Xã hội
Nam Đông: Nhiều thương binh vượt khó làm giàu
11:09 AM 02/08/2018
(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa, những cựu thương binh, bệnh binh trở về sau những năm tháng chiến đấu lại vùi mình vào “cuộc chiến” trong thời bình là xóa nghèo. Vốn tín dụng chính sách đã và đang tạo điều kiện, trở thành nền tảng cho những người lính năm xưa phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Trong suốt 15 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã chuyển tải trên 400 tỷ đồng đến với 19.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Ngân hàng đang triển khai 12 chương trình tín dụng, tổng dư nợ đạt 166 tỷ đồng, với 4.500 hộ vay, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,03% tổng dư nợ. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách, đã có hơn 15.000 lượt hộ cải thiện được đời sống, hơn 3.500 lượt hộ thoát nghèo.
Theo NHCSXH huyện Nam Đông, đến nay, toàn huyện có 8/11 xã, thị trấn có hội cựu chiến binh tham gia quản lý vốn vay, với 14 tổ tiết kiệm và vay vốn; 437 hộ tham gia vay vốn; tổng dư nợ trên 15 tỷ đồng; không có nợ quá hạn phát sinh.
Để nguồn vốn đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện Nam Đông đã phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể xây dựng kênh dẫn vốn công khai, dân chủ, gần dân và có sự giám sát của chính quyền địa phương.
Cụ thể, đã xây dựng được hệ thống điểm giao dịch xã và tổ chức giao dịch vào một ngày cố định tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện để phục vụ nhu cầu vốn cho người dân. Hoạt động điểm giao dịch xã đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khi vay vốn hoặc thanh toán nợ gốc, lãi, gửi tiền tiết kiệm và tiếp cận các dịch vụ tiện ích khác của NHCSXH được thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho người vay, đồng thời kiểm tra, đối chiếu vốn vay được công khai khi cần thiết, hạn chế tiêu cực phát sinh.
Đến thăm mô hình trồng cây cao su và chăn nuôi bò của thương binh Hồ Sỹ Thi, người dân tộc Cơ Tu ở thôn Ta Rung, xã Hương Sơn, huyện Nam Đông mới thấy rõ hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách. Trước đây, gia đình ông Thi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Không chỉ riêng gia đình ông Thi, mà hầu hết bà con dân tộc Cơ Tu đều thuộc diện nghèo. Thông qua các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH, gia đình ông Thi đã vay 50 triệu đồng để mua giống cây cao su, cây keo. Ngoài ra, gia đình còn được vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để chi phí cho con học đại học
Mô hình trồng cây cao su kết hợp với việc chăn nuôi của thương binh Hồ Sỹ Thi
Hiện tại, “người lính năm xưa” sở hữu hơn 4 ha rừng cao su tiểu điền, 5 ha rừng keo tiểu điền kết hợp nuôi bò vỗ béo dưới tán rừng cao su. Từ thu nhập ban đầu, ông còn mở rộng đầu tư cải tạo vườn để trồng thêm chanh, cam và các loại cây trồng khác, mang về thu nhập cho gia đình 150 triệu đồng mỗi năm. Tâm sự với chúng tôi, thương binh Hồ Sỹ Thi chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH, nên gia đình tôi mới có cuộc sống như ngày hôm nay. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ cố gắng phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn vốn để mở rộng mô hình trồng trọt và chăn nuôi...”.
Hay như thương binh Lưu Thiếu Tường (thôn 10, xã Hương Hòa, huyện Nam Đông), trở về quê hương sau những năm tháng tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia, cuộc sống khó khăn trăm bề, rất may được Hội Cựu chiến binh xã đứng ra tín chấp với NHCSXH, ông đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng để khai hoang trồng cây cao su xen lẫn mô mình nuôi ong lấy mật tại vườn. Sau 8 năm chăm sóc, đến nay, vườn cây cao su của ông đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ngoài ra, mô hình nuôi ong đan xen dưới vườn cây cao su cũng mang về thu nhập đáng kể.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không những giúp những người lính năm xưa có nguồn vốn để sản xuất trong thời bình, mà đồng vốn còn là “chìa khóa” cho đồng bào dân tộc thiểu số làm quen với sản xuất - kinh doanh, giúp họ chuyển biến về nhận thức, tiếp cận cách thức sản xuất hàng hóa, phát huy sự chủ động, sáng tạo để vươn lên, cải thiện và ổn định cuộc sống, làm giảm tệ nạn cho vay nặng lãi ở vùng nông thôn.

Ông Văn Đức Thọ, Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Việc chăm lo các gia đình chính sách, thương, bệnh binh là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó có NHCSXH. Đối tượng mà NHCSXH cho vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, do vậy trong những năm qua, NHCSXH luôn đồng hành cùng hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó đặc biệt quan tâm đến thương, bệnh binh, gia đình chính sách và xem đây là trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp hướng về cội nguồn trên hành trình vì hạnh phúc người nghèo.

Nam Khánh