Lao động
Mô hình hay giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương
03:19 PM 30/11/2018
(LĐXH) - Những năm gần đây, hợp tác xã (HTX) Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam, xóm Tiền Phong, xã Thanh Ninh (huyện Phú Bình - tỉnh Thái Nguyên) đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 130 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình đạt 4-5 triệu đồng/người/tháng.
HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam hiện tạo việc làm cho khoảng 130 lao động.
Ông Đỗ Quang Hưng, Phó Giám đốc HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam, cho biết: Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, chúng tôi nhận thấy sản phẩm may mặc là mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng và có khả năng thu hút được nhiều lao động địa phương. Do vậy, năm 2011, chúng tôi quyết định mở xưởng may trên tổng diện tích 300m2. Sau 7 năm đi vào hoạt động, nhu cầu sản xuất ngày càng mở rộng do vậy đòi hỏi việc sản xuất cần nâng cao, chuyên nghiệp hơn, chúng tôi đã kêu gọi thêm 24 thành viên cùng nhau thành lập nên HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam vào tháng 5-2018. Vốn điều lệ của HTX là 4 tỷ đồng.
Những ngày đầu hoạt động, cơ sở may Út Hồng (nay là HTX) gặp không ít khó khăn, đặc biệt là kỹ thuật may do người lao động chủ yếu là người dân làm nông nghiệp trong xã hoặc vừa mới tốt nghiệp THPT. Xác định chất lượng sản phẩm chính là điều kiện cốt yếu để phát triển, đơn vị đã chủ động mời một số thợ may kỹ thuật cao đã có kinh nghiệm làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp về làm việc tại cơ sở. Cứ như vậy, người biết nhiều dạy cho người biết ít, người biết ít dạy cho người mới học nghề. Dần dần, cơ sở đã tạo dựng cho mình một tập thể người lao động có tay nghề và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc. Dẫn chúng tôi đi tham quan thực tế khu vực xưởng sản xuất, ông Đỗ Quang Hưng cho biết thêm: Bí quyết của chúng tôi để tạo ra những sản phẩm có chất lượng đó chính là trước khi đơn vị nhận mẫu về may đại trà, Ban quản trị HTX cùng các thợ chính đều cùng nhau ngồi lại, bàn bạc, thảo luận và phân tích mẫu để có phương án sản xuất tốt nhất, tiết kiệm thời gian và nhân lực. Từ những mẫu đơn giản ban đầu, dần dần qua quá trình học hỏi, cập nhật kỹ thuật, đến nay, các mẫu mới, đòi hỏi kỹ thuật cao cũng không làm khó được HTX.
Ngành sản xuất chính của HTX là may xuất khẩu và hàng gia công. Ngoài hơn 30 lao động làm việc tại xưởng may, HTX còn có rất nhiều cơ sở vệ tinh là các hộ dân trong xã với trên 100 lao động, thực hiện may các sản phẩm theo yêu cầu của HTX tại gia đình. Điều đặc biệt đó là người lao động tại HTX có rất nhiều thành phần lứa tuổi, từ học sinh phổ thông cho tới lao động trên 35 tuổi trở về từ các khu công nghiệp. Tại đây, họ được học nghề và có việc làm ổn định. Em Ngô Thị Thủy, sinh năm 2000, xóm Lân, xã Thanh Ninh, chia sẻ: Em đã làm việc tại HTX từ khi còn là học sinh Trường THPT Lương Phú vào những dịp nghỉ hè để có thêm thu nhập cho gia đình. Ở đây, chúng em được miễn phí học nghề và không phải mua nguyên phụ liệu. Sau 6-7 tháng học nghề, em đã có thể thích ứng với công việc. Thay vì thi vào đại học, hiện em đã trở thành công nhân lao động chính thức của HTX bởi em nhận thấy mình yêu thích và phù hợp với công việc này.
Cùng với em Ngô Thị Thủy, trung bình mỗi năm, HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam nhận đào tạo nghề miễn phí cho khoảng 20-30 học viên. Phần lớn những học viên này sau này đều là lao động chính thức của HTX. Việc đào tạo thực tế và sử dụng công nhân may có tay nghề nên các sản phẩm sản xuất ra được đảm bảo chất lượng, được khách hàng tin tưởng, từ đó lượng đơn hàng ngày càng tăng lên. Tại xưởng sản xuất, công nhân được chia thành các tổ đội sản xuất dưới sự điều hành của các tổ trưởng, từng công đoạn sản xuất ra một sản phẩm đã nhanh chóng được hoàn thiện. Thông qua việc giám sát của Ban Quản trị HTX, mỗi sản phẩm đều phải đạt yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, đảm bảo tính thẩm mỹ, hạn chế tối đa những sai sót. Để nâng cao tay nghề cho người lao động, HTX đã làm việc với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện và một số trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh với mục tiêu hướng tới đào tạo bài bản, đồng bộ cho người lao động tại HTX.
Bên cạnh việc chú trọng phát triển thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn quan tâm đến việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động thông qua việc tuân thủ các chế độ, quy định của Nhà nước về nghỉ thai sản, thưởng lễ, Tết, làm thêm giờ, khám sức khỏe định kỳ... Với 2 dây chuyền may cùng 80 đầu máy móc, trung bình mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 13.000-14.000 sản phẩm. Ngoài may mặc, chăn nuôi, ấp nở con giống cũng là một lĩnh vực quan trọng của HTX. Tổng diện tích chăn nuôi của HTX đạt gần 3ha, trong đó, HTX hiện có trên 2.000 lợn thịt, 180 lợn nái và khoảng 20 lợn đực; gà đẻ trứng đạt gần 12.000 con. Trung bình mỗi ngày, HTX ấp nở được khoảng 1 vạn gà con. Được biết, khu vực chăn nuôi của HTX hiện có 8 lao động thường xuyên.
Đánh giá về hoạt động của HTX, ông Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Bình, cho biết: HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam là một trong số hơn 40 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện. Việc liên kết, phát triển nghề may công nghiệp tại nông thôn giúp người lao động không phải làm việc ở các khu, cụm công nghiệp xa nhà. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại nông thôn, giúp người dân có được thu nhập ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. Chúng tôi đánh giá cao hoạt động cũng như hiệu quả mà mô hình kinh tế tập thể này đang mang lại và mong rằng sẽ phát triển thêm nhiều HTX có sức lan tỏa trong cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.
Thu Huyền