Nghiên cứu - trao đổi
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai
04:57 PM 29/09/2020
(LĐXH) - Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956 ) hiện nay là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác đào tạo nghề nhằm từng bước nâng cao chất lượng, mở ra cơ hội việc làm cho lao động nông thôn, đồng thời để ổn định kinh tế, an sinh xã hội của những vùng nông thôn.
Mô hình nuôi dê sinh sản giúp nhiều hộ nghèo ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai được nhân rộng

Trong giai đoạn 5 năm (2016 - 2020) triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ cho thấy, mặc dù tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề tăng nhưng chất lượng đào tạo còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế; một số giải pháp khắc phục đã được triển khai, tuy nhiên vẫn chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Chính vì vậy, bài viết này nghiên cứu tập trung đánh giá chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn thời gian qua tại huyện Cẩm Mỹ và  tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai trong giai đoạn qua. Từ đó đề ra một số giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới.

Thực trạng và kết quả đào tạo nghề LĐNT tại Cẩm Mỹ

Cẩm Mỹ là một huyện thuần nông thuộc khu vực phía Nam của tỉnh Đồng Nai, có dân số khoảng 154.950 người, trong đó có 145.313 người trên 93% dân số sống ở khu vực nông thôn. Trong đó, tổng lực lượng lao động (LLLĐ) 98.827 người (chiếm gần 64,1% dân số), lao động nông thôn (LĐNT) chiếm trên 87% tổng LLLĐ của huyện vào năm 2019. Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành là cơ sở để các tỉnh, thành trên phạm vi cả nước thúc đẩy mở rộng hoạt động đào tạo nghề (ĐTN) cho LĐNT. Để cụ thể hóa chủ trương này, Phòng LĐTBXH huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016 – 2020.  

Theo đó, qua 3 năm (2017 – 2019) triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có 1.798 LĐNT của huyện được học nghề bằng chính sách của nhà nước. Tỷ lệ LĐNT có việc làm sau đào tạo chiếm 86% so với tổng số LĐNT được hỗ trợ học nghề. Số LĐNT học nghề phi nông nghiệp đã có sự tăng dần từ 21,51 % năm 2017 lên 22,63 % năm 2019.  Kết quả dạy nghề cho LĐNT góp phần nâng tỷ lệ lao động có việc làm của tỉnh lên 29,5 %. Chỉ tính riêng trong năm 2019, Phòng LĐTBXH huyện đã phối hợp với các địa phương và các cơ sở dạy nghề thực hiện thí điểm 2 mô hình: Mô hình đào tạo nghề chăn nuôi dê sinh sản và Mô hình đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây có múi. Sau khi tốt nghiệp 100% học viên đã áp dụng kiến thức vào thực tế sản xuất có hiệu quả, nhiều hộ gia đình từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, sản lượng ít, năng suất thấp đã vươn lên thoát nghèo nhờ việc kết hợp chăn nuôi theo mô hình VAC và mở rộng trang trại. 

 Trong 5 năm qua, toàn huyện đã mở được 46 lớp dạy nghề nông nghiệp với 1.349 lao động tham gia học các nghề như: kỹ thuật trồng bưởi da xanh, sầu riêng lượng cao, chăn nuôi thú y, chăn nuôi lợn, kỹ thuật chăn nuôi dê, trồng cây ăn quả, kỹ thuật trồng rau hữu cơ, rau an toàn. Đối tượng học nghề là lao động nông thôn trong độ tuổi lao động (từ 15 đến 55 tuổi đối với nữ và từ 15 đến 60 tuổi đối với nam). Trong đó, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng là người thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người bị thu hồi đất canh tác, người nhiễm chất độc hóa học (Dioxin) còn khả năng học nghề và đi làm việc, người khuyết tật.  Toàn huyện mở được 15 lớp dạy nghề phi nông nghiệp với 449 lao động, bao gồm các nghề: kỹ thuật chăm sóc cây cảnh, kỹ thuật chế chuối, tin học văn phòng, hàn,  điện dân dụng,  may công nghiệp,  kỹ thuật điêu khắc gỗ, sản xuất hàng mây tre giang đan. Trong năm 2019, huyện đã tạo việc làm mới cho 430 người, trong đó thông qua nguồn vốn vay tại Ngân hàng chính sách xã hội là 118 lao động (với 6.715 triệu đồng). Năm 2018 đã tạo việc làm mới cho 295 người, trong đó thông qua nguồn vốn vay tại Ngân hàng chính sách xã hội là 155 lao động (với 6.275 triệu đồng). Năm 2017, đã tổ chức đào tạo được 10 loại hình nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với 674 lao động tham gia thuộc các nhóm đối tượng 1, 2, 3. Số liệu thống kê của UBND huyện Cẩm Mỹ (2019), cho thấy sau gần 5 năm triển khai Đề án đã nâng cao tỷ lệ LĐNT qua ĐTN từ 21,51% năm 2016 lên 29,5% năm 2019.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giúp người nghèo thoát nghèo bền vững ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai

