Lao động
Lấy ý kiến một số quy định trong dự thảo bộ Luật lao động (Sửa đổi)
09:32 PM 09/03/2019
(LĐXH) - Sáng ngày 7/03/2019, tại TP.HCM, Vụ pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến một số quy định trong dự thảo Bộ luật Lao động (Sửa đổi).

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) phát biểu tại buổi hội thảo

Tham dự có ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH); đại diện Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (Mnet); đại diện các sở LĐ-TB&XH phía nam, các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: “Có 3 lý do phải đổi mới Luật lao động đó là khắc phục những hạn chế bất cập sau 5 năm thi hành BLLĐ năm 2012; Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, thống nhất với các luật mới ban hành sau Hiến pháp năm 2013; Thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ngoài ra, trong quá trình tham vấn này, có một vấn đề mà tôi muốn chia sẻ đó là các hoạt động tham vấn cũng đã diễn ra khá nhiều, các đối tượng tham vấn cũng khá đông thế nhưng công bằng mà nói là có 2 nhóm đối tượng mà chúng tôi thực sự trăn trở trong quá trình tham vấn sửa đổi này. Thứ nhất đó là những người lao động mà họ là đại diện trực tiếp và thứ hai là các tổ chức xã hội. Hầu hết các buổi tham vấn là sự tham gia của các cơ quan nhà nước các cấp,các chủ tịch công đoàn, các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, nhưng những người lao động của doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đang là các đối tượng có vai trò rất đặc biệt, có những ảnh hưởng, tác động rất quan trọng.

Đại diện doanh nghiệp trình bày một số ý kiên liên quan đến dự thảo bộ Luật lao động (Sửa đổi).

Vì thế buổi tham vấn ngày hôm nay là rất cần thiết, vì đây là buổi tham vấn không được xem là nhiều trong suốt mấy chục buổi tham vấn đã diễn ra. Trong suốt quá trình vừa qua các tổ chức xã hội hay là các tổ chức phi chính phủ thường là có rất nhiều tiếng nói liên quan đến quá trình làm chính sách, nhưng lại gặp một số vấn đề đó là trong nhiều trường hợp thì tiếng nói của tổ chức này vì một một lý do nào đó mà không có cơ hội để trao đổi, tương tác với các cơ quan chính phủ liên quan để nêu vấn đề để các bên hiểu được quan điểm tốt hơn...

Cũng tại hội thảo, ông Bình cũng trình bày một số vấn đề sửa đổi, bổ sung về tổ chức đại diện NLĐ trong dự thảo BLLĐ (sửa đổi), theo đó: Tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở được thành lập theo quy định của Luật công đoàn và tổ chức của NLĐ được thành lập theo quy định của Bộ luật này; Tổ chức đại diện của NLĐ thành lập theo quy định của Luật công đoàn và theo quy định của bộ luật này bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ  quyền hợp pháp và lợi ích chính đáng của NLĐ trong quan hệ lao động.

Bên cạnh đó, NLĐ có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện và hoạt động trong tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở. Tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc đăng ký vơi cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Sauk hi hoàn thành thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động, tổ chức đại diện của NLĐ tại cơ sở có tư cách pháp nhân phi thương mại, có các quyền, nghĩa vụ và được bảo vệ theo quy định của Bộ luật này và văn bản pháp luật khác có liên quan.

Tại hội thảo Mạng lưới Hành động vì lao động di cư (Mnet) cũng đã trình bày một số đề xuất, khuyến nghị như: Quy định về tổ chức đại diện NLĐ trong Bộ luật lao động sửa đổi; Đảm bảo sự tham gia của NLĐ trong quá trình xây dựng lương tối thiểu và thời gian làm thêm giờ; Thúc đẩy chính sách dành cho lao động nữ.

Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu cũng được lắng nghe một số ý kiến hỏi đáp của một số doanh nghiệp, NLĐ trong buổi tham vấn ý kiến một số quy định trong dự thảo bộ Luật lao động (Sửa đổi).

Lê Việt