Lao động
Lao động, việc làm trong ASEAN những vấn đề đặt ra trong kỷ nguyên số
05:46 PM 13/12/2017
(LĐXH) - Sáng ngày 13/12/2017, tại TP.HCM, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội thảo về Lao động, việc làm trong Asean và những vấn đề đặt ra trong kỷ nguyên số

Bà Hà Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự hội thảo có bà Lê Kim Dung – Cục trưởng Cục việc làm; bà Hà Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế; bà Vũ Thị Loan – Phó chánh Văn phòng Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cùng đại diện các sở ngành, các trường đại học, cao đẳng và các trung tâm dịch vụ việc làm khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Hà Minh Đức – Phó Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho biết: “Trong thời gian qua, các quốc gia thành viên trong khu vực Asean đều nhận thức được tầm quan trọng của việc làm và nâng cao chất lượng lao động và các vấn đề an sinh xã hội của người lao động và đây chính là nguồn lực rất là to lớn trong sự phát triển của Asean. Mục tiêu chung của hợp tác Asean trong lĩnh vực lao động - xã hội là hướng tới cải thiện đời sống cho người dân có lao động hiệu quả cao bảo vệ an sinh xã hội cho người dân Asean thông qua việc nâng cao tính cạnh tranh trong sử dụng lao động tạo dựng một môi trường làm việc hài hòa và tiến độ thúc đẩy việc làm bền vững. Trong tiến trình này thì Việt Nam luôn tham gia hợp tác Asean với vai trò là một thành viên tích cực, chủ động và có trách nhiệm thông qua lồng ghép các nội dung các định hướng của khu vực và kế hoạch chương trình quốc gia.

Toàn cảnh hội thảo 

Bà Hà Minh Đức cũng mong muốn qua hội thảo sẽ làm rõ hơn vấn đề về lao động và việc làm trong Asean và những vấn đề đặt ra trong kỷ nguyên số; đồng thời có cơ hội để nhìn lại những hợp tác Asean, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động như thế nào và  những ảnh hưởng.

Tham gia thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng cần tạo được sự đồng thuận để đạt được các quyền lợi cơ bản của người lao động di cư. Điều này cũng giúp người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hiểu rõ về các quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước, trong và sau khi đi làm việc ở nước ngoài. Hiện nay, đã có thỏa thuận công nhận kỹ năng lẫn nhau về 08 lĩnh vực, sự dịch chuyển có tay nghề giữa các nước thành viên là điều kiện thuận lợi cho chuyên gia và lao động có tay nghề trong ASEAN tham gia vào hoạt động liên quan tới thương mại và đầu tư qua biên giới.

Bên cạnh đó, về giải pháp, trước hết cần tăng cường tính cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc phát huy ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương thức quản lý doanh nghiệp. Tiếp đó là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo hướng tăng khả năng thực hành và các kỹ năng nghề nghiệp. Gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động và sự tham gia trong quá trình đào tạo của doanh nghiệp. Tăng cường việc quản lý lao động thông qua việc xây dựng các rào cản kỹ thuật về điều kiện, giấy phép... nhằm bảo vệ vị trí việc làm phù hợp cho lao động trong nước. Cùng với đó là phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. 

                                                                                       Lê Việt