Lao động
Năm 2020 tâm thế và định hướng mới phát triển thị trường lao động Việt Nam
11:23 AM 25/01/2020
(LĐXH)- Trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH, cho biết: 2019 là một năm rất thành công với Bộ, ngành Lao động TBXH.
Đối với việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, Bộ đã hoàn thành 196 nhiệm vụ (đạt 100%) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, không có nhiệm vụ quá hạn. Đặc biệt, Bộ Lao động – TBXH tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn và thông qua Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi). Đây là một dấu ấn rất lớn tạo ra một tâm thế mới, một định hướng mới, quản lý mới trong phát triển thị trường lao động Việt Nam.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí nhân dịp xuân Canh Tý 2020
Ngay từ đầu năm 2019, với phương châm hành động: Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả và bứt phá, toàn NgànhLao động – TBXH đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, các lĩnh vực quản lý Nhà nước đều được triển khai đồng bộ, đạt kết quả tích cực. Đây cũng năm thứ tư liên tiếp Bộ Lao động – TBXH hoàn thành 100% Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (trình 22/22 Đề án); hoàn thành và hoàn thành vượt mức 3 chỉ tiêu của Ngành, góp phần cùng cả nước hoàn thành 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2019.
Bộ đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động 2012 (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành 90,06%. “Đây là Bộ luật có nhiều nội dung lớn, phức tạp, nhạy cảm, qua đó đã nội luật hóa công ước và các cam kết quốc tế, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua là một quyết sách rất sáng suốt có tầm nhìn dài, có tính chất chiến lược của Đảng, Nhà nước. Đặc biệt, trong Bộ luật có những vấn đề mới như mở rộng đối tượng phạm vi điều chỉnh về tiền lương tối thiểu; phát triển các tổ chức đại diện người lao động bên cạnh tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để thích ứng với các thách thức trong giải quyết vấn đề già hóa dân số…
“Bộ luật Lao động 2019 khi có hiệu lực từ 01/01/2021 sẽ làm thay đổi hai vấn đề rất quan trọng: một là, tiêu chuẩn lao động và hai là, quan hệ lao động. Bộ luật Lao động 2019 sẽ có một sức sống rất dài trong lịch sử xây dựng pháp luật lao động Việt Nam…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Các đại biểu Quốc hội ấn nút thông qua Bộ luật Lao động 2019
Năm 2019, cả nước đã tạo việc làm cho trên 1,6 triệu lao động, đạt 103,2% kế hoạch; đưa 148 nghìn người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, về đích trước 1 năm trong kế hoạch 5 năm 2016 - 2020.
Thị trường lao động đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong đó, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có bước đổi mới mạnh mẽ trong việc nâng cao về chất lượng giáo dục nghề nghiệp; tuyển sinh dạy nghề đạt trên 2,33 triệu người, là năm thứ hai liên tiếp tuyển sinh vượt kế hoạch. Trong đào tạo nghề, các trường đã chuyển mạnh sang hướng đặt hàng đào tạo theo địa chỉ theo đầu ra, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, cung ứng nguồn nhân lực có chất lượng cho thị trường lao động - việc làm.
Với phương châm “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, công tác giảm nghèo tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm còn dưới 4% (giảm trung bình 1,35%).
Theo tiêu chí của Liên hợp quốc, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam chỉ còn 1,45%, đáng phấn khởi là đã xuất hiện nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo tại hàng chục tỉnh, thành phố, vùng sâu, vùng xa, tạo hiệu ứng lan tỏa. Chương trình giảm nghèo bền vững của Việt Nam tiếp tục được Liên hợp quốc coi là điểm sáng toàn cầu.
Về lĩnh vực người có công, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, qua hơn 3 năm tập trung triển khai quyết liệt, giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng, 100% số hồ sơ triển khai theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH (với trên 6.000 hồ sơ), qua đó đã xác nhận trên 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh. Hiện nay, Bộ, ngành Lao động – TBXH đang tiếp tục phối hợp cùng các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố xem xét theo hướng mở rộng phạm vi giải quyết hồ sơ tồn đọng đến các ngành, cấp huyện, xã và trong nhân dân. Hiện nay, đã có 8 địa phương đã giải quyết xong hồ sơ tồn đọng, 14 địa phương không có hồ sơ người có công tồn đọng.
