Xã hội
Năm 2019, Ngành BHXH TP.HCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT
08:54 AM 15/01/2020
(LĐXH) - Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo biểm Xã hội TPHCM cho biết: Trong năm 2019, tập thể lãnh đạo và viên chức, người lao động toàn ngành BHXH Thành phố đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, thực hiện nhiều giải pháp để hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
Đ/c Phan Văn Mến, Bí thư Đảng Ủy, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP. Hồ Chí Minh

Theo đó, kết quả trong năm 2019, Công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tính đến cuối năm 2019 đã có 2.484.125 người, đạt 100,2% kế hoạch (tăng 6,16%); Tham gia BHXH tự nguyện 23.564 người, đạt 126,17% kế hoạch (tăng 333%); BH thất nghiệp 2.430.113 người, đạt 100,76% kế hoạch (tăng 8,3%); tham gia BHYT 7.541.585 người, đạt 101,6% kế hoạch (tăng 5,09%). Tỷ lệ độ bao phủ BHYT đạt 89,1%, vượt 1,2% theo Quyết định 1167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và vượt 1,1% theo Nghị quyết 40/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

Tình đến cuối năm 2019, số thu BHXH, BHYT, BHTN được 65.626.965 triệu đồng, đạt 101,74% kế hoạch, tăng 11,9% so với năm 2018. Số nợ BHXH, BHYT, BHTN sau khi trừ số tiền nợ không tính lãi, nợ dưới 1 tháng và nợ khó thu (1.154.819 triệu đồng) thì tổng số nợ còn lại là 961.124 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 1,42%, giảm 0,43% so với cùng kì năm 2018.

Bên cạnh đó, công tác giải quyết chế độ BHXH  được ngành quan tâm và đẩy mạnh. Trong năm 2019, ngành BHXH TP đã giải quyết 2.039.515 lượt người hưởng các chế độ BHXH (tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước). Hiện nay, BHXH thành phố đang quản lý 228.534 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trong đó có 121.507 người hưởng nhận qua thẻ ATM và 107.027 người hưởng nhận bằng tiền mặt. Cùng với đó, BHXH TP đã tổ chức ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với 184 đơn vị trên địa bàn thành phố.  Trong năm đã giải quyết 22.016.273 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT (nội trú 1.796.114 lượt, ngoại trú 20.220.159 lượt), tổng số tiền chi khám chữa bệnh BHYT là 19.986 tỷ đồng (chưa trừ số tiền xuất toán), chiếm 109,87% dự toán được giao.

Về công tác quản lý tài chính và chi trả các chế độ BHXH, BHYT được ngành BHXH TP.HCM thực hiện đúng đủ, kịp thời với các đối tượng và không để xây ra sai sót. Trong năm 2019, BHXH TP.HCM đã chi trả BHXH, BHYT với tổng số tiền là 46.795 tỷ đồng. Trong đó, chi BHXH từ nguồn ngân sách nhà nước là 1.831 tỷ đồng, chi từ nguồn quỹ là 24.978 tỷ đồng và chi BHYT là 19.986 tỷ đồng. Việc chi trả các chế độ BHXH, BHTN được thực hiện kịp thời với nhiều hình thức tiện lợi qua thẻ ATM, qua hệ thống Bưu điện và chi bằng tiền mặt. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chi trả không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.

Song song đó, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm cũng được ngành tập trung đẩy mạnh. Trong năm 2019, BHXH TP đã thanh, kiểm tra liên ngành tại gần 5.750 đơn vị. Qua thanh, kiểm tra đã đề nghị các đơn vị lập thủ tục tham gia cho 4.900 NLĐ, điều chỉnh mức đóng cho 615 NLĐ. Tổng số tiền thu được là 22,8 tỉ đồng. Số tiền phải thu về Quỹ BHYT do các cơ sở khám chữa bệnh BHYT chi sai quy định là 4,2 tỉ đồng; số tiền BHXH ngắn hạn sai quy định phải thu về Quỹ BHXH là 3 tỉ đồng. Số thu nợ qua công tác thanh tra, kiểm tra là 263 tỉ đồng.

BHXH TP.Hồ Chí Minh cũng lập biên bản vi phạm hành chính tại 134 đơn vị với tổng số tiền xử phạt là 11,9 tỉ đồng, trong đó có 72 đơn vị bị xử phạt theo Quyết định của Giám đốc BHXH TP.Hồ Chí Minh với số tiền 2,6 tỉ đồng và chuyển UBND TP xử phạt 62 đơn vị 9,3 tỉ đồng. Đồng thời,  cơ quan BHXH TP đã chuyển hồ sơ 72 doanh nghiệp trốn đóng, nợ đọng 132 tỉ đồng  BHXH cho cơ quan công an điều tra để xử lý hình sự theo quy định của pháp luật. Sau khi BHXH TP chuyển hồ sơ cho cơ quan công an, có 6 đơn vị đã cơ bản trả hết nợ và cơ quan BHXH TP.Hồ Chí Minh đã đề nghị rút tên các doanh nghiệp này, cơ quan công an điều tra cũng chấp nhận đưa ra khỏi danh sách khởi tố. Trong số 66 doanh nghiệp còn lại có 64 đơn vị đã khắc phục một phần tiền trốn đóng BHXH và cơ quan điều tra đang tiến hành thủ tục điều tra theo quy định. Tổng số tiền các doanh nghiệp đã khắc phục, đóng cho BHXH là 46 tỉ đồng.

