Kinh tế
Logistics Việt Nam đối diện nhiều thách thức khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực
04:36 PM 25/12/2019
(LĐXH) - Nhằm giúp các DN Việt Nam hiểu rõ hơn những cam kết của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam - EU (EVFTA) trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến ngành dịch vụ logistics của Việt Nam, ngày 24/12/2019, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics gắn với đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Liên minh châu Âu”.
Theo bà Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ Tạ Hoàng Linh: EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, là khu vực chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu. Quan hệ thương mại Việt Nam - EU đã phát triển rất nhanh chóng và hiệu quả, từ năm 2000 đến năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu đã tăng 13,6 lần, từ mức 4 tỷ USD năm 2000 lên 55,8 tỷ USD năm 2018. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 14,9 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 41,88 tỷ) và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 10 lần (1,3 tỷ USD lên 13,89 tỷ USD).
Kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký ngày 30/6/2019 và đang trong quá trình phê chuẩn nội bộ để chính thức có hiệu lực, đang mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ. Theo các chuyên gia, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để ngành logictics của Việt Nam có thể hưởng lợi từ EVFTA này. Đặc biệt, dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý, theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với WTO. Trong khi đó, với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự kiến EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.
Hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển Logistics gắn với đẩy mạnh
xuất khẩu sang thị trường Châu Âu
Hiện tại, Việt Nam có gần 1.500 DN cung cấp dịch vụ logistics. Bên cạnh những cơ hội và tiềm năng, DN Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới do EVFTA mang lại như: Sự đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn, quy trình kiểm soát quốc tế để mọi hàng hóa của châu Âu giữ nguyên chất lượng khi đến với người tiêu dùng. Các mặt hàng xuất khẩu của nước ta cũng cần được đảm bảo tốt hơn về bảo quản, vận chuyển, đặc biệt là nông sản, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ là những mặt hàng dễ bị thay đổi chất lượng do ngoại cảnh. Bên cạnh đó, sự chênh lệch về trình độ phát triển của các DN logistics của Việt Nam và EU sẽ tạo nên sự cạnh tranh khốc liệt.
Do đó, theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt (RATRACO) Nguyễn Tuấn Vinh, để tận dụng các cơ hội kinh doanh đến từ chính các cam kết trong hiệp định EVFTA, các DN logistics Việt Nam cần có kế hoạch khắc phục các hạn chế hiện tại, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Cụ thể, DN kinh doanh dịch vụ vận tải đa phương thức cần tìm hiểu, chủ động thay đổi tư duy về logistics và chi phí logistics trong sản xuất kinh doanh để giảm chi phí logistics của DN, góp phần tối ưu hóa chi phí logistics quốc gia.
Theo ông Nguyễn Tuấn Vinh, Chủ tịch HĐQT RATRACO: “Doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp để tối ưu hóa, giảm chi phí vận tải nội bộ; Chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình; Tham gia vào các hiệp hội ngành hàng và chủ hàng để tạo lợi thế đàm phán với các hãng vận chuyển nước ngoài; Tham gia vào các sàn giao dịch vận tải; Tăng cường liên kết để giảm chi phí vận tải”. Đồng thời nhấn mạnh, trong các giao dịch quốc tế, các DN nên xây dựng mối quan hệ chiến lược với một số hãng tàu để giành được thế chủ động trong việc đàm phán với người mua về quyền thuê tàu (chuyển từ tập quán thương mại quốc tế từ FOB sang điều kiện “C” trong incoterm); Cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối thông tin. Sử dụng các hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu logistics... Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực, bảo đảm năng lực chuyên môn
Song song với đó là cải thiện quy mô vốn, năng lực quản lý và phạm vi hoạt động kinh doanh, đặc biệt thông qua việc tận dụng cơ hội liên doanh với các nhà đầu tư, cũng như tìm các kênh thích hợp để tăng liên kết với các DN cung cấp các dịch vụ logistics khác nhau (hãng tàu, đại lý thương mại, bảo hiểm…). Mặt khác, Hiệp định EVFTA không chỉ mang lại cơ hội cho ngành logictics mà còn mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu cho các sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ…
Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) Trịnh Thu Hiền cho biết, để thích ứng với tình hình mới, các DN cần có cái nhìn sâu rộng hơn về cơ hội, thách thức, tác động mà EVFTA mang lại. Đồng thời, để hưởng được ưu đãi thuế quan, hàng hóa phải bảo đảm quy tắc xuất xứ. Những điểm về quy tắc xuất xứ trong EVFTA có 5 nội dung cần lưu ý. Thứ nhất về quy tắc xuất xứ. Thứ hai là cơ chế chứng nhận xuất xứ. Thứ ba là cơ chế xác minh xuất xứ. Thứ tư là một quy định mới mà hầu như chưa có tại một FTA nào mà Việt Nam tham gia trước đây liên quan đến tạm dừng ưu đãi. Quy định thứ năm là liên quan đến quy tắc đối với từng dòng hàng, mặt hàng cụ thể.
Khánh Linh