Xã hội
Mái nhà ấm của những thân phận kém may mắn
06:45 PM 11/12/2020
Không phải là chốn thiên đường, hay chốn bồng lai tiên cảnh nhưng Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội, rộng hơn 6 héc ta nằm lọt thỏm giữa những cánh đồng ở ngoại thành Hà Nội là nơi che chở cho gần 200 con người đủ độ tuổi, già, trẻ gái trai. Tất cả họ đều là những mảnh đời cô đơn không nơi nương tựa.
Mái nhà lớn của hàng trăm thân phận cô đơn
Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3 Hà Nội nằm ở tổ dân phố số 6 phường Miêu Nha (Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là mái nhà lớn, nơi đang nuôi dưỡng 90 cụ già và 65 trẻ em ở nhiều độ tuổi.
Bác sĩ Trần Thị Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ số 3 thăm khám sức khỏe cho bà Nguyễn Thị Thoa
Dạo một vòng quanh trung tâm, phóng viên được trò chuyện với nhiều người có hoàn cảnh rất cảm động. Bà Nguyễn Thị Thoa, 83 tuổi (Cổ Nhuế, Hà Nội) là một trong số những cụ ông, cụ bà đang được chăm sóc tại đây. Cụ Thoa từng có gia đình, có chồng con nhưng cuộc sống sóng gió đã đẩy bà thành một người cô đơn không nơi nương tựa.
"Tôi qua 2 lần đò rồi đấy. Lần đầu thì chia tay, lần 2 ngỡ như hạnh phúc đã mỉm cười thế rồi lại chỉ thấy có nước mắt. Năm 1976 tôi lập gia đình với một người đàn ông từ Nam ra Hà Nội tập kết. Cuối năm tôi sinh được 1 cậu con trai. Nó đẹp trai và học giỏi lắm, giống ông ấy y đúc. Tôi cứ bảo nó có người yêu thì cưới đi nó không chịu. Thế rồi lúc nó học ĐH Ngoại ngữ năm nhất thì bị tai nạn và mất. Số nó khổ không được làm người. Nó mất được 5 tháng thì ông nhà tôi cũng bỏ tôi mà đi. Giờ thì tôi sống một mình, chẳng còn người thân" - bà Thảo nghẹn ngào, gạt nước mắt.
Trong câu chuyện kể vội, phút phút bà Thảo lại nấc nghẹn. Cơ thể gầy gò vì vừa trải qua trận ốm, nhưng nhắc lại chuyện cũ vẫn xúc động, nước mắt tuôn rơi. Gặp bác sĩ Trần Thị Hải - Giám đốc trung tâm Bảo trợ xã hội số III, bà Thảo nắm chặt tay người bác sĩ trẻ nhắn nhủ: "Giờ chăm sự nhờ các con, các cháu, bà giờ chẳng còn ai, có chết cũng chết ở đây".
Bác sĩ Hải cho biết, cách đây 3 năm bà Thảo vào trung tâm khi sức khỏe suy yếu, tinh thần hoảng loạn. Thế nhưng sau một thời gian được chăm sóc tích cực sức khỏe đã ổn định, tinh thần cũng tốt hơn trước rất nhiều.
Ngoài được chăm sóc ăn uống, sức khỏe, các đối tượng sống tại trung tâm còn được chăm sóc về tinh thần. Được tham gia các lớp tập thể dục, dưỡng sinh, được chơi cờ. Các con thì được đi học văn hóa, học nghề, tập múa hát...
Chính bởi những hoạt động chăm sóc tận tình, chu đáo của cán bộ, nhân viên nơi đây mà rất nhiều những người như cụ Thoa đã xem trung tâm như ngôi nhà thứ 2 của mình. Thậm chí có cụ còn tìm thấy được tình yêu nơi cuối đời và tự nguyện gắn bó cùng nhau ở lại trung tâm.
Tình thương đã kết nối trái tim với trái tim
Bác sĩ Trần Thị Hải - Giám đốc trung tâm cũng là người đã có 20 năm gắn bó với nơi đây. Bác sĩ Hải cho biết, trung tâm vẫn còn nhiều khó khăn, thế nhưng cán bộ, công nhân viên lao động của trung tâm luôn cố gắng hết sức để phát triển trung tâm.
Theo bác sĩ Hải, cái khó nhất chính là do đặc thù công việc của cán bộ làm việc trực tiếp tại trung tâm. Công việc khá áp lực, phải làm việc và trực 24 tiếng liên tục. Thêm vào đó, các chế độ chính sách cũng còn nhiều hạn chế. Lương cơ bản còn thấp, chế độ phụ cấp cho lao động thấp.
"Nhiều nhân viên mới vào làm không chịu nổi áp lực, có người còn chạy lên phòng tôi khóc nức nở, nói không thể chịu được. Những lúc như vậy, tôi lại phải dành cả giờ đồng hồ ngồi chia sẻ, khuyên nhủ. Mặc dù đã nỗ lực níu chân họ nhưng cũng có không ít người đã từ bỏ công việc, chuyển việc, bỏ việc" - bác sĩ Hải tâm nhớ lại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết vẫn gắn bó với công việc dù có nhiều vất vả
