Xã hội
Lê Tiến - Người chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày hết lòng vì đồng đội
02:46 PM 23/08/2018
(LĐXH) - Tôi đến thăm anh Lê Tiến, một thương binh chống Mỹ hạng 4/4, người chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày kiên cường với những chiến công hiển hách trong chiến đấu và ý chí ngoan cường trong nhà tù hà khắc của địch vào dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ 27/7. Được nghe anh kể về những năm tháng không thể nào quên càng làm cho chúng tôi, những thế hệ đi sau thêm khâm phục những đóng góp, hy sinh của những tấm gương người có công với nước.
Tiếp tôi trong ngôi nhà khá ấm cúng tại tổ dân phố số 9, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông, Hà Nội, Lê Tiến cho biết: Anh sinh năm 1950 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ngày 28/4/1966, anh nhập ngũ và được phiên chế tại Sư đoàn 320, Trung đoàn 52 đóng quân tại các tỉnh Hà Tây và Hòa Bình, đến tháng 6, anh được cử đi đào tạo cán bộ lãnh đạo cấp trung đội, đại đội tại Trường 17, đóng tại Miếu Môn, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.
Tháng 12 năm 1966, anh tham gia mặt trận phía Nam, trực tiếp chiến đấu tại chiến trường B5 - Quảng Trị. Với những kiến thức được trang bị trong nhà trường và ý chí chiến đấu kiên cường, anh đã lập được nhiều thành tích, được giao trọng trách trung đội phó, rồi trung đội trưởng, trợ lý chính trị trung đoàn.
Anh Lê Tiến đang đọc lại các bài viết trong Tập hồi ký của một số chiến sỹ cách mạng bị địch bắt và tù đày do Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội xuất bản (trong đó có bài viết về anh)
 Tháng 3 năm 1968, khi đơn vị đang hành quân tại xã Lâm Xuân, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị thì đụng phải trận càn của Mỹ - ngụy. Tại đây, anh đã cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. Trong lúc một chiến sỹ xạ thủ B41 hy sinh, anh đã dùng chính khẩu B41 của đồng đội tiêu diệt hai xe tăng M113 của địch (với chiến công này anh đã được tặng danh hiệu Dũng sỹ diệt xe cơ giới) rồi bị thương, bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, anh kinh hoàng khi biết mình đã bị địch bắt. Sau nhiều ngày tra tấn dã man nhưng không khai thác được gì, địch đã chuyển anh cùng một số chiến sỹ khác vào Trại giam tù binh cộng sản Non Nước, Đà Nẵng.
Tháng 8 năm 1968, toàn trại giam Non Nước nổ ra cuộc đấu tranh phản đối chế độ nhà tù độc tài, hà khắc của Mỹ - Ngụy. Anh cùng các tù binh khác đứng ra đấu tranh trực diện với bọn cai ngục, dõng dạc nói lên những yêu sách chính đáng, vạch trần những tội ác của cai ngục với tù binh. Qua các hành động của anh trong nhà tù, anh đã nhận được sự quan tâm, gần gũi của các bác, các anh đi trước, hiểu thêm về mục tiêu của những người tù cộng sản chân chính là dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, không được khai báo với kẻ thù.. Bằng những công việc cụ thể tại trại giam, anh đã được tổ chức Đảng bí mật thu nhận vào Đoàn Thanh niên.
Tháng 9 năm 1968, địch có cuộc sàng lọc một số tù binh bị cho là cộng sản đã nhồi vào đầu “nhiều sạn”, anh bị chúng chuyển ra phòng biệt giam tại Phú Quốc cùng 19 tù binh khác. Tại đây, anh cùng 3 người khác còn bị tra tấn dã man và bị nhốt vào chuồng cọp với sáu mặt đều chăng dây thép gai nhọn, chiều cao chỉ khoảng 60 – 65 cm, người tù chỉ khẽ chạm vào dây thép gai là đã bị cào xước, chảy máu… Đến bữa ăn, mỗi người chỉ được một nắm cơm bằng quả trứng vịt và một vài hạt muối trắng. Sau ba ngày, đêm nằm chuồng cọp, địch cho người dìu vào phòng bốc, phân khu B2, A2 (trại giam hạ sỹ quan miền Bắc)
Tháng 9 năm 1972, anh được tổ chức Đảng bí mật giao làm tổ trưởng tổ ba người có nhiệm vụ đặc biệt tiêu diệt 2 tên tù binh chiêu hồi là Bùi Lửng và Lê Văn Mênh (cùng là các chiến sỹ bị địch bắt tù, đày, nhưng không chịu được tra tấn, tự đầu hàng và làm tay sai cho địch, đã chỉ điểm cho địch các chiến sỹ trong tổ chức Đảng của ta trong nhà tù) và Lê Tiến cùng các đồng đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Hành động này đã dẫn đến việc bọn cai tù đánh đập, tra tấn dã man các chiến sỹ trong nhà tù để tìm ra người đã giết chết hai tên tay sai của chúng. Đứng trước tình hình nguy kịch, nếu để kéo dài sẽ có người không chịu được đòn, roi mà khai báo, đầu hàng địch sẽ rất nguy hiểm cho tổ chức Đảng bí mật trong nhà tù, anh đã suy nghĩ mình là một thanh niên chưa có người yêu, vợ, con, nếu mình có chết thì cũng “nhẹ nhàng”, Lê Tiến anh đã quyết định đứng ra nhận trách nhiệm là người đã giết hai tên tay sai. Nói là làm, anh lách qua các chiến sỹ cùng phòng giam, tiến thẳng về phía giám thị, dõng dạc thét to:
“Chúng mày không được đánh đập vô cớ nữa, chính tao, chỉ mình tao thôi, vì quá căm thù kẻ phản bội, gây ra nhiều tội ác với anh em, bạn bè, đồng đội, cho nên tao đã giết chúng. Nếu muốn đánh, muốn giết thì cứ đánh, cứ giết tao”. Liền sau đó, bọn giám thị, quân cảnh như bầy thú dữ nhảy vào đánh đập anh vô cùng dã man, làm anh chết đi, sống lại mấy lần. Đánh đập xong, chúng xích hai tay, hai chân anh vào chiếc giường sắt; vài ngày sau địch tống anh vào phòng giam đặc biệt.
