung cấp năm 2017 với Phòng GD và ĐT; hiệu trưởng các trường THCS trên địa bàn huyện Trực Ninh; tổ chức tư vấn tuyển sinh cho học sinh, phụ huynh học sinh tại các trường THCS trên địa bàn các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Giao Thủy; đồng thời thông báo tuyển sinh học nghề trên đài phát thanh các huyện Trực Ninh, Xuân Trường. Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhà trường tuyển sinh mới 452 học sinh; tổng số học sinh của trường là 1.247 học sinh, trong đó: Trung cấp nghề 995 học sinh, Sơ cấp nghề 252 học sinh... Nhà trường thực hiện phương châm “Học đi đôi với hành”, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lấy thực hành kỹ năng nghề là chính, phù hợp với từng cấp độ đào tạo. Nhà trường chủ động liên kết, phối hợp với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo để học sinh khi tốt nghiệp nhanh chóng tiếp cận với thực tế và giải quyết việc làm sau học nghề cho học sinh. Trong tháng 5 và 6-2017, nhà trường đã đưa 300 học sinh học xong năm thứ nhất đi thực tập tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, tiêu biểu như: Cty Hòa Phát (Hưng Yên) 45 học sinh, Cty TNHH Kỹ thuật vật tư Thăng Tiến (Hà Nội) 40 học sinh, Cty TNHH Sigma (Hà Nội) 40 học sinh, Cty TNHH LME (Hà Nội) 20 học sinh… Các doanh nghiệp lo toàn bộ bữa ăn, chỗ ở và hỗ trợ cho học sinh 3-4 triệu đồng/người/tháng. Với cách làm này chất lượng đào tạo của nhà trường được nâng cao do doanh nghiệp đã tham gia hỗ trợ quá trình đào tạo, tạo điều kiện cho học sinh có môi trường thực hành, có thêm cơ hội tiếp cận với các trang thiết bị, máy móc cũng như được rèn luyện kỹ năng, kiến thức cần thiết khi ra thực tế sản xuất. Mặt khác, thông qua việc phối hợp này, các doanh nghiệp sẽ được cung cấp đội ngũ lao động có tay nghề, đáp ứng được nhu cầu công việc. Sau đào tạo, 100% học sinh tốt nghiệp trình độ trung cấp của trường có việc làm với mức lương từ 6,5-7 triệu đồng/người/tháng; 85-90% học sinh tốt nghiệp trình độ sơ cấp có việc làm với mức lương từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Năm học 2017-2018, Trường Trung cấp Nghề Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường các mô hình trực quan và thiết bị trợ giảng, liên kết với các doanh nghiệp trong khu vực bồi dưỡng nâng cao trình độ cho lao động đã có nghề. Liên kết với các trường đại học, áp dụng mô hình liên thông, liên kết đào tạo trình độ cao đẳng, đại học nhằm nâng cao kiến thức kỹ năng cho người lao động, tạo môi trường học tập đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Minh Tân