Giáo dục - Nghề nghiệp
Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở Quảng Ninh
04:44 PM 22/12/2017
(LĐXH)- Năm qua, Sở Lao động – TBXH Quảng Ninh đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách lao động, người có công và xã hội trên địa bàn, trong đó có lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo báo cáo từ Sở Lao động – TBXH, năm 2017, kết quả thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp mà Ngành được giao đều hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Sở Lao động – TBXH đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định bàn giao về công tác quản lý Nhà nước đối với các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp từ Sở Giáo dục và Đào tạo sang Sở Lao động – TBXH; đồng thời, trình UBND Quảng Ninh xem xét ban hành Quyết định về việc bổ sung các nghề vào danh mục nghề khuyến khích đào tạo của tỉnh; tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch triển khai các hoạt động gắn kết đào tạo nghề với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020. Bên cạnh đó, Sở còn phối hợp tổ chức hội nghị 3 nhà (nhà trường, Nhà nước và doanh nghiệp) để gắn công tác đào tạo với giải quyết việc làm. Đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 34.400 người (đạt 104,24% kế hoạch); trong đó, trình độ cao đẳng nghề 1.900 người (đạt 380% kế hoạch năm), trung cấp 3.500 người, sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 29.000 người (dạy nghề cho lao động nông thôn là 2.550 người), qua đó nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70,5%.  
Đào tạo nghề cho sinh viên trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm
Quyết định số 2558/QĐ ngày 12/8/2016 UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là một văn bản quan trọng làm cơ sở định hướng phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Lao động - TBXH). Theo đó, đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 23 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp và 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; đến năm 2030, có 23 cơ sở cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm 6 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 14 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 27 đơn vị, doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có 27 đơn vị, doanh nghiệp có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Với định hướng như vậy, đảm bảo mỗi địa phương cấp huyện có ít nhất một cơ sở giáo dục nghề nghiệp và về cơ bản số lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tăng, chủ yếu tăng năng lực, quy mô để nâng cao tỷ lệ đào tạo cao đẳng, trung cấp và đảm bảo chất lượng đào tạo, cung cấp đủ nhân lực cho thị trường lao động cuả tỉnh.
Để thực hiện tốt công tác giáo dục nghề nghiệp, trước mắt là năm 2018, Sở Lao động – TBXH sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm, đó là: Tổ chức thực hiện hiệu quả Luật Giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Định kỳ 3 tháng/lần tổ chức hội nghị đánh giá về cơ chế phối hợp giữa 3 nhà (cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp) về đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động; huy động các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng chương trình đào tạo, hỗ trợ thực tập, phản hồi về chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa dạy nghề với thị trường lao động (từ xã, huyện, tỉnh, vùng) để đảm bảo các hoạt động của hệ thống dạy nghề hướng vào việc đáp ứng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh, đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động và giải quyết việc làm. Chỉ tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn khi xác định được nơi làm việc và mức thu nhập với việc làm có được sau khi học nghề; bảo đảm các nghề nông nghiệp phải phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch sản xuất nông nghiệp; các nghề phi nông nghiệp phải xuất phát từ quy hoạch sản xuất công nghiệp, dịch vụ, quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhu cầu sử dụng lao động theo vị trí làm việc của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo định hướng đổi mới, cơ cấu lại hệ thống cơ sở đào tạo, đảm bảo hợp lý về quy mô ngành nghề và cấp trình độ đào tạo gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Đồng thời triển khai Dự án đổi mới và phát triển dạy nghề, Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển đào tạo nghề, đặc biệt là dạy nghề cho lao động nông thôn. Đề xuất các giải pháp để thu hút, tăng số lượng và chất lượng đào tạo nghề, nhất là trình độ trung cấp, cao đẳng đáp ứng nhu cầu lao động kỹ thuật chất lượng cao cho thị trường lao động trong tỉnh và khu vực, xuất khẩu lao động và yêu cầu của chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, xây dựng nông thôn mới.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn nhằm thay đổi nhận thức của xã hội  về học nghề, lập nghiệp, đáp ứng nhu cầu, yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh; hướng dẫn các địa phương thực hiện chính sách khuyến khích hỗ trợ học nghề; khảo sát nhu cầu học nghề để tư vấn, định hướng các ngành nghề học phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, của tỉnh...

Chí Tâm