Đ/c Phan Văn Mến - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM phát biểu tại Hội nghị triển khai công tác phối hợp giữa BHXH TP với các cơ quan báo chi ngày 10/01/2020

Bên cạnh đó, Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT được ngành quan tâm và đẩy mạnh. BHXH TP đã ký kết quy chế phối hợp với 17 sở ngành và 26 cơ quan báo, đài để tuyên truyền chủ trương chính sách về BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Định kì hàng quý phối hợp với Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam, Trung tâm xúc tiến thương mại, UBND quận huyện, Phòng Lao động TBXH quận huyện tổ chức đối thoại được 79 cuộc với 12.611 đại diện đơn vị tham dự. Ngoài ra, còn phối hợp với Bưu điện tổ chức 901 Hội nghị tuyên truyền về BHXH tự nguyện tại chợ, khu phố, phường, xã với 49.268 người dự; tuyên truyền BHYT hộ gia đình được 166 Hội nghị với 18.103 lượt người dự;  đăng 814 tin bài, 90 văn bản và các thông tin liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên website của BHXH TP và giải đáp các câu hỏi của người lao động, doanh nghiệp trên chuyên mục Diễn đàn hỏi đáp của BHXH Thành phố với 1.569 câu hỏi; cung cấp 550.000 tờ rơi về chính sách BHXH, BHYT, BHTN và 250.000 phiếu thông tin cần biết về BHXH tự nguyện để người dân tiếp cận nhanh nhất.

Song song đó, Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện quyết liệt, đồng bộ theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam và Ủy ban nhân dân thành phố. Các quy trình thủ tục được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa và trên Trang thông tin điện tử BHXH Thành phố để nhân dân và đơn vị biết thực hiện. Đồng thời, ngành còn  tăng cường giao dịch điện tử và giao dịch qua bưu chính trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả để giảm thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện bằng nhiều giải pháp, mô hình mới được các đơn vị áp dụng để tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng phục vụ như: liên thông thủ tục Cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng với Cổng dịch vụ công quốc gia; Triển khai giao dịch điện tử về lĩnh vực thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT; thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, giải quyết các chế độ BHXH ngắn hạn.

Thực hiện chi trả các chế độ BHXH cho người hưởng qua thẻ ATM, các trường hợp người hưởng già yếu, ốm đau, đi lại khó khăn… được ngành cử cán bộ chi trả tận nhà. Ngoài ra, còn cung cấp thông tin đóng BHXH, BHYT cho doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của BHXH Thành phố. Đổi mới công tác tiếp nhận, trả kết quả giải quyết như: Người dân có thể nộp hồ sơ ở bất cứ BHXH quận huyện nào trên địa bàn thành phố và trả kết quả qua dịch vụ bưu điện; Đối tượng chỉ tham gia BHYT được cấp, đổi thẻ tại bất kì 24 BHXH quận huyện nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí, giảm số giờ giao dịch, rút ngắn thời gian giải quyết.

Người lao động làm thủ tục BHXH tại trụ sở Bảo hiểm Xã hội TP.HCM

Ông Phan Văn Mến – Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TPHCM cũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế như: Mặc dù đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN phát triển tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố; Chi BHYT vẫn còn ở mức cao. Nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng gia tăng do một số đơn vị giải thể, phá sản chưa có hướng xử lý.

Vì vậy, để thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2020, ngành BHXH TP.HCM đã đặt ra nhiều giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành và địa phương tham mưu Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố các giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả. Năm 2020, ngành phấn đấu đạt độ bao phủ BHYT 91%. Số người tham gia BHXH bắt buộc đạt 2.644.000 người, BHXH tự nguyện 40.000 người, BHYT là 8.250.000 người. Hoàn thành kế hoạch thu 75.000 tỷ đồng, giảm nợ dưới mức 1,4% số phải thu.

Để hoàn thành được các chỉ tiêu trên, năm 2020 ngành đề ra các pháp như: Tiếp tục triển khai giao dịch điện tử trong lĩnh vực giải quyết trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe và tiến tới triển khai đối với các chế độ BHXH còn lại. Đồng thời, phối hợp với Bưu điện đổi mới phương thức phục vụ chi trả qua các dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ; quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức, trợ cấp BHXH một lần, bảo hiểm thất nghiệp. Tăng cường kiểm tra công tác giải quyết chế độ BHXH tại quận huyện và các đơn vị dụng lao động.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH, BHYT; Tổ chức kiểm tra đột xuất các cơ sở khám chữa bệnh có gia tăng chi phí bất thường. Phối hợp với cơ quan chức năng đề nghị xử lý hình sự đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường quản lý giá thuốc, danh mục thuốc góp phần quản lý tốt quỹ KCB BHYT, đây là yếu tố quan trọng chiếm 40% đến 50% tổng chi phí KCB. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thông qua hình thức giao dịch điện tử, dịch vụ bưu chính và Cổng dịch vụ công quốc gia; rà soát đơn giản thủ tục gọn nhẹ; nâng cao ý thức trách nhiệm phục vụ của viên chức, người lao động; Tổ chức tiếp công dân và giải quyết kịp thời các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, cá nhân theo thời gian quy định pháp luật. Đồng thời, củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức tinh gọn  và hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới.

Hoàng Cảnh