Thời sự
Năm 2017: Ước thực hiện đào tạo sơ cấp đạt 1,6 triệu người
10:28 AM 31/10/2017
(LĐXH) - Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp năm 2016 cả nước có khoảng 1,7 triệu người được đào tạo sơ cấp theo Luật giáo dục nghề nghiệp, trong đó khoảng 1 triệu lao động nông thôn; 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có trên 900 ngàn người được đào tạo sơ cấp, đào tạo thường xuyên đạt 54,5% kế hoạch; ước thực hiện trong năm 2017 là 1,6 triệu người đạt kế hoạch được giao.
Về đào tạo nghề cho lao động nông thôn 8 tháng đã đào tạo khoảng 700 ngàn người, đạt 63,6% kế hoạch. Về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho đào tạo thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong 5 năm (2010-2014) đã hỗ trợ tổng kinh phí là 4.139 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Trung ương là 3.147,15 tỷ đồng, các địa phương bố trí gần 1.000 tỷ đồng.
Năm 2017 ước thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp đạt 1,6 triệu người
Qua quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, các cơ quan ở Trung ương có sự phối hợp chặt chẽ nên đã kịp thời trình Chính phủ ban hành và ban hành cơ chế chính sách tương đối kịp thời, đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, hướng dẫn các cơ sở đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên và đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố bố trí nguồn lực cho đào tạo nghề. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cũng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí, truyền thông trong công tác giám sát, tổ chức thực hiện. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động chuyển từ dạy theo năng lực sẵn có sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, dạy theo nhu cầu của người lao động.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề thường xuyên, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng gặp một số khó khăn trong đó có việc tổng hợp, thống kê kết quả đào tạo thường xuyên tại các doanh nghiệp. Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Các Vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên có số lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề và tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau học nghề thấp hơn các vùng khác, trong khi kinh phí hỗ trợ bình quân luôn bằng hoặc cao hơn các vùng khác trong cả nước. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn dàn trải chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu công việc thực tế. Định mức chi phí đào tạo cho từng nghề ở một số địa phương thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Đặc biệt hiện nay, cùng với chính sách hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg còn có các chính sách, chương trình, dự án, đề án khác sử dụng ngân sách nhà nước để dạy nghề cho lao động khu vực nông thôn do các Bộ, ngành quản lý, chỉ đạo nên có sự phân tán nguồn lực, trùng lặp đối tượng thụ hưởng và khó khăn trong theo dõi, thống kê, tổng hợp kết quả, hiệu quả dạy nghề. Người dân còn thiếu thông tin để tiếp cận đầy đủ, hiệu quả chính sách của nhà nước.Các địa phươnng bố trí nguồn lực cho dạy nghề còn chậm.
Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố cần phải chủ động chỉ đạo và giải quyết theo quy định các vấn đề liên quan đến việc xếp hạng đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện; chuẩn nhà giáo, tiêu chuẩn nhà giáo và nghiệp vụ sự phạm của nhà giáo ở dạy nghề dưới 3 tháng; Đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, quản lý văn bằng, chứng chỉ; quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp cấp huyện trong đó có các vấn đề như: bố trí cán bộ, định mức biên chế và kinh phí phân bổ; hoạt động của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện: cơ chế quản lý trung tâm, chế độ chính sách đối với giáo viên tham gia dạy cả văn hóa và đào tạo nghề; việc đánh giá cán bộ cuối năm. Việc xây dựng và giao chỉ tiêu, cấp kinh phi triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghề thông tin, trong đó mạnh dạn đưa các phần mềm ứng dụng quản lý trong hoạt động quản lý giáo dục nghề nghiệp như thống kê, điều hành, tuyển sinh và quản lý học sinh sinh viên, quản trị nhà trường và theo dõi học sinh sau tốt nghiệp.../.
PV
 
Từ khóa: GDNN; sơ cấp