Thời sự
Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”
03:47 PM 21/06/2022
(LĐXH) - Ngày 21/6/2022, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ Thông tin và truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân dân phối hợp tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2025), đồng thời nhằm xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa...
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ tham dự buổi lễ. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Tới dự lễ phát động có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông; Đỗ Tiến Sỹ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Lê Ngọc Quang, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Vũ Việt Trang, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn trọng Nghĩa phát biểu tại Lễ phát động.
Phát biểu tại Lễ phát động, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với các cơ quan báo chí và những người làm báo và là sự kiện có ý nghĩa mở đầu cho chuỗi các hoạt động hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh, xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa là chủ đề rất sâu rộng, đòi hỏi sự quan tâm, đầu tư nhiều về thời gian, công sức. Phong trào thi đua phải được lan tỏa, thẩm sâu, thực chất vào mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo; trong đó các cơ quan tổ chức phong trào phải hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện phong trào ở các cấp hội, cơ quan báo chí; hằng năm tiến hành việc đánh giá kết quả thực hiện, bình xét, trao tặng danh hiệu thi đua, khen thưởng, đề xuất hình thức khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua tạo ra niềm tin, động lực, khi thế mới cho mỗi người làm báo Việt Nam trong giai đoạn tới.
Lễ phát động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan báo chí, người làm báo về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, cũng như sự phát triển của mỗi cơ quan báo chí, giá trị của các sản phẩm báo chí và danh dự, uy tín của người làm báo. Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí, trọng tâm là xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Thúc đẩy và lan tỏa sự hưởng ứng, tham gia tích cực, tạo phong trào thi đua thiết thực và ý nghĩa để các cơ quan bảo chí thực hiện tốt vai trò, sứ mệnh của báo chí cách mạng trong gìn giữ, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về văn hóa, phát huy giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo ra các sản phẩm báo chí giàu chất văn hóa, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa, đạo đức và lòng nhân ái, góp phần xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã phát động phong trào thi đua và công bố Tiêu chí xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa làm căn cứ, cơ sở để các cơ quan báo chí, người làm báo hưởng ứng, tổ chức, triển khai, thực hiện. Các cơ quan báo chí Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Công an Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Tiền Phong. Vietnamnet, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội... là những cơ quan báo chí đầu tiên đại diện cho các cơ quan báo chí cả nước triển khai nghi thức ký cam kết thực hiện phong trào thi đua.
Hiện nay, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, đất nước ngày một phát triển và hội nhập sâu rộng. Những thay đổi lớn trong môi trường kinh tế - xã hội tạo ra động lực và điều kiện thuận lợi để bảo chỉ phát huy theo hướng rộng mở và chuyên nghiệp hơn. Lực lượng báo chí cách mạng Việt Nam đông đảo hơn bao giờ hết. Từng cơ quan đều phát triển đa dạng các loại hình báo chí với cách thức làm báo hiện đại. Mọi mặt của đời sống xã hội đều được truyền tải liên tục, kịp thời. Tuy nhiên, cùng với sự vươn lên mạnh mẽ, báo chí cách mạng Việt Nam cũng đang đối diện với những thách thức, những hệ lụy, mặt trái của sự phát triển.
Đại diện cơ quan báo chí ký giao ước thực hiện phong trào thi đua  “Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”
Với sự xuất hiện của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới, thị phần của nhiều cơ quan báo chí suy giảm, nhiều tờ báo bị cuốn vào vòng xoáy cạnh tranh theo đuổi mọi cách để tìm kiếm nguồn thu, kể cả những cách thức làm suy giảm chức năng tư tưởng – văn hóa cốt lõi. Một bộ phận không nhỏ báo chí đã xa rời tôn chỉ, mục đích, thờ ơ với nhóm công chúng đối tượng của mình, tìm đến những thị hiếu tầm thường, chọn lựa đề tài, sản xuất nội dung chủ yếu nhằm tăng số lượng truy cập, thỏa hiệp tính trung thực, khách quan để đạt được mục đích kinh tế. Bản sắc của tờ báo bị bỏ quên, yếu tố văn hóa, nhân văn trong tác phẩm bảo chí không được coi trọng, hình ảnh của tờ báo mở nhạt trong lòng bạn đọc.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong nội dung về văn hóa đã xác định: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, văn minh, lành mạnh; vừa phát huy giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thật sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế". Vì vậy, với vai trò là một thành phần của văn hoá, đồng thời là một trong những phương tiện phổ biến trên các loại hình văn hoá đến toàn xã hội, mỗi cơ quan báo chí cần phải là một cơ quan văn hoá, mỗi người làm báo cần luôn có ý thức nâng cao văn hoá của bản thân, đề cao thành tố văn hóa trong sáng tạo tác phẩm. Báo chí cần chủ động, tích cực thúc đẩy, nâng cao văn hoá trong chính ngành nghề, lĩnh vực của mình./.
Lê Minh