Xã hội
Năm 2020, xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em
12:50 PM 25/12/2019
LĐXH - Năm 2019, nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu qủa Luật Trẻ em, dự án "Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Hội nghị Triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2020 được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của 63 điểm cầu

Với phương châm hành động "Đoàn kết - kỷ cương - sáng tạo - hiệu quả", năm 2019, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Chương trình công tác với 16 chỉ tiêu cụ thể, 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện cụ thể cho các đơn vị, địa phương. Với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, toàn ngành đã đạt được những kết quả tích cực, hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu.

Riêng đối với công tác trẻ em, thực hiện đẩy mạnh công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, năm 2019, nhằm thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương thực hiện có hiệu quả Luật Trẻ em, dự án "Phát triển hệ thống bảo vệ trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016-2020 và các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 phê duyệt Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 – 2025. Đồng thời, tổ chức chương trình "Mùa Xuân cho em" lần thứ 12; Tháng hành động vì trẻ em với chủ đề "Chung tay vì trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số; phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống đuối nước trẻ em"; Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 với chủ đề "Trẻ em với vấn đề về trẻ em"; Diễn đàn vận động chính sách hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao động trẻ em năm 2019 với chủ đề "Đừng để trẻ em làm việc trên đồng ruộng, hãy để trẻ em nuôi dưỡng ước mơ"; Hội nghị Phát triển trẻ em khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 9; Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Tiếp tục hội nhập khu vực và quốc tế về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em .

Chú trọng triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em; giảm tai nạn, thương tích ở trẻ em. Tổ chức tập huấn cho cán bộ trung ương và địa phương về thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Kiện toàn Ban bảo vệ trẻ em cấp xã; tham gia các đoàn giám sát tối cao của Quốc hội tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Triển khai các hoạt động phối hợp liên ngành phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em như: Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cùng các bộ, ngành liên quan triển khai chiến dịch truyền thông và duy trì truyền thông chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em với trọng tâm là phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trong trường học và trong gia đình; hướng dẫn một số điều của Bộ luật hình sự về xâm hại tình dục trẻ em. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục theo dõi sát tình hình, nắm thông tin, tiếp nhận thông tin, giải quyết và phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc liên quan đến trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục, vận động xã hội thực hiện quyền trẻ em; nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Triển khai hiệu quả hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; nhân rộng các mô hình trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng. Tích cực huy động nguồn lực từ cộng đồng, xã hội để trợ giúp cho trẻ em, trong năm Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã vận động được 188,2 tỷ đồng, thực hiện hỗ trợ cho 128.007 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí hỗ trợ trên 113 tỷ đồng. Đến nay có 70% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp dưới các hình thức; 55% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em.

Các đầu cầu báo cáo tham luận kết quả hoạt động, bao gồm cả công tác trẻ em

Mặc dù đã đạt những kết quả tích cực nhưng trên thực tế đến nay, tình trạng bạo lực xâm hại trẻ em vẫn còn cao và ở mức độ nghiêm trọng, gây bức xúc và hoang mang trong dư luận, do đó, tới đây, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Thực hiện đầy đủ Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc.

Cụ thể, về phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 đối với công tác trẻ em, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, sẽ tập trung đảm bảo triển khai thực hiện tốt quyền trẻ em; triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện và lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các Chỉ thị, chương trình, đề án về bảo vệ, chăm sóc trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia về trẻ em chọn năm 2020 là "Năm vì trẻ em" để tập trung thực hiện đồng bộ việc đánh giá, tổng kết, xây dựng chiến lược, chương trình, đề án về trẻ em; tăng cường các giải pháp tạo lập cuộc sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em và phát triển toàn diện trẻ em; chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi để không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, hội nhập của đất nước.

Hướng dẫn lồng ghép các chỉ tiêu về trẻ em trong Chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, địa phương, ngành đến năm 2025 và 2030 gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em, nhằm tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra bạo lực, bạo hành trẻ em; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bạo hành trẻ em.

Thực hiện đầy đủ Công ước của Liên hiệp quốc về quyền trẻ em, Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc. Đẩy mạnh công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc và thực hiện các quyền cơ bản. Tổ chức tốt Tháng hành động vì trẻ em và Diễn đàn trẻ em các cấp. Củng cố và phát triển Hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em; hỗ trợ bảo vệ và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em vùng nông thôn nghèo, vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống giữa các nhóm trẻ em và trẻ em giữa các vùng, miền, nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

Đẩy mạnh công tác truyền thông - giáo dục pháp luật về quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; truyền thông - tư vấn về kỹ năng làm cha, mẹ và kỹ năng sống cho trẻ em thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội và truyền thông cộng đồng. Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 theo hướng đa phương tiện, kết nối vùng và kết nối trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Đăng Doanh