Xã hội
Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên.
04:20 PM 11/03/2019
(LĐXH)-Sáng nay 11.3.2019, tại Hà Nội, đã diễn ra Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên.

Đồng chủ trì Lễ ký kết gồm: Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội và bà Nguyễn Thị Nghĩa – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng dự, còn có đông đủ lãnh đạo đại diện Văn phòng Chính phủ và các cục, vụ trực thuộc 3 cơ quan Bộ Lao động – Thương binh và Xã Hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và cơ quan thông tấn báo chí.
Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH Nguyễn Thị Hà và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa đặt bút ký kết bản Kế hoạch phối hợp giữa hai cơ quan
Mục tiêu của việc ký kết Kế hoạch phối hợp giữa 2 Bộ về công tác dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên là nhằm nâng cao nhận thức của nhà giáo và học sinh, sinh viên (gọi tắt là HSSV) về ma túy và tác hại của ma túy; từ đó, xây dựng các chương trình dự phòng nghiện ma túy phù hợp, biện pháp can thiệp hiệu quả đối với những HSSV sử dụng, lạm dụng và nghiện ma túy.
Lễ ký kết diễn ra thành công tốt đẹp dưới sự chứng kiến đông đủ của các đại biểu đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan tham dự
Bản Kế hoạch đã đề ra 7 nội dung phối hợp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phối hợp xây dựng kế hoạch, nội dung, hình thức và tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn chuyên sâu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV.
Thứ hai, hai cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp nghiên cứu, tham mưu đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; các văn bản hướng dẫn liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản chủ động lấy ý kiến của cơ quan phối hợp để nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành theo trình tự, thủ tục quy định. Phối hợp xin ý kiến bằng văn bản; cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo văn bản; mời tham gia Hội nghị, Hội thảo, tham gia Hội đồng tư vấn thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, tham gia biên soạn tài liệu; báo cáo, tuyên truyền các nội dung chuyên đề tập huấn theo kế hoạch đề ra.
Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm tham gia vào văn bản dự thảo và trả lời cơ quan lấy ý kiến đúng thời gian, tiến độ quy định hoặc cử cán bộ đại diện cơ quan, đơn vị tham gia các Hội nghị, Hội thảo, tập huấn và chịu trách nhiệm về nội dung tham gia này.
Thứ ba, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ yêu cầu công tác, cụ thể là các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước; văn bản chỉ đạo, điều hành về công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV ; báo cáo đánh giá thường xuyên và đột xuất về tình hình, kết quả công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV theo chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan, đơn vị và thông tin, tài liệu khác có liên quan.
Thứ tư, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, khảo sát về tình hình hoạt động dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV. Tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ các nội dung liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV.
Thứ năm, phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế (nếu có) và các đoàn công tác nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và nước ngoài (nếu có) liên quan đến công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV.
Thứ sáu, phối hợp xây dựng kế hoạch, khảo sát, xây dựng các mô hình dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV; Phối hợp tổ chức lựa chọn một số trường đại học, cao đẳng Sư phạm, trung cấp Sư phạm, trường phổ thông tổ chức thí điểm mô hình dự phòng nghiện ma túy phù hợp với các vùng, miền, cấp học, bậc học khác nhau; Phối hợp kiểm tra, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật, kinh phí cho các trường được lựa chọn tham gia mô hình thí điểm; Tổng kết, đánh giá và báo cáo cấp có thẩm quyền nhân rộng mô hình dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV.
Thứ bảy, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, hai cơ quan có văn bản đề nghị phối hợp, cử cán bộ trực tiếp tham gia phối hợp để hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy đối với HSSV ở các đơn vị, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Lao động-TBXH Nguyễn Thị Hà phát biểu tại Lễ ký kết
Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết: Công tác phòng, chống kiểm soát ma túy và cai nghiện ma túy luôn được Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành quan tâm triển khai đồng bộ các giải pháp từ tuyên truyền giáo dục, đầu tư nguồn lực đến ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện. Tuy nhiên, rất cần có giải pháp mạnh nhằm tăng cường công tác Dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy để khắc phục những nguyên nhân tồn tại trong thời gian qua, đồng thời thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban kiểm soát ma túy quốc tế của Liên Hợp quốc đối với Chính phủ Việt Nam, cụ thể là: "thúc đẩy hơn nữa các biện pháp phòng ngừa, phục hồi và hòa nhập cộng đồng, thông qua chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng nhằm xóa bỏ kỳ thị xã hội với người nghiện ma túy; Chính phủ Việt Nam nên tiến hành các cuộc khảo sát về phạm vi và mức độ của tình trạng lạm dụng ma túy để có mục tiêu nhằm giải quyết vấn đề lạm dụng ma túy”. Đồng thời thực hiện hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu số 2 về "tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy” của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/20/2017 của Hội nghị TW6 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Trước tình hình như vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch phối hợp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo về dự phòng nghiện ma túy cho học sinh, sinh viên đến năm 2020 là việc làm hết sức cần thiết và tại thời điểm này không phải là sớm nữa. Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đánh giá, nội dung của  Kế hoạch phối hợp có nhiều điểm mới rất quan trọng, nhất là việc nghiên cứu đề xuất chính sách, pháp luật về Dự phòng nghiện ma túy theo chuẩn quốcc tế về dự phòng nghiện ma túy và từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy theo hướng sửa đổi Chương cai nghiện và bổ sung Chương dự phòng cai nghiện ma túy...
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị Cục phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phố hợp chặt chẽ với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung thực hiện các nội dung cụ thể để giúp Kế hoạch phối hợp đạt hiệu quả tốt, đó là: Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về dự phòng, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên theo kế hoạch sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuyên truyền, phổ biến,giáo dục pháp luật về dự phòng nghiện, cai nghiện ma túy đối với học sinh, sinh viên. Cùng với đó, nghiên cứu, khảo sát tình hình, đánh giá kết quả triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương và tham vấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các hội nghị, hội thảo và trao đổi, học tập kinh nghiệm. Phối hợp tổ chức thí điểm các mô hình dự phòng nghiện ma túy. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công tác dự phòng nghiện ma túy.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại Lễ ký kết
Tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Tệ nạn ma túy đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức về tác hại và hệ lụy do sử dụng, buôn bán ma túy của một bộ phận người dân, học sinh, sinh viên chưa đầy đủ. Các em học sinh, sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước rất cần sự phát triển toàn diện trong sáng về thể chất và tinh thần. Hy vọng rằng, với 7 nội dung được đề ra trong Kế hoạch phối hợp chúng ta sẽ cùng nhau góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy không chỉ trong học sinh, sinh viên mà còn trong toàn cộng đồng xã hội. Khi học sinh, sinh viên đã nhận thức đầy đủ, các em sẽ tiếp tục là kênh tuyên truyền đến gia đình, cộng đồng hiểu về tác hại của ma túy đến môi trường xã hội. Chúng ta xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh chính là góp phần đảm bảo an ninh trật tự của xã hội, tạo điều kiện tiền đề để xây dựng con người, làm cho xã hội càng ngày càng tốt đẹp và văn minh hơn, phát triển.
Được biết, Kế hoạch phối hợp cũng nêu rõ trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là giao Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo giao Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho lãnh đạo hai cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện./.

Mỹ Hạnh