Kinh tế
Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: Còn một số khâu cần tiếp tục được cải thiện
04:56 PM 02/11/2018
(LĐXH) Sáng 2/11/2018, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” nhằm tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết.
Trong 5 năm liên tiếp từ năm 2014 - 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19 (Nghị quyết 19) về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Viện trưởng CIEM, ông Nguyễn Đình Cung cho biết, việc ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP thường niên kể từ năm 2014 đến nay là một minh chứng rõ ràng thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Tại Hội nghị, nhiều báo cáo của các các bộ ngành về cải thiện môi trường kinh doanh đã được công bố.
Theo đánh giá của CIEM, trong giai đoạn 2014-2018, với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương và sự hợp tác chặt chẽ từ khu vực tư nhân trong việc thực hiện các Nghị quyết 19, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đại diện cho Bộ Kế hoạch Đầu tư, bà Trần Thị Hồng Minh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cho biết với chỉ số Khởi sự kinh doanh, một chỉ số liên quan từ khâu đầu tiên thành lập đến lúc doanh nghiệp chính thức được phép hoạt động theo đúng pháp luật và được Ngân hàng Thế giới (WB) “chấm điểm” để đánh giá và xếp hạng môi trường đầu tư kinh doanh của các nền kinh tế đã được cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2017, chỉ số này đạt khoảng 82 điểm/100 điểm thì năm nay đạt 84,82/100 điểm, tăng 2,6 điểm, đứng thứ 104, tăng 19 bậc so với năm ngoái. Đặc biệt 2 cải cách  trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh là cho phép công bố thông tin đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử và giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp được WB ghi nhận trong năm 2018.
 WB đánh giá trong khi các nước trong khu vực Đông Á và Thái Bình dương quy trình Khởi sự doanh nghiệp phải thực hiện bình quân trong khoảng 25,9 ngày thì Việt Nam thực hiện trong 17 ngày với 8 bước: thành lập doanh nghiệp và đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp, làm con dấu, gửi thông báo mẫu dấu cho cơ quan đăng ký kinh doanh, mở tài khoản ngân hàng, mua hoặc tự in hóa đơn VAT, nộp thuế môn bài, đăng ký lao động và đăng lý bảo hiểm xã hội.
Bà Minh cho biết, để chỉ số Khởi sự doanh nghiệp được ghi nhận – cải thiện môi trường kinh doanh Bộ Kế hoạch Đầu tư đã gộp thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thủ tục đăng công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp để giảm 1 bước và 5  ngày trong quá trình thành lập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ đã giảm lệ phí đăng ký doanh nghiệp từ ngày 20-1-2018 xuống 50% so với trước đây, tức là từ 200.000 đồng xuống 100.000 đồng. Nhưng nếu đăng ký qua mạng điện tử thì miễn phí hoàn toàn. Tiếp đó, thời gian làm con dấu doanh nghiệp cũng giảm tối đa thời gian, chỉ trong 1 ngày là hoàn thành. Cung cấp thông tin cho WB để làm rõ về thủ tục Thông báo mẫu con dấu. Cuối cùng là phối hợp với Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính giảm thời gian thủ tục hành chính tối đa về hóa đơn VAT….
Tuy nhiên, trước những chỉ số cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được, bà Minh cũng thừa nhận còn một số khâu cần cải thiện hơn nữa như thời gian xử lý  hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, thời gian hoàn thành thủ tục về mua/tự in hóa đơn.
Hội thảo “Môi trường kinh doanh ở Việt Nam: nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19” 
Cùng với Khởi sự kinh doanh thì các cải cách về thuế cũng được cải thiện khi tăng 14 bậc so với năm ngoái, xếp thứ 68/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng chỉ số nộp thuế (Paying Taxes) xếp thứ 86/190, tăng 81 bậc so với năm 2017 và đây là năm thứ 4 liên tiếp các cải cách về thuế được Báo cáo Môi trường kinh doanh ghi nhận. Theo bà Hoàng Thị Lan Anh, Tổng Cục Thuế, xếp hạng này so với các nước ASEAN 4 và ASEAN 6, Việt Nam đứng thứ 4 sau 3 nước là Singapore (xếp thứ 7), Thái Lan xếp thứ 67, Malaysia (xếp thứ 73).
