Xã hội
Mở rộng thí điểm chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện trong thời gian tới
01:57 PM 04/07/2018
(LĐXH)- Bộ LĐTB&XH tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đổi mới phương thức quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; mở rộng thí điểm chi trả qua cơ quan bưu điện trong thời gian tới.
Bộ LĐTB&XH đã tổ chức sơ kết thí điểm chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng qua bưu điện tại 06 địa phương. Thứ trưởng Lê Tấn Dũng dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các cơ quan của Bộ, đại diện ngành LĐTB&XH 06 địa phương (TP HCM, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Đắk Nông, Đồng Nai và Bắc Kạn) và đại diện ngành Bưu điện.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị
Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, qua đánh giá mức độ hài lòng của 05 Sở LĐTB&XH (Sở LĐTBXH TP Hồ Chí Minh chưa thực hiện khảo sát, theo báo cáo do mới triển khai thí điểm tại 07/24 quận, huyện từ tháng 11/2017) cho thấy, hầu hết các đối tượng được khảo sát đánh giá đây là phương án phù hợp, hài lòng với thái độ phục của nhân viên bưu điện.
Theo đánh giá, mô hình chi trả này tách việc chi trả chế độ với công quản lý đối tượng, sẽ góp phần giảm công việc cho cán bộ chi trả xã, phường có thời gian để tập trung cho công tác chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng kịp thời việc nghiên cứu, hướng dẫn chế độ chính sách, đẩy nhanh tiến độ xác lập hồ sơ đối tượng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo tốt hơn công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.
Tách bạch trong việc chi trả và tham mưu hồ sơ hưởng chế độ chính sách cho đối tượng, tránh được những tiêu tiêu cực có thể xảy ra, trong việc thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng. Đảm bảo an toàn các nguồn tiền chi trả do cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý, công tác an toàn tiền mặt tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt, chuyên nghiệp.
Mô hình này đảm bảo tính chuyên nghiệp, an toàn, hiệu quả, minh bạch, kịp thời đúng đối tượng; mạng lưới chi trả đến tận xã, phường thuận lợi cho người thụ hưởng; việc chi trả được ứng dụng công nghệ thông tin nên đảm bảo chính xác, nhanh chóng; các trường hợp không đi lại được cán bộ đến tận nhà để chi trả. Cùng với việc thực hiện chi trả trợ cấp đối tượng Bảo trợ xã hội và chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống Bưu điện tạo điều kiện thuận lợi cho người thụ hưởng hưởng cả 2 chế độ không phải đi lại nhiều lần.
Công tác phối hợp giữa cơ quan LĐTB&XH cùng với ngành Bưu điện được thực hiện thường xuyên từ thành phố đến quận, huyện; những vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình thực hiện chi trả, hai cơ quan đã tổ chức họp bàn biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời.
Bên cạnh đó, mô hình này vẫn còn những tồn tại như thời gian chi trả chậm, chưa vào đầu tháng; đối tượng còn phải trả cuối năm lớn (theo báo cáo của 06 địa phương thí điểm, số đối tượng còn phải trả cuối năm qua cơ quan Bưu điện 4.327 đối tượng, bằng 61,94% số đối tượng phải trả cuối năm 2015) ảnh hưởng công tác điều hành dự toán kinh phí thực hiện hàng năm tại địa phương.
Cơ quan bưu điện chỉ đơn thuần chi trả trợ cấp, chưa gắn với công tác quản lý đối tượng (báo tăng, giảm đối tượng, nắm bắt tâm tư, tình cảm đối tượng…) dẫn tới còn tồn tại báo giảm đối tượng chưa kịp thời. Số đối tượng thụ hưởng và số tiền chi trả rất lớn nhưng nhân viên bưu điện chưa biết rõ đối tượng, không nắm được hết các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, khi đối tượng có thắc mắc sẽ không trả lời được; việc chi trả chưa gắn được với việc tuyên truyền, giải thích khi có thay đổi, điều chỉnh chế độ và các quy định mới về chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chưa gắn được với công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công với cách mạng với thực hiện chính sách.