Tính đến tháng 12/2019,  trên địa bàn huyện hiện có 01 Trung tâm GDNN-GDTX và các trung tâm học tập công đồng đã và đang đi vào hoạt động ổn định. Các loại hình đào tạo đa dạng ở các cấp học, thời gian học. Trong 3 năm (2017 – 2019),  Trung tâm đã mở được 61 lớp đào tạo nghề ở hai ngành kỹ thuật chăn nuôi và điện dân dụng. Tuy nhiên, so với tiềm năng phát triển của Huyện thì quy mô các cơ sở đóng trên địa bàn vẫn còn ở mức khiêm tốn, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giảng dạy còn hạn chế. Về xây dựng xây dựng Chương trình và phương pháp đào tạo nghề trong 5 năm qua, huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng được Đề án “đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Đó là các căn cứ để các cơ sở ĐTN xây dựng kế hoạch đào tạo gắn với mục tiêu phát triển cụ thể trong từng giai đoạn của địa phương, đồng thời tạo điều kiện để quá trình ĐTN gắn được với mục tiêu sử dụng.  Ngoài ra, Trung tâm đào tạo nghề của huyện đã xây dựng được danh mục các nghề đào tạo. Nếu như trong năm 2017 huyện xây dựng 3 nghề đào tạo ở trình độ Trung cấp thì  đến năm 2018 tăng lên là 6 nghề; Sơ cấp nghề năm 2019 là 7 nghề. 

Về chất lượng đào tạo nghề trong thời gian qua cho thấy,  kết quả điều tra 120 LĐNT trên địa bàn huyện về công tác đào tạo nghề và chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT huyện Cẩm Mỹ cho thấy vẫn có tới 22,50% lao động không muốn đi học nghề, và có tới 19,17% cho rằng đào tạo nghề vẫn chưa gắn với việc làm hoặc nếu có thì thu nhập của họ sau khi được đào tạo vẫn chưa cao như họ mong muốn. Nguyên nhân chính khiến cho LĐNT không muốn đi học nghề đó là do chất lượng đào tạo nghề. Có tới 20,83 % số lao động cho rằng chất lượng đào tạo nghề ở trung tâm dạy nghề và các cơ sở dạy nghề khác của huyện chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề của họ, trong đó hai yếu tố được đánh giá ảnh hưởng nhất đến chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT huyện trong thời gian này là cơ sở vật chất của nơi học và trang thiết bị dạy học. Phần lớn các ý kiến đề xuất đều mong muốn đào tạo nghề cần phải gắn với việc làm ổn định lâu dài, phát triển các hình thức, chương trình đào tạo phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo có như vậy mới thu hút được bộ phận LĐNT theo học nghề.

Kết quả khảo sát 120 lao động về hình thức và nội dung chương trình đào tạo nghề cho người lao động nông thôn trên địa bàn huyện cho thấy có 38,33% ý kiến của người lao động cho rằng hình thức và nội dung chương trình đào tạo nghề được triển khai trên địa bàn huyện hiện nay là chưa phù hợp và cần bổ sung thêm về chất lượng các buổi thực hành, trang thiết bị mới để phù hợp với tình hình phát triển chung của toàn huyện và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn huyện cũng như các địa bàn xung quanh. Có 20,83% số ý kiến cho rằng nội dung và hình thức chương trình đào tạo trên địa bàn huyện đã phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động. Còn lại 40,83% ý kiến cho rằng với các hình thức và nội dung đào tạo nghề trên địa bàn huyện như hiện nay thì sau khi được đào tạo nghề người lao động có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lao động trên địa bàn.

Trang bị kỹ năng nghề cho lao động nông thôn về kiến thức, khoa học để áp dụng trong trồng trọt  đem lại hiệu quả kinh tế cao

Khào sát cũng cho thấy, với tỉ lệ 85,00 % người lao động được hỏi cho rằng sau khi tham gia vào các lớp học nghề thì kiến thức và tay nghề của người lao động sẽ được nâng lên so với trước khi tham gia học, từ đó kỹ năng giải quyết công việc sẽ tốt hơn, nhanh hơn từ đó kỳ vọng thu nhập sẽ cao hơn. Có 39,17 % ý kiến đồng ý với việc sau khi học nghề thu nhập của họ tăng lên do tay nghề tăng và mức độ hoàn thành công việc của người lao động sẽ tốt hơn. Khả năng ứng dụng các kiến thức khi được học vào trong sản xuất của người lao động sau khi được đào tạo được đánh giá ở mức độ 73,33 % ý kiến. Điều đó cho thấy đào tạo nghề và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động là một việc làm hết sức quan trọng và đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cẩm Mỹ nói riêng và của cả nước nói chung. Ngoài ra, khảo sát cũng cho thấy hầu hết các ý kiến của cán bộ, giáo viên dạy nghề khi được hỏi đều cho rằng phát triển công tác dạy nghề là một việc làm hết sức cần thiết không chỉ đáp ứng được nhu cầu học nghề của lao động địa phương mà còn là một biện pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Kết quả điều tra cho thấy, trong tổng số đơn vị SXKD được hỏi thì có 03 cơ sở cho rằng chất lượng lao động đã qua đào tạo đang làm việc ở mức độ tốt, chiếm 25%. 58,33% các cơ sở cho rằng chất lượng của lực lượng lao động mới ở mức trung bình, tức là mới đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của cơ sở. Trong đó có 58,33% ý kiến cho rằng số lao động làm việc tại cơ sở của họ có tay nghề chưa cao cần phải đào tạo và kèm cặp thêm từ các lao động cũ của doanh nghiệp, và có 50,00 % số ý kiến cho rằng lao động sau khi được đào tạo có kiến thức vững vàng nhưng lại chưa áp dụng linh hoạt và sáng tạo các kiến thức đã học vào công việc.

