Giáo dục - Nghề nghiệp
Mô hình tổ chức phát triển kỹ năng ngành: Kinh nghiệm quốc tế và hướng đi của Việt Nam
07:46 AM 30/09/2021
Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trở thành mục tiêu bao trùm, chính sách xuyên suốt trong mọi lĩnh vực, hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Để đạt được mục tiêu của chính sách phát triển kỹ năng nghề, các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng cần phải đổi mới công tác quản trị hệ thống. Quản trị hệ thống phát triển kỹ năng nghề thực thi sứ mệnh tham vấn, nắm bắt xu hướng phát triển kỹ năng, xác định nhu cầu đào tạo trong các ngành công nghiệp, khu vực sản xuất.
Ảnh minh họa
Ở cấp độ quản trị quốc gia cho thấy thể chế, pháp luật tương đối đầy đủ, hoàn thiện, các Bộ, cơ quan, tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành …ở trung ương theo chức năng, nhiệm vụ đã tích cực thể hiện vai trò quản trị trong lĩnh vực kỹ năng nghề. Tuy nhiên, trong các khu vực ngành công nghiệp thì các bên liên quan tham gia hoạt động quản trị lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề còn ít, thiếu chủ động. Cho nên, cần phải có cơ chế, giải pháp hữu hiệu áp dụng trong khu vực ngành công nghiệp để thu hút, huy động sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt đại diện cộng đồng doanh nghiệp, người lao động.
Trong bài viết này, tác giả bàn về kinh nghiệm quốc tế đối với mô hình tổ chức phát triển kỹ năng ngành (sau đây gọi tắt là tổ chức ngành) trong vai trò thực thi sứ mệnh quản trị lĩnh vực kỹ năng nghề và hướng đi của Việt Nam.     
1. Sự hình thành tổ chức phát triển kỹ năng ngành
Có thể nhận định rằng sự hình thành tổ chức ngành ở các quốc gia mang tính tất yếu khách quan, xuất hiện từ đòi hỏi bức thiết về nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, xu hướng phát triển kỹ năng trong nội bộ khu vực các ngành công nghiệp. Qua tìm hiểu mô hình tổ chức ngành ở một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến như: Pháp, Úc, Canada, Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ,…cho thấy mô hình này xuất hiện sớm, đảm nhiệm sứ mệnh nắm bắt nhu cầu đào tạo, xu hướng kỹ năng thiết yếu trong khu vực ngành công nghiệp, nhưng không đồng nhất về tên gọi (cơ quan, hội đồng, ủy ban, hiệp hội, quỹ…) hay một số vấn đề về cơ chế tổ chức, hoạt động do vấn đề khác nhau về thể chế chính trị ở mỗi nước. Trong bài viết này tác giả sử dụng tên gọi chung là tổ chức phát triển kỹ năng ngành.
Tổ chức ngành có vai trò, vị trí quan trọng trong cấu trúc quản trị đa cấp độ (quốc gia, ngành, địa phương và cơ sở đào tạo). Thực hiện sứ mệnh phát triển kỹ năng và xác định nhu cầu đào tạo trong các khu vực ngành sản xuất. Có nhiều phương thức quản trị khác nhau trong lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề, và mô hình tổ chức ngành là một trong những công cụ được xem là phù hợp, khả thi.
2. Mô hình tổ chức phát triển kỹ năng ngành
Theo Tổ chức lao động quốc tế việc vận dụng mô hình tổ chức kỹ năng ngành đang trở thành xu hướng tất yếu toàn cầu, không chỉ giữ vị trí quan trọng trong cấu trúc quản trị đa cấp độ mà còn rất cần thiết ở cấp độ khu vực ngành công nghiệp. Có thể khẳng định các khu vực ngành công nghiệp đóng vai trò quan trọng, quyết định trong hoạt động đào tạo nghề và việc làm, bởi vì đây là môi trường thực hành tay nghề, đưa đến sự nảy sinh, hình thành kỹ năng mới, đồng thời tạo việc làm cho con người. Tổ chức ngành được hình thành trong các khu vực ngành công nghiệp cho nên vai trò, vị trí cũng quan trọng, cần thiết đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia.
