Lao động
Liên đoàn lao động Hà Nội: Phát huy qui chế dân chủ, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp
08:15 AM 12/11/2020
(LĐXH) Thực hiện qui chế dân chủ (QCDC) tại cơ sở phần lớn đã được sự quan tâm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội vì thông qua thực hiện QCDC, nhất là tổ chức các hội nghị dân chủ tại đơn vị như: Hội nghị Cán bộ công chức viên chức (CBCCVC). Hội nghị người lao động (NLĐ) hàng năm đã giúp cho đơn vị luôn ổn định và phát triển, từ đó các hội nghị dân chủ tại cơ sở được duy trì thường xuyên và chú trọng hơn.
Thực hiện các quy định tại Nghị định 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013, Nghị định số 149/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ; Ban Thường vụ Liên đoàn lao động (LĐLĐ) Thành phố đã chỉ đạo công đoàn các cấp phối hợp với người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định về QCDC tại nơi làm việc thông qua tổ chức Hội nghị Người lao động, tổ chức đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT; LĐLĐ Thành phố đã xây dựng chương trình nâng cao chất lượng thương lượng ký kết TƯLĐTT trong các doanh nghiệp. Tại hội nghị, NLĐ đã được tham gia xây dựng các nội quy, quy chế, TƯLĐTT được ký kết và sửa đổi bổ sung những nội dung, quy định có lợi cho NLĐ; được tham gia vào báo cáo của Ban giám đốc về kết quả SXKD, kế hoạch nhiệm vụ thời gian tới; Ban chấp hành CĐCS phối hợp với NSDLĐ thực hiện quyền dân chủ của mỗi bên, mọi ý kiến đề xuất, tâm tư nguyện vọng của người lao động về chế độ tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp lương, định mức lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, ăn ca, ATVSLĐ, bảo hộ lao động, BHXH, BHYT, BHTN đều được tiếp thu giải đáp thỏa đáng, tập trung xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Tuy nhiên do đặc thù sản xuất kinh doanh khác nhau nên thời điểm tổ chức Hội nghị có đơn vị tổ chức trong năm, có những đơn vị tổ chức vào quý I năm sau và thường lồng ghép vào Hội nghị tổng kết của năm.
Hội nghị Đại biểu người lao động của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội
 Hàng năm, LĐLĐ Thành phố đã phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo Thành phố, cùng với sự có mặt của lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam, lãnh đạo các Sở, ban, ngành của Thành phố, đại diện NSDLĐ và hàng trăm CNLĐ làm việc tại các Khu Công nghiệp tập trung để nắm bắt tình hình, tiếp thu những nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị chính đáng của CNLĐ và doanh nghiệp liên quan đến chính sách BHXH, BHYT, vấn đề về nhà ở, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, vệ sinh môi trường, điện, nước, giao thông, cơ sở hạ tầng...
  Đến nay, nhiều Công đoàn cấp trên cơ sở và CĐCS, nhất là doanh nghiệp có đông CNLĐ, doanh nghiệp có quan hệ lao động không ổn định, thường xuyên tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp, NSDLĐ với Công đoàn và CNVCLĐ bằng các hình thức: Đối thoại trực tiếp, hộp thư, văn bản kiến nghị và trả lời ... nhằm nắm bắt kịp thời tâm tư của NLĐ, giải quyết những vướng mắc về quyền lợi của NLĐ, hạn chế những phát sinh tại cơ sở, xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Bình quân hàng năm có trên 35% đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đối thoại có sự hướng dẫn của Công đoàn cấp trên cơ sở.
Với kết quả đạt được trong việc triển khai, thực hiện QCDC ở cơ sở thời gian qua đã khẳng định việc triển khai thực hiện QCDC ở cơ sở đã đề cao dân chủ, công khai, tạo thành hành lang pháp lý rõ ràng để cơ sở và NLĐ dễ dàng thực hiện. Nhìn chung, đại đa số cán bộ, CNVCLĐ trong các đơn vị đều khẳng định rằng việc triển khai, thực hiện QCDC là cần thiết trong mọi hoàn cảnh của đơn vị. Với hoàn cảnh đơn vị thuận lợi trong hoạt động SXKD, công tác thì thực hiện tốt QCDC, có tác dụng khuyến khích ng­ười lãnh đạo phải nâng cao trách nhiệm, chủ động linh hoạt và sáng tạo hơn trên cương vị của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho NLĐ kiểm tra, giám sát, từ đó hạn chế những biểu hiện tiêu cực, nâng cao chất l­ượng sản phẩm và đời sống NLĐ. Đối với đơn vị còn khó khăn trong hoạt động thì thực hiện dân chủ tốt sẽ là động lực tạo ra sức mạnh đoàn kết của tập thể NLĐ, gắn bó hơn trách nhiệm giữa Giám đốc, Thủ trưởng và NLĐ trong việc chăm lo đẩy mạnh hoạt động SXKD, công tác của đơn vị mình. Qua đó, NLĐ nhận thấy đ­ược những khó khăn, thuận lợi của đơn vị, xác định động cơ phấn đấu vì sự tồn tại và phát triển của đơn vị.
Mỹ Linh