Như vậy, mặc dù trong những năm qua, chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT không ngừng được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm và khắc phục. Điều đáng chú ý nhất hiện nay chính là ý thức của bộ phận LĐNT. Các cơ sở và trung tâm dạy nghề trên địa bàn huyện ngoài việc không ngừng trau dồi kiến thức và tay nghề cho họ thì cần phải nâng cao ý thức và văn hóa nghề nghiệp cho người lao động để họ có thể hiểu được giá trị nghề nghiệp trong cơ chế thị trường hiện nay. Làm tốt công tác này sẽ giúp cho chất lượng lao động được cải thiện một cách đáng kể, từ đó chất lượng đào tạo nghề cũng được đánh giá cao hơn và tạo niềm tin vững vàng hơn cho LĐNT.

Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT 

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Cẩm Mỹ đạt hiệu quả cao trong thời gian tới. Một trong những giải pháp quan trọng là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tư vấn học nghề cho người lao động. Vì do trình độ văn hóa và trình độ tay nghề thấp dẫn đến tâm lý chung của lao động nông thôn ít chịu đổi mới, dè dặt khi đón nhận các yếu tố kỹ thuật mới, nhận thức chưa đầy đủ về việc cần phải được đào tạo, chưa có được tầm nhìn cả hiện tại và tương lai trong việc xác định nghề cần học., học cái gì? học như thế nào? học ở đâu?.. Chính vì vậy, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, cũng như các tổ chức xã hội cần phải tập trung tuyên truyền giáo dục để nhanh chóng làm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề và sự cần thiết làm việc phải có nghề; phải đánh thức nhu cầu học nghề một cách thật sự như một khát vọng muốn lập nghiệp, làm giàu từ nghề nghiệp, đồng thời đóng vai trò định hướng, tư vấn về nghề nghiệp, hỗ trợ và tổ chức dạy nghề, nâng cao năng lực làm việc cho lao động nông thôn.


Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là giải pháp tạo việc làm bền vững và hiệu quả

Thứ hai là, huyện cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng được nhu cầu học tập của học viên; phấn đấu hoàn thiện và sử dụng các phòng học, thực hành nghề sửa chữa xe máy để có thể sớm mở lớp đào tạo, các phòng học lý thuyết phục vụ việc giảng dạy lý thuyết và phòng thực hành các nghề may công nghiệp, hàn điện, sửa chữa điện công nghiệp…

Thứ ba là, phát triển, đổi mới nội dung chương trình đào tạo. Trong đó, tập trung xây dựng chương trình, nội dung đào tạo theo hướng mềm hoá, đa dạng hoá chương trình, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động đa dạng và tạo cơ hội học tập cho người lao động. Lược bỏ những nội dung không thiết thực, bổ sung những nội dung cần thiết theo hướng đảm bảo kiến thức cơ bản, cập nhật với tiến bộ khoa học công nghệ, tăng năng lực thực hành nghề nghiệp, năng lực tự học của người học. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo nghề, hoàn thiện hệ thống các cơ sở dạy nghề. Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp tích hợp, chương trình dạy nghề theo Module để người học dễ dàng tiếp cận kiến thức, tăng cường kỹ năng thực hành nghề để người học có khả năng hành nghề sau khi đào tạo. 

Thứ tư là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền trong toàn huyện về việc triển khai thực hiện đề án dạy nghề cho lao động nông thôn, coi đây là mục tiêu quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững; chỉ đạo lồng ghép đề án dạy nghề cho lao động nông thôn với việc triển khai các chương trình, đề án khác của địa phương. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng công tác dạy nghề ở các cấp, các ngành trên địa bàn và thường xuyên thực hiện tốt việc sơ kết, tổng kết các chương trình hoạt động trong công tác theo từng năm và từng giai đoạn. Tổ chức điều tra, dự báo nhu cầu về nguồn lao động, nắm bắt thông tin về nhu cầu học của lao động nông thôn. Nghiên cứu khảo sát xây dựng danh mục các nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã  hội của địa phương. 

                                                                            TS.Phạm Thị Tân - Ths.Lê Thị Thương

                                                                        Giảng viên trường ĐH Lâm nghiệp,

                                                                            Nghiên cứu sinh trường ĐH Lâm nghiệp