Lao động
Lao động, việc làm sẽ ra sao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0?
10:16 AM 05/03/2019
(LĐXH)- Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng với nền kinh tế thế giới, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đang phát triển mạnh mẽ và ảnh hưởng trực tiếp tới nước ta. Đây là cơ hội lớn trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Vấn đề đặt ra cho Việt Nam là việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường việc làm trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm quyền lợi cho người lao động ngày càng được chú trọng, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam vừa mới gia nhập các hiệp định thương mại tự do. Những nỗ lực của nhà nước trong việc chăm lo vấn đề việc làm của người lao động, doanh nghiệp thể hiện qua các chính sách về lao động việc làm được ban hành.
Đào tạo nghề đã gắn với việc làm
Đánh giá về bức tranh thị trường lao động của Việt Nam trong năm 2018, ông Lê Quang Trung - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ LĐTB&XH cho rằng, thị trường lao động đã cải thiện đáng kể, như: Chất lượng cung lao động tăng lên, cơ cấu cầu lao động chuyển dịch tích cực, thu nhập, tiền lương được cải thiện, năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động tăng lên.
Ông Lê Quang Trung tại buổi giao lưu trực tuyến
Đặc biệt, NLĐ đã có thay đổi nhận thức về việc học nghề. Thể hiện rõ nhất là nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đã đăng ký vào trường nghề, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học lại quay trở lại học nghề, cho thấy đào tạo gắn với việc làm là hướng đi đúng.
Nhờ triển khai thực hiện nhiều chính sách, cơ chế mới trong giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động, tính đến tháng 9/2018 tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 3,1% (đang đạt chỉ tiêu dưới 4% trong các nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội), góp phần giảm tỷ trọng lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản từ 50% năm 2010 xuống còn 38,3%.
Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là năng suất lao động thấp, tỷ lệ NLĐ làm việc ở khu vực dễ bị tổn thương cao. Chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức chậm dẫn đến chậm cải thiện chất lượng việc làm. Nhận thức của một bộ phận người sử dụng lao động còn chưa coi NLĐ là tài sản đáng quý của DN, chưa coi trọng yếu tố đầu vào.
Vì thế, để cải thiện tình hình, một trong những hướng cần ưu tiên đó là tạo điều kiện thu hút được nhiều NLĐ vào DN làm việc, nâng cao chất lượng việc làm. Những ai có việc làm rồi thì chất lượng làm việc sẽ tốt hơn.
Cũng theo ông Lê Quang Trung, Bộ LĐTB&XH cũng sẽ nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội. Đồng thời hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao chất lượng phân tích, dự báo cung - cầu lao động làm cơ sở định hướng nghề nghiệp, giúp NLĐ chọn nghề để học, chọn việc để làm phù hợp với nhu cầu của thị trường và xã hội.
Bộ LĐTB&XH cũng sẽ triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho NLĐ, nhất là nhóm lao động yếu thế nhằm phát huy tối đa năng lực của họ. Đặc biệt, là nâng cao chất lượng và hiệu quả của các trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn chính sách, tư vấn giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động. Qua đó giúp người lao động chọn được công việc phù hợp với năng lực, DN tuyển dụng được người phù hợp với yêu cầu, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực.
Thị trường lao động năm 2019 sẽ như thế nào?
Trả lời câu hỏi về việc Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0, chỉ xếp thứ 70/100 về nguồn nhân lực và 81/100 về lao động có chuyên môn cao, ông Lê Quang Trung cho biết: Với cuộc CMCN 4.0, Việt Nam sẽ thay đổi từ thâm dụng lao động sang thâm dụng về trí tuệ và công nghệ.
Điều này đồng nghĩa với CMCN 4.0 làm thay đổi hoàn toàn từ một số lĩnh vực về cơ chấy lao động, tính chất công việc… Kể cả thay đổi từ việc người lao động đi tìm việc làm sang tự tạo việc làm và khởi sự doanh nghiệp. Bộ LĐTB&XH đã chủ động nghiên cứu, đánh giá tác động chính vào thị trường lao động trong nước và có các giải pháp.
Phó Cục trưởng Lê Quang Trung cho rằng, để chủ động cho thị trường việc làm thời kỳ 4.0 thì từng ngành phải nghiên cứu, dự báo nhân lực; khẩn trương tổ chức các phương án đào tạo về chuyên môn, công nghệ, kỹ năng mềm và những nhu cầu cần thiết cho người lao động; xây dựng các biện pháp, cơ chế, chính sách để hỗ trợ người lao động trong hội nhập. Đồng thời phải tính trước những giải pháp đối với người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của thời kỳ 4.0, trong đó có chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Nhận định về diễn biến thị trường lao động năm 2019, ông Quang Trung kỳ vọng sẽ tiếp tục theo hướng tích cực, cung – cầu gặp nhau ở mức hợp lý. Nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp tăng lên, nhất là lao động trình độ cao và trung.
Ông Lê Quang Trung cũng cho rằng, người lao động Việt Nam cần nhận thức rõ xu hướng thị trường lao động, tận dụng năng lực bản thân, tham gia vào đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng mềm và pháp luật để thực hiện tốt hơn công việc. Về phía doanh nghiệp quan tâm đến đào tạo cho người lao động; doanh nghiệp phối hợp với cơ sở dạy nghề theo phương châm 3 cùng: Cùng tuyển sinh, cùng đào tạo và cùng giải quyết việc làm cho người lao động./.
PV