Mã Chí Thanh - Người cán bộ tiêu biểu của ngành LĐ-TB&XH Sóc Trăng
08:48 PM 20/10/2021
(LĐXH) - Hơn 25 năm gắn bó với ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng là một trong những tấm gương điển hình của người công chức tận tâm, cống hiến, luôn giữ gìn đoàn kết nội bộ trong đơn vị, có những đóng góp lớn vào những thành tựu của ngành trong suốt thời gian qua.
Tham gia công tác trong ngành LĐ-TB&XH từ tháng 5/1996, kinh qua nhiều vị trí công tác, chức vụ, ông Mã Chí Thanh nắm rõ các hoạt động, nhiệm vụ, chính sách, cũng như những khó khăn, thách thức đối với Ngành. Từ đó có những tham mưu, đề xuất kịp thời với Giám đốc Sở, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành các văn bản, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả công tác lao động, người có công và xã hội.
Ông Mã Chí Thanh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng báo cáo tại Hội nghị điển hình tiên tiến của Ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2015 - 2020.
Nhận thấy công tác đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là một trong những kênh giải quyết việc làm hiệu quả, vừa giúp người lao động nâng cao tay nghề, chuyên môn, kỹ thuật, đồng thời tích lũy được vốn để tự sản xuất, kinh doanh khi trở về nước, ông đã tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về chính sách hỗ trợ vốn vay đối với người lao động tỉnh Sóc Trăng đi làm việc ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan theo hợp đồng, từ ngân sách địa phương; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 về sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018. Nhờ chính sách này, rất nhiều lao động ở Sóc Trăng đã được tiếp cận nguồn vốn để có điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, điều mà trước đây họ không thực hiện được. Tiêu biểu trong số này là anh Lê Thanh Nhã, sinh năm 1999, cư trú tại ấp Lao Vên, xã Viên Bình, huyện Trần Đề. Sau khi biết được thông tin từ chính sách này và làm các thủ tục cần thiết, anh đã được hỗ trợ vốn vay từ ngân sách tỉnh để đi làm việc ở Nhật Bản theo hợp đồng, hoàn thành khóa học tiếng Nhật theo quy định và được tuyển dụng làm việc làm việc tại Công ty sản xuất đồ nhựa tại Nhật Bản từ tháng 12/2019 đến nay với công việc ổn định, thu nhập bình quân khoảng 30 triệu/tháng.
Bên cạnh đó, ông Mã Chí Thanh cũng phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh trình Tỉnh ủy Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình số 31-CTr/TU của Tỉnh ủy; Kế hoạch xây dựng chỉ tiêu, phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ; dự thảo Tờ trình đề nghị UBND tỉnh xây dựng Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân tỉnh hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho Bí thư Chi bộ phụ trách Trưởng ban nhân dân khóm, ấp và Người có uy tín trong cộng đồng, giai đoạn 2022 – 2026.
Là người trực tiếp phụ trách lĩnh vực người có công, ông Mã Chí Thanh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo xác nhận người có công của tỉnh theo Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH ngày 20/3/2017 của Bộ LĐ-TB&XH. Tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp một lần đối với người được tặng Bằng khen do có thành tích tham gia kháng chiến theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị Sở Tài chính cấp kinh phí trợ cấp một lần cho 271 trường hợp hưởng theo quy định. Phối hợp Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh trình Chủ tịch nước công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho 497 bà mẹ. Lập thủ tục đề nghị cấp 41 Bằng Tổ quốc ghi công, cấp lại 1.340 Bằng Tổ quốc ghi công. Cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ người có công về nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ (giai đoạn 2014 - 2018, sửa chữa, xây mới là 7.849 căn, tổng kinh phí hơn 255 tỷ đồng, năm 2019 từ nguồn Quỹ Đền ơn đáp nghĩa tỉnh Sóc Trăng đã triển khai xây dựng, sửa chữa 442 căn nhà tình nghĩa, với tổng trị giá 15 tỷ đồng). Riêng 10 tháng đầu năm 2021, Sở đã tiếp nhận, xét duyệt và giải quyết chế độ chính sách cho 81 hồ sơ mai táng phí thuộc đối tượng chính sách người có công; quyết định trợ cấp 01 lần cho 14 đối tượng; cấp lại giấy chứng nhận các loại 07 trường hợp.
Nhờ thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc Khmer đã giảm từ 26,90% (năm 2016) xuống còn 7,67% cuối năm 2020.
Đặc biệt, với vai trò thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững của tỉnh, ông Mã Chí Thanh đã tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết và kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 – 2020; đồng thời, chỉ đạo triển khai các chính sách, nội dung thực hiện công tác giảm nghèo bền vững như Chương trình 30a, Chương trình 135, chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội năm 2021; hoàn chỉnh dự thảo Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025, trình UBND tỉnh; phối hợp các đơn vị có liên quan xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2022. Nhờ đó, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,89% năm 2016 xuống còn 4,91% năm 2020 (trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer từ 26,90% xuống còn 7,67%).
Chia sẻ về những chính sách hỗ trợ thiết thực đối với người nghèo ở Sóc Trăng thời gian qua, ông Lâm Văn Chánh (54 tuổi), ấp Mỹ Đức, xã Thiện Mỹ, huyện Châu Thành, một trong những hộ nghèo được thụ hưởng chính sách cho biết: “Là hộ nghèo, năm 2016, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất từ Chương trình 135 giúp gia đình có thu nhập ổn định hơn. Đến năm 2017, với số vốn tích lũy được cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của chính quyền và các hội đoàn thể tại địa phương, gia đình tôi tiếp tục mô hình chăn nuôi bò, từ 2 con ban đầu nay đã nâng lên thành 22 con, trong đó có 8 con bò đang giai đoạn sinh sản. Từ đó cuộc sống gia đình được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, con tôi còn được hỗ trợ vay vốn sinh viên để  học đại học nên giờ cháu đã có việc làm ổn định tại một ngân hàng với thu nhập hàng tháng trên 10 triệu đồng.  Có thể nói, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã làm thay đổi cuộc sống gia đình tôi với thu nhập tăng từ mức 650.000 đồng/người/năm (năm 2016) lên hơn 5.000.000 đồng/người/năm như hiện nay”.
Với những đóng góp cho Ngành LĐ-TB&XH, ông Mã Chí Thanh được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước Ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2015 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ (2015 - 2016, 2017 - 2018)... Đặc biệt, trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, ông cũng là gương điển hình tiên tiến được được vinh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Ngành LĐ-TB&XH lần thứ V, Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Sóc Trăng lần thứ V.
Đức Dương