Ở mỗi quốc gia thì tổ chức ngành được thiết lập, hoạt động theo các cách thức sau: (i) Nhóm doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề họ thành lập tổ chức ngành có tư cách pháp nhân (công ty) để thuận tiện hợp tác với doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong vấn đề kỹ năng; (ii) Nhóm họp với sự tham gia của các bên liên quan để bàn bạc về vấn đề kỹ năng. Tương ứng với cơ chế thiết lập là mô hình tổ chức và hoạt động (địa vị pháp lý) của tổ chức ngành: (i) Là công ty/pháp nhân được thành lập và hoạt động theo pháp luật doanh nghiệp, tổ chức hoạt động phi lợi nhuận và có đội ngũ và ban lãnh đạo (Điển hình là Hội đồng kỹ năng ngành của Úc); (ii) Các ủy ban, hội đồng, bộ phận… trong một hiệp hội ngành hoặc tổ chức của người sử dụng lao động, gồm đại diện của các ngành công nghiệp và doanh nghiệp. Các chủ thể chính trong thành phần tổ chức ngành bao gồm: đại diện cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành và đại diện người lao động, các cơ sở đào tạo.
Tổ chức ngành thực thi sứ mệnh quản trị hệ thống phát triển kỹ năng nghề theo các cơ chế luật định, bao gồm: đối thoại và tham vấn giữa các bên (chính phủ, đại diện người sử dụng lao động, đại diện người lao động, cơ sở đào tạo); Đối thoại và việc ra quyết định trong các cơ quan ba bên và đa bên (hội đồng, ủy ban,…); hoặc triển khai các thoả ước lao động tập thể, các quỹ đào tạo và việc làm cấp quốc gia, cùng các sáng kiến ​​chung khác.
Ngoài ra, còn phải đề cập tới nội dung về nguồn lực hoạt động của tổ chức ngành. Kinh nghiệm của các nước cho thấy nguồn lực hoạt động của tổ chức ngành được hình thành như sau: Ngân sách nhà nước hỗ trợ; Nguồn thu từ cung cấp gói dịch vụ và nguồn thu từ tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề và truyền thông về vấn đề kỹ năng.
Từ những kinh nghiệm điển hình của một số nước đã triển khai thành công mô hình tổ chức ngành, tác giả tổng hợp, rút ra một số đặc trưng cơ bản của mô hình này như sau:  
-  Tổ chức ngành có vị trí, vai trò quan trọng trong cấu trúc quản trị đa cấp độ quốc gia – ngành (khu vực) – địa phương và cơ sở đào tạo nghề nghiệp, tham gia quá trình thực thi sứ mệnh quản trị hệ thống phát triển kỹ năng nghề, góp phần hình thành hệ thống xã hội học tập, thúc đẩy người dân học tập suốt đời.
-  Tham vấn về chính sách đào tạo nghề, xu hướng kỹ năng thiết yếu cho các cơ quan chính phủ, cơ sở đào tạo nghề và người sử dụng lao động thông qua hoạt động thu thập, lắng nghe và nắm bắt thường xuyên nhu cầu đào tạo, xu hướng kỹ năng trong từng ngành công nghiệp.
-  Thực hiện vai trò trung gian (môi giới, tư vấn, tương tác), liên kết giữa các bên liên quan (nhà nước, cơ sở đào tạo, đại diện người sử dụng lao động và tổ chức người lao động) trong hoạt động thực thi chính sách, chiến lược, quy hoạch…về lĩnh vực đào tạo nghề, phát triển kỹ năng thiết yếu trong khu vực các ngành công nghiệp.  