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết - người làm công tác chăm sóc y tế tại trung tâm cho biết, công việc áp lực. Lúc mới vào làm không ít lần đã phải ngậm ngùi, rớt nước mắt vì bị các cụ mắng, chửi mà không có lý do.
"Sau rất nhiều những lần cảm xúc dâng trào như vậy, mình dần học cách chấp nhận. Khi đã chấp nhận rồi thì lại thấy yêu công việc, thấy gắn bó với công việc và không muốn bỏ việc dù ngoài kia cũng có rất nhiều cơ hội việc làm tốt, có thu nhập cao môi trường làm việc tốt hơn" - bác sĩ Tuyết Tâm sự.
Hơn 10 năm gắn bó với Trung tâm Bảo trợ xã hội số 3, có quá nhiều câu chuyện khiến bác sĩ Tuyết phải day dứt. Thế nhưng có một câu chuyện mà cô không bao giờ quên được.
Cô kể lại: "Trước đây ở trung tâm có một cụ bà là người cô đơn không nơi nương tựa. Cụ có một người cháu nuôi là con gái nhưng đi làm xa rất lâu mới về thăm bà. Bà rất quý cô ấy. Còn mình thì rất quý bà vì bà nhìn rất giống với bà nội mình. Thế nên không hiểu sao mình và bà cứ có một sợ dây liên kết như máu mủ. Mình hay tâm sự, trò chuyện với bà. Lúc bà ốm, sắp đi bà cứ cầm tay mình nhắn nhủ, dặn dò. Chắc lúc đó bà vẫn nghĩ mình là cô cháu gái của bà".
Chính những phút giây tình cảm như thế khiến cho bác sĩ Tuyết và những cán bộ ở trung tâm này có sự gắn kết với những mảnh đời kém may mắn. Lâu dần ở họ đã không còn khoảng cách, cảm giác ở họ như là người thân trong gia đình.
Bác sĩ Hải tâm sự, để giữ chân được những cán bộ giỏi, tâm huyết như bác sĩ Tuyết là rất khó. Ngoài việc động viên, tạo một môi trường làm việc thuận lợi thì trung tâm cũng không thể có thêm cơ chế đặc thù nào cho họ. Chỉ có điều, trải qua quá trình làm việc gắn bó, nhiều người nảy sinh tình yêu và sự gắn bó. Nhiều người xem trung tâm như mái nhà thứ hai, tự nguyện gắn bó, yêu thương chăm sóc các cụ, các con.
"Nhiều lúc nghĩ các cụ, các con đã quá thiệt thòi vì không có gia đình, không nhận được tình yêu thương của những người thương yêu máu mủ thế nên mình lại càng phải yêu thương, chăm sóc họ nhiều hơn" - bác sĩ Hải tâm sự.
Ở đây, bác sĩ Hải được tất cả các con gọi là mẹ. Được các cụ gọi là con gái. Ngoài thời gian làm công tác quản lý, thời gian còn lại bác sĩ Hải cũng làm công tác chuyên môn, tham gia hội chẩn, hỗ trợ đưa ra phác đồ điều trị cho các bệnh nhân. Lúc rảnh rỗi, bác sĩ Hải thường dạo quanh trung tâm, hỏi han, tâm sự, chia sẻ với các con và các cụ già.
Với mong muốn mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những thân phận kém may mắn, bác sĩ Hải cũng kiến nghị Nhà nước nên tăng mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ. Hiện nay mức hỗ trợ tiền ăn uống, sinh hoạt và điều trị cho các đối tượng này còn thấp (hơn 1 triệu đồng/1 tháng). Ngoài ra, trung tâm cũng mong muốn có thêm chính sách hỗ trợ cho cán bộ nhân viên làm công tác chăm sóc trực tiếp. Đồng thời tổ chức thi viên chức cho cán bộ. Vì hiện nay có tới 35 nhân viên của trung tâm chưa được thi viên chức vẫn đang ký hợp đồng theo Nghị định 68.
Chia tay phóng viên, bác sĩ Hải vẫn không thôi trăn trở về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện mở rộng triển khai dự án thí điểm chăm sóc người già tự trả phí. Bà mong muốn sẽ có thể tạo ra một ngôi nhà khang trang, ấm áp hơn nữa để có thể đón tiếp được nhiều hơn những người cao tuổi cần chăm sóc.

Hiện tại trung tâm Bảo trợ số 3 Hà Nội đang nuôi dưỡng 146 đối tượng, trong đó có 90 cụ già, 56 trẻ em. Cụ ít tuổi nhất là 56 tuổi, cao tuổi nhất là 105 tuổi. Trẻ bé nhất là 2 tháng tuổi, nhiều tuổi nhất là 15 tuổi. 30% đối tượng phải phục vụ tại chỗ (chăm sóc đặc biệt); 30% đối tượng phục vụ được một phần; còn lại là các đối tượng được phục vụ 100%. Theo biên chế Trung tâm được giao 79 chỉ tiêu nhưng nay mới có 69 cán bộ công nhân viên.

 

Minh Nguyệt