Đối với các trường hợp đối tượng ốm đau hoặc vì lý do nào đó không đến được nơi chi trả để nhận trợ cấp, nhân viên bưu điện rất khó tìm đến tận nhà để chi trả, phải có cán bộ phụ trách xã, phường phối hợp mới thực hiện được, do vậy tỷ lệ đối tượng chưa nhận trợ cấp cuối năm rất cao.
Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Quảng Nam Lê Sáu chia sẻ kinh nghiệm của địa phương
Trong thời gian tới, cơ quan bưu điện tiếp tục thực hiện, triển khai mô hình chi trả trợ cấp ưu đãi người có công tại 06 địa phương và mở rộng trách nhiệm chi trả tất cả các loại trợ cấp người có công với cách mạng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời có các giải pháp tổng quát, toàn diện khắc phục những tồn tại trong công tác chi trả trợ cấp ưu đãi người có công. Nghiên cứu, đề xuất mức phí chi trả trợ cấp tối đa không quá 50% phí chi trả trợ cấp tại xã, phường của của cấp xã chi trả qua cơ quan bưu điện.
Thực hiện chi trả trợ cấp đảm bảo trước ngày 05 hàng tháng và kéo dài thêm thời gian chi trả trả tại các điểm chi trả từ 03 đến 05 ngày thay vì từ 01 đến 04 ngày như hiện nay để đối tượng thu xếp công việc đến nhận trợ cấp. Các trường hợp vì lý do sức khỏe không đến nhận trợ cấp được thì cơ quan bưu điện đến tận nhà để chi trả trợ cấp.
Đối với Sở LĐTB&XH các địa phương thực hiện thí điểm, cần chủ trì phối hợp với bưu điện tỉnh làm tốt công tác phổ biến tuyên truyền chính sách người có công để đối tượng và nhân dân được biết, tăng cường công tác giám sát đảm bảo thực hiện tốt chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng nói chung và công tác chi trả trợ cấp nói riêng.
Phối hợp với bưu điện tỉnh tiếp tục khảo sát thông tin người có công đang hưởng trợ cấp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo việc thực hiện chi trả gắn với thực hiện chính sách ưu đãi  người có công với cách mạng, chi trả trợ cấp đúng đối tượng, đủ chế độ, kịp thời và đến tận tay đối tượng được hưởng, theo nguyên tắc tuân thủ pháp luật và thái độ phục vụ tốt nhất.
Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của Phòng LĐTB&XH, Ủy ban nhân dân (cán bộ LĐTB&XH) cấp xã trong công tác người có công, thực hiện tốt chính sách chế độ đối với người có công nói chung và chi trả trợ cấp ưu đãi người có công qua hệ thống bưu điện nói riêng; làm tốt công tác quản lý dự toán, giám sát quy trình thực hiện chi trả, thủ tục thanh quyết toán đúng theo quy định.
Bộ LĐTB&XH tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để đổi mới phương thức quản lý chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng; mở rộng thí điểm chi trả qua cơ quan bưu điện trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, việc chi trả trợ cấp NCC qua bưu điện là sự khẳng định mục tiêu Chính phủ phục vụ ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính nâng cao chức năng nhiệm vụ của cán bộ công chức, viên chức. Đồng thời giảm nhiệm vụ cho công chức, cán bộ ngành để họ có nhều thời gian cho nhiệm vụ đóng góp xây dựng chính sách, thể chế.

Bên cạnh đó với hình thức mới này cũng đã đảm bảo an toàn tiền chi trả đối tượng vì bưu điện rất có kinh nghiệm về dịch vụ chi trả. Điều này cũng giúp cán bộ ngành LĐ-TB&XH tránh những sai sót trong triển khai, phòng ngừa trục lợi chính sách.

“Từ thực tế triển khai cho thấy nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa 3 bên, chúng ta không chỉ thực hiện chi trả kịp thời, đúng đối tượng mà còn làm tốt công tác tri ân NCC. Trên tinh thần phục vụ nếu có sai phải chấn chỉnh ngay. Các địa phương cần nghiên cứu, đánh giá kỹ mô hình chi trả này sau đó nhân rộng trên tình thần xung phong của các địa phương nhưng phải thận trọng tránh sai sót. Khảo sát cho thấy tỷ lệ hài lòng với cách chi trả qua bưu điện rất cao, nhưng vẫn còn một tỷ lệ nhỏ chưa hài lòng. Tuy là tỷ lệ nhỏ nhưng chúng ta phải hết sức chú ý đến để làm ngày càng tốt hơn” – Thứ trưởng nhấn mạnh./.

Dương Thìn