Lao động
Lao động được đào tạo nghề dễ tìm việc làm với mức thu nhập cao
05:16 PM 06/09/2023
(LĐXH) - Ngày 6/9/2023, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức Hội thảo “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”.

Toàn cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó viện trưởng HIDS, cho biết, hiện nay, thị trường lao động – việc làm tại TP.HCM đang có những diễn biến phức tạp ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phát triển chung của Thành phố, trong đó có thể kể đến một số nguyên nhân tác động như là: các khuynh hướng kinh tế toàn cầu hóa thông qua các định chế thương mại tự do, sự trổi dậy của nền kinh tế số, tác động tiêu cực sau đại dịch Covid-19…

Chính vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển chiến lược, lao động việc làm với các giải pháp đi kèm chương trình hành động để thúc đẩy thị trường lao động toàn diện, cải thiện phúc lợi của người lao động là cần thiết. Bên cạnh đó, chiến lược đầu tư cho việc đào tạo nghề, năng cao kỹ năng nghề nghiệp cũng cần được xem là một trong những trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế - xã  hội của Thành phố.

Các kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, những người lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có cơ hội tìm được việc làm dễ với  mức thu nhập cao hơn so với những người không được đào tạo. Đặc biệt, những người lao động được đào tạo nghề và giáo dục được trang bị tốt có thể đối phó với những thách thức kinh tế do đại dịch gây ra và có nhiều khả năng duy trì việc làm hơn so với những người không được đào tạo. Chính vì vậy, việc đầu tư vào hoạch định chính sách đào tạo lao động có kỹ năng tại Thành phố đặc biệt đào tạo nghề đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết khoảng cách kỹ năng trên thị trường lao động và cải thiện khả năng có việc làm của người lao động.

Những người lao động được đào tạo và giáo dục nghề nghiệp có cơ hội tìm được việc làm dễ với  mức thu nhập cao hơn so với những người không được đào tạo

Nhóm nghiên cứu của HIDS đưa ra kết quả, trong những năm qua, lao động làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố có xu hướng giảm. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020 lao động công nghiệp trên địa bàn TP.HCM giảm bình quân 3,29%/năm, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có tốc độ giảm lao động cao nhất, bình quân giảm 3,34%/năm. Trong đó, ở những ngành thâm dụng lao động phổ thông, đặc biệt là ngành sản xuất trang phục, sản xuất da và sản phẩm có liên quan có số lao động giảm mạnh nhất. Nguyên nhân là những ngành này từng bước di dời sang các địa phương khác cũng như tăng cường đầu tư đổi mới máy móc thiết bị để tăng năng suất lao động. 

Tình trạng biến động tiếp tục kéo dài từ năm 2022 qua năm 2023: Tình trạng lao động bị cắt giảm diễn ra trong Quý 1/2023 và khả năng cao sẽ tiếp diễn trong quý 2 năm 2023. Theo kết quả khảo sát 1972 doanh nghiệp trong tháng 3/2023 của Sở LĐTB&XH Thành phố thì tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý sâu sắc nhưng chưa đến mức bi quan.

Theo nhóm nghiên cứu của HIDS, để giải quyết được các vấn đề về lao động việc làm, đáp ứng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố thời gian tới, bên cạnh những phân tích đánh giá mang tính khoa học về tình hình lao động - việc làm hiện nay, Thành phố cần phải nhận diện được các nhân tố tác động đến cung và cầu về lao động, dự báo được những thay đổi trong thị trường lao động, để từ đó xây dựng được chiến lược ngắn hạn và dài hạn về lao động và việc làm. Chiến lược này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với tăng trưởng kinh tế mà còn liên quan mật thiết đến vấn đề an sinh xã hội của TP.HCM trong giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030

Sinh viên Trường Cao đăng nghề TP.HCM trong giờ học thực hành 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nhận định, xu hướng phát triển thị trường lao động Việt Nam trong những năm tới sẽ nổi lên 4 xu hướng phát triển chính.

Thứ nhất là gia tăng số lượng lao động trên các nền tảng công nghệ. Thứ 2 là chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm. Thứ 3 là lao động giản đơn sẽ trở nên yếu thế. Thứ 4 là xu hướng lao động “khởi nghiệp, tự tạo việc làm” gia tăng.

Việc đầu tư máy móc, tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ số sẽ dần phổ biến và làm thay đổi hình thức việc làm trên thị trường lao động. Động thái trên bắt nguồn từ sự dịch chuyển sang thời kỳ chuyển đổi số của Việt Nam và sẽ trở thành xu thế chủ đạo trong thời đại số hóa. “Theo thống kê tại Việt Nam, 68% công việc hiện đòi hỏi kiến thức về kỹ năng số với những kỹ năng số cơ bản, 1/5 công việc cần các kỹ năng số chuyên sâu”, ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Trần Anh Tuấn cho rằng, sự chuyển đổi mạnh mẽ đó của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi nhanh chóng những đòi hỏi từ thế giới việc làm, thị trường lao động. Sự chuyển đổi này cũng buộc cơ quan quản lý phải tăng cường cơ chế khảo sát nhu cầu nhân lực, có kế hoạch đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động phù hợp cho sự phát triển kinh tế thành phố. Theo đó, những kiến thức, kỹ năng ngày hôm nay có thể nhanh chóng lạc hậu vào ngày mai. Những ngành nghề sử dụng nhiều lao động kỹ năng thấp sẽ mất lợi thế cạnh trạnh. Một phần lực lượng lao động kỹ năng thấp sẽ bị thải hồi…

Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM cho rằng, cách tiếp cận hệ thống giáo dục - đào tạo mở đã có những thay đổi cũng rất căn bản. Từ đào tạo chuyên môn hóa sâu đã chuyển sang đào tạo đa kỹ năng cho người lao động để họ có thể đương đầu với những thách thức đó. Tuy nhiên, những thay đổi trên vẫn chưa đủ, hệ thống giáo dục đào tạo vẫn chưa bắt kịp xu hướng của thị trường lao động, đặc biệt là ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. “Việc nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp quan trọng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, phát triển chiến lược lao động việc làm Thành phố cần phải nhận diện được các nhân tố tác động đến cung và cầu về lao động, dự báo được những thay đổi trong thị trường lao động; những vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục - đào tạo; định hướng đầu tư chiều sâu đối với nguồn nhân lực mà cơ cấu kinh tế thành phố yêu cầu…

Trương Đăng