Giáo dục - Nghề nghiệp
Môi trường xanh ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc
10:22 AM 24/03/2023
(LĐXH)- Đứng chân tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc là cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Trường được thành lập theo quyết định số 258/QĐ-BLĐTBXH ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Quyết định số 693/QĐ-LĐTBXH của Bộ lao động Thương binh và Xã hội ngày 18/5/2017 về việc đổi tên thành Trường Cao đẳng KTCN Việt Nam – Hàn Quốc.
Mục tiêu chung của trường là đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.
Hội diễn văn nghệ do nhà trường tổ chức
Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc là 1 trong 45 trường nghề chất lượng cao, được lựa chọn đầu tư 7 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế. Cùng sự hỗ trợ và hợp tác của Chính phủ Hàn Quốc, tỉnh Nghệ An, trường đã có bước phát triển về môi trường giảng dạy cũng như đội ngũ giáo viên trình độ cao.
Hiện nay, nhà trường đang phấn đấu trở thành một trong 70 trường Cao đẳng chất lượng cao theo quết định 1363/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đào tạo 14 ngành nghề (trong đó có 7 nghề đạt cấp độ quốc tế); là 21 trường Cao đẳng trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn tham gia Đề án phục hồi phát triển kinh tế xã hội sau đại dịch COVID-19.
Trong thời gian qua sự kết nối giữa doanh nghiệp với Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc có nhiều sự tiến trển đổi mới, từ công tác đào tạo. Nâng cao năng lực của giảng viên từ công tác tiếp cận công nghệ mới, phương thức quản lý, thực tập sinh, giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp. Để đáp ứng được những yêu cầu đặt ra công tác đổi mới đào nghề trong xu thế hiện nay, lãnh đạo nhà trường phải đi thực tế xuống doanh nghiệp thị sát và xây dựng kế hoạch cho phù hợp.
Các đơn vị mà đoàn công tác của nhà trường đã đến làm việc trong thời gian qua phải kể đến như: Công ty Honda Hà Nam; Công ty LG Display Hải Phòng; Công ty TNHH Việt Nam Toyo Denso – Hải Dương; Công ty TNHH Samsung Electro-Mechnics Việt Nam tại Thái nguyên; Tập đoàn khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) Bắc Ninh. Ngoài các nội dung hợp tác của nhà trường, đoàn còn giới thiệu các khu công nghiệp Nghệ An như  WHA, VSIP, Hoàng Mai. Nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào Nghệ An
Cùng với đó, thực hiện chủ trương, chính sách đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trong công tác hỗ trợ đào tạo nghề nhằm xóa đối giảm nghèo bền vững, những năm qua trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã phối kết hợp với huyện Tương Dương nhiều chương trình, trong đó trọng tâm là chương trình đào tạo nghề cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. 
Bắt đầu từ năm 2020 Nhà trường đã ký kết hợp tác toàn diện với Huyện Tương Dương về “ Hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho HS  Huyện Tương Dương” giai đoạn 2021 -2025. Hàng năm nhà trường hỗ trợ đào tạo cho học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số huyện Tương Dương từ 30 – 50 học sinh và cam kết giải quyết đầu ra cho các em sau khi tốt nghiệp ra trường.
Đào tạo gắn với bảo vệ môi trường
Đi đôi với nâng cao chất lượng đào tạo, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, gắn với “năng lượng xanh”.
Theo đó, trường đã phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn quốc và Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức thực hiện chương trình “Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam”, giới thiệu mô-đun “Bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả” vào đào tạo.
Phối cảnh với nhiều không gian xanh của nhà trường
Mô-đun cơ bản là chương trình 36 giờ học được xây dựng bởi các thầy cô trường Cao đẳng, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Đức. Mô-đun nhằm cung cấp cho học sinh sinh viên giáo dục nghề nghiệp những kỹ năng, “kiến thức xanh” cơ bản mà người lao động có thể áp dụng trong tất cả các ngành nghề và tiếp tục trau dồi trong quá trình làm việc cũng như trong sinh hoạt đời sống hàng ngày.
Cùng với đó, nhà trường xây dựng kiến trúc cảnh quan và giữ vệ sinh trong trường đảm bảo, hợp chuẩn; đẩy mạnh phong trào “Trường học thân thiện, học sinh – sinh viên tích cực”, quan tâm trồng và chăm sóc cây xanh; vệ sinh trong và ngoài lớp sạch sẽ; tổ chức những “ngày chủ nhật xanh”…
Trường cũng đã có phong trào kết nghĩa, đỡ đầu các di tích, các điểm du lịch để chăm sóc, bảo vệ các giá trị, hiện vật và môi trường cảnh quan. Gắn việc giáo dục bảo vệ môi trường với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong nhà trường. Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giao thông, Luật Phòng chống ma túy, Luật Thanh niên, Luật Di sản văn hóa, Luật Du lịch…, nhà trường luôn dành thời lượng và có hình thức thích hợp để triển khai phổ biến Luật Bảo vệ môi trường.
Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch sát với điều kiện cơ sở vật chất hiện có và nhận được sự chung tay ủng hộ của đông đảo học sinh, sinh viên trong việc chỉnh trang, tu sửa cảnh quan trường lớp như: tổ chức cải tạo khu vực hoang hóa, hành lang lối đi sân trường để trồng cây bóng mát, cây ăn quả, xây dựng thêm các bồn hoa, trồng nhiều cây xanh, cây cảnh, thảm cỏ... tạo dựng môi trường cảnh quan sư phạm gần gũi, thân thiện với môi trường.
Nhà trường còn xây dựng ghế đá dưới các tán cây bóng mát giúp học sinh có không gian thoải mái để đọc sách, thư giãn, trao đổi kinh nghiệm học tập, tạo cảm giác gần gũi và thân thiện, đồng thời giáo dục ý thức bảo vệ môi trường trong mỗi học sinh, sinh viên.
Đến nay, phong trào xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo môi trường học đường thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp của nhà trường./.
Nguyễn Thìn