Xã hội
Lực lượng vũ trang Thủ Đô với đạo lý Uống nước nhớ nguồn
10:27 AM 02/08/2017
(LĐXH) - Phát huy truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ Lực lượng vũ trang (LLVT) Thủ Đô đã luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của gia đình chính sách và người có công, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ Đô.
Hiện nay, TP Hà Nội có khoảng 800.000 thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng; có hơn 56.000 cán bộ quân đội nghỉ hưu, nghỉ công tác trên địa bàn. Vì vậy, bảo đảm kịp thời các chế độ, chính sách và thực hiện tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” đối với NCC, các đối tượng NCC có ý nghĩa chính trị, xã hội rất lớn, vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là sự tri ân, tình cảm, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô. Cũng thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với NCC, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ LLVT và nhân dân, động viên NCC với cách mạng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Quân y Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội khám bệnh cho đối tượng người có công xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Thủ Đô đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ LLVT và các tầng lớp nhân dân Thủ đô hiểu rõ ý nghĩa Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác chính sách. Mặt khác, đã chú trọng đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả như: Chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo 1237 thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2016-2018. Ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Hội Cựu chiến binh thành phố về tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao. Tổ chức xét, duyệt 144 hồ sơ đề nghị giám định thương tật, 81 hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sĩ. Bổ sung thông tin hơn 6.000 liệt sĩ của Quân đoàn 1, Quân đoàn 2, Quân khu 1. Hưởng ứng và thực hiện tốt Chương trình xây dựng 500 căn “Nhà tình nghĩa”, 200 căn “Nhà đồng đội” tặng NCC, các gia đình NCC và cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Hiện nay, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đang phụng dưỡng 22 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài mức hỗ trợ kinh phí của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã hỗ trợ thêm 500.000 đồng/mẹ/tháng. Từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị thuộc BTL Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với các bệnh viện quân, dân y tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc cho 11.450 đối tượng NCC, tặng 240 suất quà với tổng số tiền gần 1,6 tỷ đồng; tôn tạo, tu sửa các nghĩa trang liệt sĩ, trị giá 600 triệu đồng. Tổ chức các đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh về nguồn, thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Điện Biên, Khu di tích lịch sử Điện Biên Phủ; thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9... Cùng với đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã đẩy nhanh tiến độ xét duyệt và ra quyết định hưởng trợ cấp một lần theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho 21.458 đối tượng với số tiền hơn 75,5 tỷ đồng...
Những hoạt động thể hiện sự tri ân, trách nhiệm, tình cảm của cán bộ, chiến sĩ LLVT Thủ đô đối với những công lao, cống hiến và sự hy sinh mất mát của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh và những NCC với cách mạng. Đồng thời, khẳng định truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc, sự biết ơn và chăm lo của Đảng, Nhà nước, Quân đội, TP Hà Nội và toàn dân, toàn quân đối với NCC với cách mạng.
Do đó, thời gian tới, Bộ Tư lệnhThủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, giáo dục truyền thống cách mạng. Huy động nhiều lực lượng cùng tham gia chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC, làm cho cán bộ, chiến sĩ, LLVT và nhân dân Thủ đô nâng cao nhận thức, xác định rõ việc thực hiện tốt công tác này là nghĩa cử cao đẹp của mỗi công dân và toàn xã hội. Tiếp tục phát động sâu rộng và vững chắc phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trong đó tập trung chăm sóc đời sống của các gia đình NCC có hoàn cảnh khó khăn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, xét duyệt, thẩm định ra quyết định hưởng chế độ đối với đối tượng còn tồn sót theo Quyết định số 142, Quyết định số 62, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 49 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần tri ân các thế hệ đi trước và chăm lo NCC, các đối tượng NCC trên địa bàn./.
PV