Im lặng một chút, Lê Tiến mời tôi uống nước và nói:  “Nhân dịp 27/7 năm nay, anh nói em nghe về một sự kiện chính trị đặc biệt đó là: Đúng trưa ngày 21 tháng 10 năm 1972, có một đồng chí bí mật thay mặt tổ chức Đảng trong nhà tù đến thông báo cho anh một quyết định đặc biệt, đó là anh đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay trong nhà tù của Mỹ - Ngụy. Đây là niềm vinh dự và là niềm hạnh phúc lớn đối với anh, giây phút được tổ chức Đảng kết nạp vào Đảng của những người cộng sản rất kín đáo, đơn sơ, bình dị, thầm lặng và vô cùng trang nghiêm”.
Tháng 11 năm 1973, anh cùng một số đồng đội bị đưa lên máy bay ra giam giữ trong nhà tù chính trị tại tỉnh Cần Thơ chờ ngày mở phiên tòa Thượng thẩm quân sự để xét xử. Tại tòa, trước sự chứng kiến của người dân địa phương, anh và 20 tù nhân chính trị khác đã cùng nhau phát huy khí tiết của những người chiến sỹ cộng sản, dõng dạc tố cáo, vạch trần chế độ nhà tù độc tài, hà khắc, thâm độc, đen tối của Mỹ - Ngụy. Ngay lúc đó, địch thấy bất lợi nên không cho tù binh nói nữa, đồng thời đuổi hết người dân ra khỏi khu vực xử án. Kết quả, anh bị địch tuyên án cao nhất trong số những đồng đội cùng bị xử với tội danh giết chết hai mạng người. Vài ngày sau, địch chuyển cả 21 người đến giam tại khám Chí Hòa – Sài Gòn để chờ ngày thi hành án. Tại đây, anh luôn suy nghĩ, chuẩn bị cho việc “ra đi” của mình sao ho có ý nghĩa nhất khi bị địch áp giải ra pháp trường. Anh luôn xác định mình sẽ phải hy sinh, nhưng hy sinh như thế nào cho xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản trước kẻ thù.
Tháng 3 năm 1974, khi còn giam trong khám Chí Hòa, các anh được nghe tin chiến thắng miền Nam dồn dập khắp các chiến trường, buộc địch phải trao trả tù binh. Tất cả 21 tù binh chính trị đều  được trả tự do, được tiếp tục trở về đơn vị quân đội an dưỡng, học tập và nhận nhiệm vụ mới và đến năm 1976 anh được cho chuyển ngành về Cục chuyên gia (trực thuộc Văn phòng Thủ tướng). Năm 1978, anh chuyển về công tác tại UBND tỉnh Hà Tây, sau đó là UBND thị xã Hà Đông. Từ đây, Lê Tiến được điều động về làm Trưởng ban thư ký Hội đồng nhân dân phường Yiết  Kiêu, tham gia Ban thường vụ Đảng ủy, quyền Chủ tịch HĐND phường Yiết Kiêu. Năm 2005, anh được điều về Thường trực Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Đông, đến tháng 10 năm 2010 được nghỉ hưu theo chế độ. Và như để bù đắp cho những năm tháng chiến đấu, hy sinh của mình, người chiến sỹ cách mạng Lê Tiến đã có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Vợ anh là giáo viên đã nghỉ hưu, hai con trai đều có việc làm ổn định, là đảng viên và đã xây dựng gia đình với các cháu nội ngoan ngoãn, khỏe mạnh.
Khi còn công tác, Lê Tiến đã hoạt động rất tích cực trong Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày quận Hà Đông và đảm nhận nhiệm vụ Phó trưởng ban, đến tháng 4 năm 2012 là Trưởng ban. Trên các cương vị công tác khác nhau, anh luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, được Đảng, Nhà nước, Quân đội, Đoàn thể, cơ quan tặng thưởng: Huy hiệu 30 năm, 40 năm và 45 năm tuổi Đảng, 03 Huân chương chiến công hạng 3; 03 Huân chương chiến sỹ giải phòng hạng Nhất, Nhì, Ba; 01 Huân chương kháng chiến hạng 3; Dũng sỹ diệt xe cơ giới cùng nhiều phần thưởng cao quý khác…
Chia tay tôi, Lê Tiến chia sẻ: “Mong muốn lớn nhất của tôi là Nhà nước và xã hội tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho các đối tượng có công với cách mạng được hưởng các chế độ đãi ngộ đúng với cống hiến của họ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời tạo điều kiện về việc làm cho bản thân thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ phù hợp với điều kiện trí tuệ, sức khỏe để họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”./. 
Nguyễn Ngọc Minh