Bà Lan Anh cho rằng chính những cải cách về giờ nộp thuế đã góp phần nâng chỉ số của ngành thuế trong môi trường kinh doanh. Năm 2017, doanh nghiệp mất 540 giờ/năm để nộp thuế thì năm nay chỉ mất 498 giờ, trong đó thuế mất 351 giờ, bảo hiểm xã hội mất 147 giờ. Hay cải cách thủ tục hành chính cắt giảm và đơn giản hóa các thủ tục đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, kiểm tra, khiếu nại, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế, tăng cường chấn chỉnh, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế… cũng đã góp phần vào sự cải thiện này.
Mặc dù đã cải thiện được các chỉ số như vậy, ông Nguyễn Đình Cư, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tư vấn Thuế cho rằng, ngành thuế vẫn phải cố gắng hơn nữa để nâng cao chỉ số môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách giảm số lần nộp thuế xuống 4 lần, chi phí thuế giảm 0,3%, đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, có kết nối với ứng dụng quản lý hóa đơn điện tử của cơ quan thuế…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, ngành tòa án cũng góp phần nâng cao môi trường kinh doanh thuận lợi hơn theo tiêu chí xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh và bảo vệ công lý. Năm năm qua, theo đại diện của Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, ngành tư pháp đã chủ trì soạn thảo trình Quốc hội thông qua 3 dự án Luật có liên quan đến hoạt động kinh doanh như Luật Phá sản năm 2014, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015, Luật Tố tụng Hành chính năm 2015. Đồng thời ban hành các Nghị quyết hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; Nâng cao chất lượng xét xử tội phạm về tham nhũng, kinh tế, giải quyết các vụ việc thương mại, phá sản…
Với 10 chỉ số về môi trường kinh doanh  gồm: Khởi sự doanh nghiệp, Cấp phép xây dựng, nộp thuế và BHXH, Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản… thì 8 chỉ số được cải thiện, trong đó có 2 chỉ số chưa được cải thiện là giao dịch thương mại qua biên giới và giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đánh giá: Nhìn chung các chỉ số môi trường kinh doanh được cải thiện, đây là một tín hiệu vui khi. Tuy nhiên, mức độ cải thiện này vẫn chưa đủ và chưa nhanh để theo kịp các nước. Các Bộ ngành phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt là trong một số lĩnh vực vẫn được coi là gây khó khăn cho doanh nghiệp nhất như Khởi sự kinh doanh, Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản…Khởi sự kinh doanh ở khâu đăng ký qua online vẫn chưa thật trơn tru, thuận lợi cho doanh nghiệp. Còn Đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản, chỉ đến năm 2018 ngành ngành Tài nguyên – Môi trường mới quan tâm đến cải thiện, 4 năm trước gần như không có động tĩnh gì. Khi họ bắt tay vào cải thiện trước hết về thủ tục, thời gian thì lập tức chỉ số cải thiện ngay.
Điểm trừ lớn nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp không có sự cải thiện, thậm chí đi xuống. Chỉ số này không chỉ liên quan đến Chính phủ mà còn liên quan đến các hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy những cải cách trong hoạt động tòa án cũng như chưa có cơ chế cho doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản có thể phục hồi hoặc nếu không phục hồi được thì thủ tục phá sản nhanh hơn. Bà Thảo cho rằng, những cơ chế, thủ tục phá sản như hiện nay khiến DN gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục phá sản. Để cải cách chỉ số này, Chính phủ cần phối hợp với ngành tòa án để thực hiện cải cách thủ tục tốt hơn.
Cũng theo TS Nguyễn Đình Cung:“Từ những gì đã và chưa làm được trong 5 năm qua về cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta sẽ rút kinh nghiệm, rút ra bài học để xây dựng một kế hoạch mới, cụ thể là một Nghị định mới ban hành trong năm 2019 cho việc cải thiện toàn vẹn môi trường kinh doanh, nâng cao vị thế, năng lực cạnh tranh cho đất nước”.
Môi trường kinh doanh có thể nói là vô cùng quan trọng trong thời kỳ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội từ đó nâng cao vị thế chính trị, uy tín của đất nước. Bởi vậy, với những cải thiện đã đạt được trong 5 năm qua, các Bộ ngành cần nỗ lực hơn nữa để môi trường kinh doanh ở Việt Nam thực sự là nơi thu hút đầu tư, là “mảnh đất màu mỡ” cho doanh nghiệp hoạt động với các chỉ số môi trường kinh doanh hấp dẫn./.
Thảo Lan