Giáo dục - Nghề nghiệp
Nam Định: Gắn công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động
07:55 PM 26/12/2019
(LĐXH) - Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, thời gian qua, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người lao động.
Nam Định là tỉnh nằm ở khu vực phía Nam Đồng bằng sông Hồng. Diện tích tự nhiên không lớn (khoảng 1.688km2), dân số đông (khoảng 1,85 triệu người), số người trong độ tuổi lao động gần 1,1 triệu người, chiếm gần 60% dân số. Năm 2019. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP là 8,8%, cơ cấu kinh tế Nông, lâm nghiệp và thủy sản là 19%, Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ là 81%. Thu ngân sách trên địa bàn tỉnh được 5.500 tỷ đồng. Tháng 10 vừa qua Nam Định là 1 trong 2 tỉnh được Chính phủ công nhận là tỉnh đạt Nông thôn mới, đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng 3.
Người dân Nam Định có truyền thống hiếu học, những năm gần đây tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT và tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, điểm thi bình quân vào đại học, cao đẳng luôn trong tốp dẫn đầu toàn quốc.
Làng nghề gỗ La Xuyên, Nam Định

Trong những năm qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội đã nỗ lực tham mưu triển khai công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay các cơ sở GDNN phát triển rộng khắp trên 10 huyện/thành phố, đa dạng về ngành nghề đào tạo, trình độ đào tạo. Những năm trước đây, toàn tỉnh có 46 cơ sở GDNN, thực hiện sắp xếp lại các cơ sở GDNN đến nay còn 40 cơ sở GDNN. Trong đó có 7 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 16 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 12 cơ sở tham gia đào tạo nghề; Đào tạo 119 ngành nghề; quy mô đào tạo trên 34.000 người/năm, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo việc làm cho người lao động có thu nhập ổn định, đóng góp, hoàn thành nhiều tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới thời gian qua.
Triển khai Quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng, phâ luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 01/11/2018 với mục tiêu phấn đấu học  
sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại cơ sở GDNN đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp đạt ít nhất 30%; tiếp tục học tập tại các cơ sở GDNN đào tạo trình độ cao đẳng ít nhất 40%.
Công tác đào tạo nghề từng bước hướng vào phục vụ theo nhu cầu của Doanh nghiệp và thị trường lao động; Chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo cho phù hợp với đối tượng người học; Tăng cường các giờ giảng thực hành, tích hợp; Đưa học sinh sinh viên thực tập tại doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đào tạo, học sinh tiếp cận được với công nghệ, máy móc hiện đại; Gắn kết với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm.... Công tác tuyển sinh, tư vấn nghề cho người học được làm tỉ mỷ, chặt chẽ và có cam kết 3 bên giữa người học cơ sở đào tạo và doanh nghiệp.
Đối với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, người lao động qua đào tạo đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng, góp phần hoàn thành thắng lợi Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Các chương trình đào tạo nghề phi nông nghiệp đã cung cấp nguồn lao động có tay nghề, kỹ thuật cho các khu, cụm công nghiệp, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo vùng. Từ năm 2010-2019, toàn tỉnh Nam Định đã đào tạo đào tạo cho 59.419 lao động, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 21.236 người, nhóm nghề phi nông nghiệp là 38.183 người.
Bằng các giải pháp đã thực hiện nêu trên năm 2019 toàn tỉnh tuyển sinh được 34.500 người, đạt 100% kế hoạch và đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 45% (tăng 3,4% so với năm 2016). Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt từ 85-90%. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp hệ trung cấp, cao đẳng ra trường có việc làm ngay đạt trên 90%, có ngành nghề đạt 100%, ngoài ra có một số ngành nghề học sinh chưa tốt nghiệp doanh nghiệp đã nhận vào làm việc (ngành hàn, may ...).
Tuy nhiên, theo Sở Lao động - TBXH tỉnh, việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Nhận thức của người học và xã hội về GDNN chưa đầy đủ, còn nặng tư tưởng bằng cấp; Mạng lưới cơ sở GDNN còn nhiều bất cập, chưa phân bố hợp lý giữa các khu vực trên địa bàn tỉnh; Việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN chưa thực sự được quan tâm đúng mức; vừa thừa, vừa thiếu về số lượng; Chương trình đào tạo nhà giáo chưa được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tế; Cơ sở vật chất, thiết bị của một số cơ sở GDNN chưa được quan tâm đầu tư hoặc đầu tư không đồng bộ; Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN còn thấp, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, từng địa phương; mối quan hệ giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp còn lỏng lẻo; học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm.., kỹ năng khởi nghiệp; đào tạo nghề cho lao động nông thôn có nơi còn chưa thực sự hiệu quả; Nhiều cơ sở GDNN triển khai tự kiểm định chất lượng chưa bám sát theo quy định; chưa thành lập được trung tâm kiểm định chất lượng GDNN độc lập trên địa bàn tỉnh;
Để tạo điều kiện triển khai công tác đào tạo nghề trong thời gian tới, tỉnh Nam Định đề xuất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành Trung ương ban hành, điều chỉnh hệ thống văn bản: Qui hoạch mạng lưới cơ sở GDNN; Qui định hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN; Qui định về học văn hóa trong cơ sở GDNN…; Hỗ trợ kinh phí đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho những địa phương chưa tự cân đối được ngân sách; Tăng định mức kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cho phù hợp với thực tiễn. Điều chỉnh nâng mức thu học phí trong các cơ sở GDNN theo lộ trình tiến tới đủ trang trải chi phí tối thiểu theo nghề; đồng thời Nhà nước có cơ chế miễn giảm học phí cho đối tượng học hết THPT tham gia học nghề để phân luồng học sinh. Hỗ trợ kinh phí hoạt động của trung tâm DVVL; Tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc ký hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP./.
Thu Hương