-  Tiến hành hoạt động nắm bắt nhu cầu đào tạo, xu hướng kỹ năng thiết yếu của các bên liên quan trong các ngành công nghiệp thuộc phạm vi, địa bàn hoạt động, đây được xem là hoạt động cốt lõi của mô hình tổ chức ngành trong việc tham gia thực hiện sứ mệnh quản trị phát triển kỹ năng nghề cho người lao động.
-  Điều phối, thúc đẩy các hoạt động phát triển kỹ năng nghề và tổ chức cung cấp các dịch vụ đào tạo (tiêu chuẩn, chương trình, kiểm định chất lượng…) cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo.    
Điều đáng quan tâm của mô hình tổ chức ngành ở các nước đó là sự tuân thủ pháp luật, các tổ chức ngành chịu trách nhiệm trước chính phủ, pháp luật về mọi hoạt động của mình. Tổ chức ngành hoạt động chuyên môn trong sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên (luật hóa), thực hiện trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền, các bên liên quan (doanh nghiệp, người lao động và cộng đồng xã hội).
3. Vấn đề quản trị hệ thống phát triển kỹ năng nghề trong các khu vực ngành công nghiệp, hướng đi của Việt Nam  
Ở Việt Nam, việc nghiên cứu, vận dụng mô hình tổ chức ngành hay hội đồng kỹ năng ngành trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn là vấn đề mới, đang tiến hành thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch đối với hoạt động đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.
Câu hỏi đặt ra chúng ta đã có thiết chế nào được xem là tương đồng với mô hình tổ chức ngành nước ngoài? Tác giả cho rằng mạng lưới hiệp hội ngành hiện hành đang hoạt động ở các địa phương có tương đồng với mô hình tổ chức ngành ở nước ngoài về cơ sở, nguồn gốc hình thành nhưng nét khác biệt lớn giữa ta và quốc tế là vấn đề cơ chế, mức độ tham gia thực thi sứ mệnh quản trị hệ thống phát triển kỹ năng nghề.
Ở cấp độ quản trị quốc gia, Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng Quốc gia về Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực, có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, bao gồm cả các tổ chức đoàn thể, hiệp hội ngành ở trung ương, trong đó Bộ LĐTB&XH (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) là thành viên quan trọng, đảm trách thẩm quyền, chịu trách nhiệm về lĩnh vực kỹ năng nghề, nguồn nhân lực. Có thể đánh giá thể chế, pháp luật trong vấn đề phát triển kỹ năng nghề ở cấp độ quản trị quốc gia tương đối đầy đủ, toàn diện, sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, hiệp hội ở trung ương rất tích cực, chủ động.
Tuy nhiên, ở cấp độ quản trị khu vực ngành công nghiệp, địa phương cho thấy vai trò của hiệp hội ngành trong các hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề rất mờ nhạt. Chúng ta đã biết hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn đều có hiệp hội ngành hoạt động ở địa phương, với vai trò là tổ chức đại diện cho các ngành công nghiệp, được nhà nước công nhận điều lệ. Nhưng bằng những minh chứng thu thập được thông qua việc tìm hiểu về điều lệ của các hiệp hội ngành, tác giả nhận thấy đa số hiệp hội ngành không đề cập vấn đề đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong điều lệ hoặc có ghi nhận nhưng rất chung, không cụ thể.
Cũng về vấn đề này, Tổ chức lao động quốc tế đưa ra nhận định tương đồng đó là: “Các ngành tại Việt Nam vẫn còn chưa có sự chuẩn bị để xây dựng các chính sách và chiến lược ngành về đào tạo kỹ năng nghề. Cho đến nay, không có một cơ quan nào trong toàn ngành hoặc cơ quan riêng lẻ của chủ lao động và người lao động có chức năng phát triển kỹ năng nghề đã được thành lập. Một trong số những lý do được đưa ra là những cơ quan chuyên về phát triển kỹ năng nghề chưa được nhắc đến trong bất kỳ một chính sách hay quy định nào”.
