Giáo dục - Nghề nghiệp
Mục tiêu của chiến lược phát triển GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động
03:59 PM 17/06/2022
(LĐXH) - Đây là thông tin được đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cho biết tại Hội nghị triển khai chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045 khu vực Đông Nam bộ do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN)- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã tổ chức ngày 17/6/2022 tại TP.HCM.

Ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN phát biểu tại hội nghi

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục GDNN cho rằng, hiện nay GDNN đang đứng trước cơ hội rất lớn trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số, tận dụng công nghệ số để thay đổi hệ thống GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo phù hợp yêu cầu phát triển xã hội. Tuy nhiên, không nhanh chóng tận dụng cơ hội này để thay đổi, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của một nước phát triển thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị, bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục GDNN) cho biết, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2030 đã đề ra định hướng và nhiệm vụ cho hệ thống GDNN, mở rộng quy mô để nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% trong tổng lực lượng lao động, trong đó có 30% có văn bằng, chứng chỉ vào năm 2025; các tỷ lệ tương ứng là 75% và 40% vào năm 2030, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực nước ta trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao về nhân lực có kỹ năng phục vụ công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới thì GDNn vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.

Toàn cảnh Hội nghị

Bà Nhàn cho biết Việt Nam hiện có 98 triệu dân, 55 triệu lao động nhưng chỉ 64,5% qua đào tạo, trong đó 24,5% có bằng cấp chứng chỉ; tuyển sinh trong GDNN chỉ đạt khoảng 2,2 triệu người/năm, còn quá thấp so với nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề đặc biệt là kỹ năng nghề cao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và so với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng hành vi và các kỹ năng mềm khác của lao động Việt Nam còn yếu. Năng lực của các cơ sở GDNN còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng còn thấp; quản lý nhà nước và quản trị nhà trường chưa đáp ứng yêu cầu quản trị nhà nước hiện đại. Giai đoạn tới, GDNN vừa phải đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm; vừa đào tạo phục vụ chuyển dịch cơ cấu lao động (đặc biệt là ở nông thôn), vừa đào tạo lại cho người lao động trong doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi, dưới tác động của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Về chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bà Nhàn cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tập trung vào 5 quan điểm sau:

 Phát triển GDNN là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực để tranh thủ thời cơ dân số vàng, hình thành nguồn nhân lực trực tiếp có chất lượng, hiệu quả và kỹ năng nghề cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bà Khương Thị Nhàn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục GDNN), chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập phát biểu tại hội nghị

Cụ thể: Phát triển GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập, chú trọng cả quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo; quan tâm đầu tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để phát triển một số cơ sở GDNN, ngành, nghề đào tạo đạt trình độ tương đương với khu vực và thế giới.

 Phát triển GDNN bám sát nhu cầu của thị trường lao động gắn kết với việc làm thỏa đáng, an sinh xã hội và phát triển bền vững, bao trùm; phát huy tối đa năng lực, phẩm chất của người học; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, nhà nước có chính sách từng bước phổ cập nghề cho thanh niên; ưu tiên phân bổ ngân sách cho GDNN trong ngân sách giáo dục - đào tạo và trong các chương trình, dự án của ngành, địa phương; tăng cường xã hội hóa GDNN ở những địa bàn, ngành, nghề phù hợp

Mục tiêu của chiến lược là: Phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn. Đến năm 2045, GDNN đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của một nước phát triển; trở thành quốc gia phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong khu vực ASEAN, bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành, nghề đào tạo.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH và cơ sở GDNN của các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ cũng chia sẻ kinh nghiệm, những cách làm, chính sách đang triển khai tại địa phương trong lĩnh vực GDNN; những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, phân luồng, tổ chức đào tạo; chính sách đối với các doanh nghiệp khi tham gia công tác đào tạo nghề và việc  tổ chức thực hiện các Tiểu dự án về GDNN trong các Chương trình phát triển GDNN giai đoạn 2021- 2030,….

Trương Đăng