Lao động
Lao động nông thôn qua đào tạo nghề ở Bạc Liêu: Vẫn khó sống bằng nghề
06:36 PM 04/01/2021
Hơn 10 năm qua, tỉnh Bạc Liêu đã đào tạo nghề cho gần 52.000 lao động nông thôn. Tuy nhiên, số lao động khá lên từ những nghề được đào tạo chưa đến 2.000 người. Điều này cho thấy, tại nông thôn, có nghề nhưng khó sống từ nghề.
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bạc Liêu, từ năm 2010 - 2020, tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho gần 52.200 lao động (LĐ) nông thôn. Trong đó, 945 LĐ thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trên 9.500 LĐ thuộc hộ nghèo, gần 4.000 LĐ thuộc hộ cận nghèo, 122 người khuyết tật và số còn lại là đối tượng khác, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 61 tỉ đồng.
Lao động nông thôn hầu hết khó giàu từ những nghề đã được đào tạo
Bên cạnh đó, tỉnh Bạc Liêu đã đầu tư xây dựng cơ bản cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề công lập cho 7 cơ sở; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã cập nhật, sửa chữa hoặc xây dựng mới 131 chương trình, giáo trình đào tạo; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ cho gần 5.100 lượt cán bộ, công chức cấp xã; đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ trình độ trung cấp trở lên gần 1.300 người…
Tuy nhiên, theo bà Trần Hồng Chiến - Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bạc Liêu, việc đào tạo chưa gắn với việc làm. Nhiều nghề đào tạo cho LĐ nông thôn chậm đổi mới giáo trình, hình thức, nội dung; chưa đa dạng ngành nghề; một số nghề mà sản phẩm chưa có thị trường như: Đan đát, rèn, hoa kiểng, may dân dụng…
Theo kế hoạch đào tạo nghề từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tỉnh Bạc Liêu dự kiến đào tạo nghề cho 120.000 LĐ nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐ nông thôn trên địa bàn phù hợp và sát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, của thị trường LĐ. Trên cơ sở này, tỉnh xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm và trung hạn về chỉ tiêu đào tạo, nguồn lực thực hiện đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Đồng thời, tỉnh thành lập tổ chức có trách nhiệm chỉ đạo, điều hành, điều phối các hoạt động đào tạo nghề cho LĐ nông thôn trên địa bàn tỉnh, huyện, xã; chú trọng về chất lượng, hiệu quả trong chỉ đạo, điều phối thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn; tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đào tạo nghề cho LĐ nông thôn giai đoạn mới đến các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh lồng ghép, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, trong đó có nguồn lực từ xã hội hóa. Xây dựng các mô hình đào tạo có hiệu quả thiết thực và phấn đấu đạt đa mục tiêu như: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và tạo sinh kế của người dân, chuyển dịch cơ cấu LĐ hợp lý, phù hợp với cơ cấu kinh tế, với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát lại nhu cầu học nghề của người LĐ để có kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ; đào tạo cho LĐ xong phải có việc làm ổn định; phát huy vai trò của doanh nghiệp trong liên kết đào tạo và giải quyết việc làm...
Nhật Hồ