Lao động
Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành (Sóc Trăng) đẩy mạnh tuyên truyền về an toàn lao động
03:50 PM 08/07/2019
(LĐXH)- Tại buổi lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2019 của tỉnh Sóc Trăng, Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành đã kêu gọi tất cả đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động cùng chung tay đảm bảo ATVSLĐ bằng những hành động cụ thể.
Theo LĐLĐ huyện Châu Thành, đối với công đoàn các cấp, cần xem công tác ATVSLĐ là một nội dung quan trọng và thường xuyên thực hiện. Thực hiện tốt các quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn tại điều 9, điều 10 của Luật ATVSLĐ năm 2015. Phân công cán bộ công đoàn cơ sở am hiểu về thiết bị, công nghệ, đặc điểm về công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp trực tiếp theo dõi, chỉ đạo mạng lưới an toàn, vệ sinh viên. Tổ chức hội nghị người lao động, đối thoại định kỳ tại nơi là việc và ký kết Thỏa ước lao động tập thể trong đó lấy công tác ATVSLĐ làm một trong các nội dung trọng tâm.
Liên đoàn Lao động huyện Châu Thành luôn coi trọng công tác tuyên truyền về an toàn tới người lao động (Ảnh minh họa)
Tuyên truyền, phổ biến về công tác ATVSLĐ và các chế độ, chính sách về quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về công tác này; phối hợp với NSDLĐ tổ chức huấn luyện công tác ATVSLĐ, mạng lưới an toàn vệ sinh viên cho người lao động.     
Vận động đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động thi đua phát huy sáng kiến, cùng với chính quyền và NSDLĐ cải thiện điều kiện làm việc gắn với phong trào xây dựng doanh nghiệp “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo an tòan, vệ sinh lao động” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động; đảm bảo Công đoàn thực hiện quyền tham gia và kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ đồng thời giúp người lao động và NSDLĐ thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong công tác bảo hộ lao động tại doanh nghiệp.
LĐLĐ huyện tuyên truyền tới đoàn viên, CNVC và người lao động, chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.
Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao. Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.
Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công đoàn huyện Châu Thành cũng kiến nghị lãnh đạo các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cần quan tâm một số vấn đề như: Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở (đối với nơi có tổ chức Công đoàn) thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động; lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.
Người lao động thường xuyên được bồi dưỡng kiến thức về ATLĐ (Ảnh minh họa)
Cùng với đó, tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động.
Theo đại diện LĐLĐ huyện Châu Thành, thực hiện tốt công tác ATVSLĐ là nhằm bảo đảm sức khỏe và tính mạng của người lao động, góp phần quan trọng vào việc phát triển sản xuất và đời sống xã hội. Đây là hoạt động mang ý nghĩa rộng lớn gắn với thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn bảo hộ lao động với bảo vệ môi trường và văn hóa trong sản xuất.
Với chức năng hàng đầu của tổ chức công đoàn là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; trong đó công tác bảo hộ lao động gắn với phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa là một trong những nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp công đoàn, nhằm cùng với các cấp chính quyền, người sử dụng lao động xây dựng môi trường lao động an toàn, lành mạnh, đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Khi người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh môi trường tốt, sức khỏe được đảm bảo sẽ giúp họ có những sáng kiến kinh nghiệm tốt, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật và công tác quản lý có giá trị, tích lũy nhiều  kinh nghiệm quý báu để đề ra những giải pháp hữu hiệu giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian và nguyên vật liệu làm giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp với thị trường trong nước và xuất khẩu, làm lợi cho doanh nghiệp; không gây tổn hại đến doanh nghiệp, không để xảy ta tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Nhận thấy tầm quan trọng của việc đảm bảo ATVSLĐ, các cấp công đoàn cùng với chính quyền, người sử dụng lao động và người lao động đã và đang thực hiện các hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động” lần thứ 3 năm 2019 trên địa bàn huyện Châu Thành theo chủ đề “Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”./.
PV