Xã hội
Nam Trực: Nhiều hoạt động trong công tác đền ơn đáp nghĩa
10:32 AM 21/05/2019
Trải qua các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) đã tiễn đưa hàng nghìn người con lên đường đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong đó đã có nhiều người hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thăm hỏi đối tượng chính sách trên địa bàn huyện
Thống kê, huyện Nam Trực hiện có 6.262 đối tượng chính sách, trong đó 3.327 gia đình liệt sĩ, 1.349 thương binh, 893 bệnh binh, 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 1 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và các đối tượng khác. Thời gian qua, cùng với việc tập trung phát triển kinh tế- xã hội, huyện cũng đặc biệt chú trọng công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân, nhất là các đối tượng chính sách. Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chế độ, chính sách đối với người có công, nhất là những quy định mới ban hành, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chế độ, chính sách; tập trung giải quyết những tồn đọng trong xác nhận công nhận người có công, tạo mọi điều kiện thuận lợi để những đối tượng có đủ tiêu chuẩn đều được thụ hưởng chính sách ưu đãi theo quy định.
Ông Vũ Thế Hùng, Phó trưởng Phòng LĐTBXH huyện Nam Trực cho biết: Hiện nay, Phòng LĐTBXH huyện đang thực hiện chế độ chi trả tiền trợ cấp hằng tháng cho hơn 6.000 đối tượng chính sách, hằng năm, Phòng đều chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đối tượng chính sách người có công như: cấp thẻ BHYT, thực hiện chế độ điều dưỡng, chế độ cấp trang thiết bị dụng cụ chỉnh hình cho thương binh, lập hồ sơ ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề cho con em gia đình chính sách…
Trong năm 2018, huyện Nam Trực đã tiếp nhận 286 hồ sơ mai táng phí đối tượng người có công, trong đó có 130 hồ sơ người hoạt động kháng chiến, 70 hồ sơ thương, bệnh binh, 60 hồ sơ gia đình liệt sĩ, duyệt hồ sơ và đề nghị Sở LĐTBXH giải quyết 181 đối tượng trợ cấp một lnần theo Quyết định 24 à 36 hô sơ theo Quyết định 62. Thực hiện Nghị định số 31/2013/NĐ- CP của Chính phủ về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, Phòng đã tham mưu, đề nghị giải quyết 02 hồ sơ công nhận liệt sĩ tại xã Nam Hoa và xã Đồng Sơn. Thực hiện tốt công tác quản lý đền liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ. Trong năm, huyện đã cấp thẻ BHYT cho 13.496 đối tượng, thân nhân người có công; thực hiện chính sách đối với việc thờ cúng liệt sĩ cho các đối tượng với tổng kinh phí trên 1,2 tỷ đồng. Tổ chức điều dưỡng cho 331 đối tượng người có công, trong đó điều dưỡng tập trung tại Đồ Sơn - Hải Phòng, Sầm Sơn- Thanh Hóa, Trung tâm điều dưỡng tỉnh là 213 người, điều dưỡng tại gia đình 118 người, với tổng kinh phí điều dưỡng hơn 1,7 tỷ đồng.
 Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Nam Giang được tu bổ, sửa chữa thể hiện lòng thành kính tới các anh hùng liệt sĩ
 Bên cạnh đó, Phòng LĐTBXH thẩm định hồ sơ và đề nghị Sở LĐTBXH giải quyết chế độ ưu đãi cho hàng trăm học sinh, sinh viên là con người có công. Trong năm 2018, phòng LĐTBXH đx hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện chế độ ưu đãi giáo dục năm học 2017-2018 cho 137 đối tượng. Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, nhà bia ghi tên liệt sĩ được chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Trên địa bàn huyện hiện có công trình Đền thờ Liệt sĩ, 28 nghĩa trang liệt sĩ, với 3.645 mộ liệt sĩ. Năm 2017, huyện đã tổ chức sưu tầm khá đầy đủ di ảnh các anh hùng liệt sĩ của huyện; đầu tư trên 700 triệu đồng tu sửa, mua sắm trang thiết bị tại Đền thờ liệt sĩ. Vào dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) hằng năm, huyện đều tổ chức chuyển quà của Chủ tịch nước, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đến các đối tượng người có công, thân nhân người có công với cách mạng.
Trong dịp kỷ niệm 71 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, tri ân những người có công với cách mạng như: Tổ chức viếng đền thờ, thắp nến tri ân; tổ chức đoàn đại biểu đi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ; tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà và động viên các gia đình liệt sĩ, thương binh tiêu biểu trên địa bàn huyện khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Huyện trích từ ngân sách, tặng quà cho 6.255 lượt đối tượng được nhận quà. Trong đó: Có 3 cán bộ tiền khởi nghĩa, 3 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 anh hùng lượng vũ trang, 1349 thương binh, 894 bệnh binh, 647 người nhiễm chất độc da cam, 31 người bị tù đầy, 1 người có công giúp đỡ cách mạng và 3.322 người đại diện cho thân nhân liệt sĩ. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai dự án tu sửa Đền thờ liệt sĩ, thay cổng tam quan bằng đá, dự toán tổng chi phí 5 tỷ đồng. Huyện cũng chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tham gia chăm sóc, tặng quà các gia đình chính sách, thể hiện tấm lòng tri ân với những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện tích cực tham gia với những hoạt động thiết thực như: Nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng, đóng góp xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, ủng hộ tiền và ngày công xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, quét dọn nghĩa trang liệt sĩ. Năm 2018, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện đã vận động được 483 triệu đồng, đạt 245% kế hoạch. Từ nguồn quỹ, huyện Nam Trực đã hỗ trợ 6 gia đình chính sách khó khăn xây mới, sửa chữa nâng cấp nhà ở. Trong đó, hỗ trợ xây mới 2 nhà ở, mỗi nhà 70 triệu đồng cho bà Ngô Thị Hồng là vợ liệt sĩ ở thôn Hồng Phong, xã Nam Hồng và cụ Vũ Thị Toại là mẹ liệt sĩ ở xã Đồng Sơn; hỗ trợ xây mới 2 nhà ở, mỗi nhà 50 triệu đồng cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Ngô Thị Thục ở xã Nam Hồng và bà Vũ Thị Phượng vợ liệt sĩ ở xã Nam Dương; hỗ trợ sửa chữa 2 nhà ở, mỗi nhà 25 triệu đồng cho thương binh Đỗ Quốc Việt ở xã Điền Xá và thương binh Hoàng Thượng Tín ở xã Nam Toàn...
Có thể nói, trong những năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện đã trở thành phong trào sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân, thể hiện đúng đạo lý truyền thống của dân tộc Việt Nam “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Đồng thời góp phần xoa dịu nỗi đau, làm ấm lòng các gia đình chính sách, góp phần động viên, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tinh thần, tạo điều kiện để các gia đình chính sách tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, gương mẫu thực hiên tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm gương để con cháu học tập và noi theo./.
 
Hồng Phượng
Từ khóa: Đền ơn Đáp nghĩa