Pháp luật
Một số kết quả công tác Tư pháp trong 6 tháng đầu năm
05:04 PM 20/07/2017
LĐXH) - Sáng ngày 20/7, tại trụ sở Bộ, Bộ Tư pháp đã tổ chức buổi họp báo thông tin về tình hình thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Tới dự có ông Đỗ Đức Hiển, người phát ngôn, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, đại diện một số đơn vị trong Bộ, cùng đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2017, trên cơ sở bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và từng địa phương, Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương, hệ thống THADS đã ban hành các chương trình, kế hoạch hành động và tổ chức triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả cụ thể.
Ông Đỗ Đức Hiển, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp thông tin một số kết quả của ngành Tư pháp trong 6 tháng đầu năm
Thực hiện nhiệm vụ được giao, toàn ngành Tư pháp đã nỗ lực, tập trung cao cho công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL. Bộ đã giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua 03 luật, 02 nghị quyết với tỷ lệ nhất trí cao; tích cực tham gia vào việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, điểm nhấn là "chùm" nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, bảo đảm chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Bên cạnh đó,  Bộ đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, báo cáo Chính phủ và đề xuất sửa đổi, bổ sung các VBQPPL liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh để bảo đảm tính thống nhất, khả thi. Công tác kiểm tra VBQPPL tiếp tục có nhiều điểm sáng, chú trọng khâu xử lý văn bản trái pháp luật.  Bộ Tư pháp, các tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp địa phương chủ động tham gia giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế; tích cực theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực về đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đăng ký khai sinh mới cho trên 940.000 trường hợp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 2.815 hồ sơ quốc tịch. Trên toàn quốc đã chứng thực trên 51,4 triệu bản sao; trên 3,5 triệu việc chứng thực khác; giải quyết trên 1.200 trường hợp nuôi con nuôi trong nước, trong đó trên 200 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; cấp trên 200.000 Phiếu LLTP; giải quyết trên 397.000 đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin. Các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã giải quyết xong 30/92 vụ việc, đạt tỉ lệ 32,6%. Kết quả THADS về việc và về tiền tiếp tục đạt cao. Về việc, giải quyết xong trên 314.000 việc, đạt tỉ lệ trên 59%; về tiền, giải quyết xong trên 21.400 tỷ đồng, đạt tỉ lệ trên 21%. Toàn Hệ thống THADS đã tập trung giải quyết các vụ việc thi hành án trọng điểm, các vụ việc thi hành án liên quan đến tín dụng ngân hàng, các vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp.
Toàn cảnh buổi họp báo
 Công tác chỉ đạo điều hành đã có những chuyển biến rõ nét, bảo đảm hiệu quả, thực chất. Bộ Tư pháp được đánh giá là một trong những Bộ, ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, 6 tháng đầu năm không có nhiệm vụ nào quá hạn chưa hoàn thành. Chỉ số cải cách hành chính của Bộ được cải thiện, tăng 3 bậc so với năm trước. Việc tổ chức các hội nghị, cuộc họp, đoàn công tác đi địa phương và chế độ báo cáo, thống kê đột xuất được điều chỉnh hợp lý hơn, tránh trùng lặp, gây phiền hà cho địa phương, bảo đảm tiết kiệm nguồn lực. Công tác thanh tra hành chính, kiểm tra các tổ chức hành nghề tư pháp được chú trọng, triển khai.
Thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013 - 2020, Bộ Tư pháp đã rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 58/NQ-CP. Nghị quyết đã thông qua phương án đơn giản hóa đối với 109 TTHC thuộc 15 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Cụ thể, đề xuất: (1) Bãi bỏ 02 thủ tục “Thông báo có quốc tịch nước ngoài” và thủ tục “Cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”; (2) sửa đổi, bổ sung theo hướng đơn giản hóa về thành phần hồ sơ và mẫu đơn, tờ khai đối với 107 TTHC trên cơ sở khai thác, sử dụng 15 trường thông tin cơ bản về công dân tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm giảm bớt giấy tờ, các thông tin công dân phải cung cấp cho cơ quan giải quyết TTHC khi thực hiện TTHC.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là định hướng triển khai công việc. Để thực thi phương án đơn giản hóa TTHC nêu trên, trước hết phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định của Luật hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 01/01/2020), đồng thời sửa đổi các quy định THHC trong các VBQPPL hiện hành. Do đó, Nghị quyết đã giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan có liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ TTHC, giấy tờ công dân quy định tại 03 luật, 06 nghị định, 03 thông tư liên tịch và 20 thông tư để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo lộ trình phù hợp với thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Kế hoạch để triển khai Nghị quyết này.
Đại diện một số đơn vị trong Bộ tham gia buổi họp báo để giải đáp những thắc mắc của phóng viên
Triển khai Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 619/QĐ-TTg đã quy định 5 tiêu chí chấm điểm xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gồm: (1) Bảo đảm thi hành Hiến pháp và pháp luật; (2) Thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; (3) Phổ biến, giáo dục pháp luật; (4) Hòa giải ở cơ sở và (5) Thực hiện dân chủ ở cơ sở). Trên cơ sở các tiêu chí nêu trên, hàng năm sẽ tổ chức rà soát, đánh giá, chấm điểm, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Việc đánh giá, chấm điểm được tiến hành thông qua quy trình rõ ràng, cụ thể, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch. Kết quả xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới và phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; đảng bộ, chính quyền cấp xã đạt tiêu chuẩn “trong sạch, vững mạnh” và cũng là tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm của chính quyền cấp xã.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, Bộ, ngành Tư pháp đã xác định 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp 06 tháng cuối năm 2017 là: Tiếp tục phối hợp các cơ quan chuẩn bị kỹ hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật lý lịch tư pháp và các Báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4; Tăng cường công tác theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, tích cực tham mưu cho Chính phủ, chính quyền các cấp về các vấn đề pháp lý phát sinh trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ việc tranh chấp quốc tế;  Nghiên cứu, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực luật sư, công chứng, giải quyết kịp thời các vướng mắc và đề xuất hướng hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực này; Tập trung các nguồn lực để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu THADS được giao năm 2017, giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng có giá trị lớn; Chuẩn bị tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật, với điểm nhấn là Diễn đàn pháp luật, tư pháp với doanh nghiệp; tổ chức tốt Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ 1; các hoạt động nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ tư pháp giữa Việt Nam – Lào và một số hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày truyền thống Ngành Tư pháp;  Tập trung kiện toàn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ và cơ quan tư pháp các cấp.
 Hồng Phượng