Các lĩnh vực xã hội khác cũng được đặc biệt quan tâm, thực hiện đều khắp như: Bảo trợ xã hội; bảo vệ, chăm sóc, bảo vệ trẻ em; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và phát triển được triển khai tương đối toàn diện. Có thể thấy tổng quát chung, năm 2019 là một năm Bộ Lao động – TBXH đã hoàn thành và hoàn thành rất tốt các chỉ tiêu mà các cấp có thẩm quyền giao.
Về những chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động - người có công và xã hội năm 2020, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối cả nước hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Bộ cũng đã nghiên cứu xây dựng Kế hoạch, Chiến lược thực hiện công tác lao động - người có công và xã hội giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Để thực hiện thành công, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp trong đó có Ngành Lao động – TBXH phải chủ động, quyết liệt và sáng tạo hơn trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, về công tác xây dựng thể chế, năm 2020 số lượng văn bản Bộ tập trung xây dựng để ban hành, trình cấp có thẩm quyền ban hành rất lớn. Đặc biệt là các văn bản pháp luật trình Quốc hội, Chính phủ ban hành gấp hơn hai lần trung bình hằng năm, với dự kiến 80 đề án, bao gồm: 01 dự án luật, 01 hồ sơ gia nhập công ước, 48 nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có 25 nghị định, ưu tiên 11 nghị định liên quan đến hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động) và 30 thông tư của Bộ trưởng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và trò chuyện với các sinh viên Trường Cao đẳng Cơ khí – nông nghiệp

Một số đề án lớn, quan trọng như: Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Gia nhập Công ước số 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức (theo cam kết của Quốc hội và Chính phủ), sửa đổi Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, tập trung triển khai thể chế hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội; xây dựng các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động để Bộ luật kịp thời đi vào cuộc sống ngay từ đầu năm 2021.
Năm ASEAN Việt Nam 2020, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, Bộ Lao động – TBXH sẽ bám sát vào 5 nội dung ưu tiên Ủy ban Quốc gia về ASEAN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, cuối năm 2019, Bộ Lao động – TBXH đã xây dựng một kế hoạch tổng thể các hoạt động do Bộ Lao động – TBXH phụ trách, cùng với việc điều phối, phát huy vai trò của 13 Bộ, ngành trong khối Văn hóa - Xã hội.
Cụ thể, Năm ASEAN 2020, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN sẽ có 2 sự kiện lớn là Hội nghị Hội đồng Văn hóa - Xã hội (cấp Bộ trưởng) tổ chức vào tháng 4/2020 tại thành phố Đà Nẵng và tháng 10/2020 tại thành phố Hồ Chí Minh. Trên cương vị nước Chủ tịch của Cộng đồng, Việt Nam đưa ra 2 sáng kiến là: “Tuyên bố cấp cao ASEAN về  Phát triển nguồn nhân lực trong một thế giới đang thay đổi” và “Tuyên bố cấp cao ASEAN về Phát triển nghề công tác xã hội”. Cả hai sáng kiến này của Việt Nam đều nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên ASEAN. Ngoài ra, Bộ Lao động – TBXH cũng đã có những sự chuẩn bị về mặt nhân sự, bộ máy, cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương để đảm bảo sự thành công của các sự kiện.
Dự kiến trong năm 2020, Bộ Lao động – TBXH sẽ chủ trì tổ chức 33 sự kiện ASEAN ở các cấp độ khác nhau, trong đó có cả một số sự kiện sẽ được tổ chức tại trụ sở Ban thư ký ASEAN nhằm góp phần làm tăng cường hình ảnh một ASEAN gắn kết và năng động, thống nhất.
“Tôi tin là với sự chuẩn bị chủ động, tích cực, có trách nhiệm như vậy, Bộ Lao động – TBXH sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trong năm 2020” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.

Trần Thắng