Để giải quyết những vấn đề tồn tại đã nêu ở trên thì Bộ LĐTB&XH đã phê duyệt đề án thí điểm tổ chức ngành hay hội đồng kỹ năng ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch. Có thể nói đây là một trong các quyết sách đột phá, nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thu hút sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp vào các hoạt động phát triển kỹ năng nghề. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để các vấn đề tồn tại của thực tiễn, đạt được mục tiêu phát triển hệ thống kỹ năng nghề, tác giả cho rằng các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách cần quan tâm những vấn đề sau:
- Có cần phải ban hành đạo luật riêng về phát triển kỹ năng nghề, mà mục tiêu của luật mang tính bao trùm, xuyên suốt trong các lĩnh vực, hoạt động của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề và việc làm. Việc thiết lập đạo luật phát triển kỹ năng nghề sẽ tạo thuận lợi cho việc vận dụng mô hình tổ chức ngành trong thực tiễn.
- Đẩy mạnh cơ chế tham vấn, đối thoại của các bên liên quan trong cấu trúc quản trị đa cấp độ về xây dựng và thực thi luật, đề án, chiến lược, kế hoạch…của lĩnh vực phát triển kỹ năng nghề, đảm bảo sự đồng thuận xã hội và tính khả thi trong thực tiễn.
- Cần phải nghiên cứu, thiết lập các cơ chế nhằm thu hút, huy động sự tham gia của các hiệp hội ngành hiện hành ở địa phương vào hoạt động phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động trong điều kiện chưa có các tổ chức ngành độc lập về đào tạo và kỹ năng nghề.
- Đối với hoạt động công nhận hiệp hội ngành cần phải bổ sung điều kiện bắt buộc để điều lệ của tổ chức này được nhà nước công nhận là phải thực thi sứ mệnh đào tạo, phát triển kỹ năng nghề cho người lao động trong nội bộ ngành.
- Đối với hoạt động thí điểm tổ chức ngành hay hội đồng kỹ năng ngành cân nhắc mở rộng phạm vi thí điểm ở nhiều nghề và ngành mũi nhọn của nền kinh tế, hơn nữa tổ chức thí điểm mô hình tổ chức ngành ở phạm vi khu vực (vùng, miền) nhằm đúc kết có cơ sở một cách đầy đủ, toàn diện và mang tính hệ thống.
- Quỹ phát triển kỹ năng là vấn đề cần phải được quan tâm, đẩy nhanh việc thiết lập cơ chế hình thành, nhân rộng các quỹ trong nội bộ các ngành công nghiệp mũi nhọn để tạo nguồn lực điều phối các hoạt động đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề cho người lao động ở các cấp độ quản trị khác nhau.  
4. Kết luận
Phát triển kỹ năng nghề cho người lao động là mục tiêu, chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thực hiện vai trò cầu nối giữa thế giới đào tạo và thế giới việc làm. Quản trị lĩnh vực kỹ năng nghề thực hiện sứ mệnh nắm bắt xu hướng kỹ năng thiết yếu, xác định nhu cầu đào tạo của từng ngành, khu vực công nghiệp nhằm góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động. Với những kinh nghiệm quốc tế đã nêu ra cho thấy việc tiếp cận mô hình tổ chức phát triển kỹ năng ngành là cách thức phù hợp, hiệu quả cho công tác quản trị lĩnh vực kỹ năng nghề.
Tổ chức phát triển kỹ năng ngành có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong cấu trúc quản trị đa cấp độ, đặc biệt ở cấp độ khu vực ngành công nghiệp và địa phương. Việc vận dụng mô hình tổ chức phát triển kỹ năng nghề ở Việt Nam trong vai trò tham gia thực thi sứ mệnh quản trị hệ thống kỹ năng nghề sẽ đóng góp hiệu quả vào việc duy trì, đảm bảo chất lượng đào tạo nghề nghiệp, cung cấp lực lượng lao động tay nghề cao cho nền kinh tế, gia tăng năng suất lao động và việc làm./.
Nguyễn Thừa Thế Đức