Xã hội
Lạng Sơn thực hiện tốt công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
04:44 PM 25/04/2022
(LĐXH)-Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có đường biên giới dài 231,74 km, tiếp giáp khu Tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố loại II với 03 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/ NQ-CP của Chính phủ; có 200 xã, phường, thị trấn (trong đó, có 31 xã khu vực I, 57 xã khu vực II, 112 xã khu vực III); có 1.850 thôn, bản, tổ dân phố (trong đó, có 83 thôn đặc biệt khó khăn của 24 xã khu vực II thuộc diện đầu tư Chương trình 135).
Dân số toàn tỉnh là trên 78 vạn người, trong đó dân tộc thiểu số chiếm gần 84%. Tỉnh có 02 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 01 cửa khẩu chính và 09 cửa khẩu phụ, vị trí địa lý của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển kinh tế - thương mại, là cầu nối quan trọng giữa các tỉnh của Việt Nam với nước bạn Trung Quốc trong giao thương xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên bên cạnh những mặt thuận lợi, do tỉnh có đường biên giới dài, có nhiều đường mòn, lối mở, làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trong đó có tình trạng mua bán phụ nữ, trẻ em và đưa người lao động qua biên giới làm việc trái phép và bóc lột sức lao động tại Trung Quốc. Đến nay, Lạng Sơn được xác định là một tỉnh có diễn biến phức tạp về tình hình mua bán phụ nữ, trẻ em và lao động xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc.
Thực hiện Quyết định số 1057/QĐ-LĐTBXH ngày 12/8/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc Phê duyệt Đề án “tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” giai đoạn 2016 - 2020, với vai trò chủ trì Tiểu đề án 2 “hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về”, năm 2021 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 64/KH-BCĐ ngày 24/4/2021 của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Lạng Sơn về Thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2021; Kế hoạch số 117/KH-SLĐTBXH ngày 28/10/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 64/KH-SLĐTBXH ngày 07/5/2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về triển khai thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người năm 2021; chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc sở, Cơ sở Bảo trợ xã hội, Phòng Lao động, Thương binh và xã hội - Dân tộc các huyện, thành phố phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong phạm vi lĩnh vực ngành phụ trách.
Nhiều nạn nhân mua bán người sau khi được trợ giúp đã dần ổn định cuộc sống
Trong năm 2021, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh tuyên truyền lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và phòng chống mua bán người như: Luật Phòng chống ma túy; Luật phòng chống mua bán người; Pháp lệnh phòng, chống mại dâm. Lắp đặt tại Trung tâm Bảo trợ Xã hội tổng hợp 01 pa nô tuyên truyền về đường dây nóng 111 tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người và phát tài liệu tập huấn thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 cho 11 huyện, thành phố. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các hoạt động truyền thông về phòng, chống tội phạm và phòng chống mua bán người được triển khai chủ yếu qua hình thức gián tiếp.
Trong công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh, giao nhiệm vụ cho Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho việc tiếp nhận công dân Việt Nam do phía Trung Quốc trao trả và giải quyết các thủ tục theo quy định. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2020/NQ-HĐND Quy định nội dung, mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27/11/2019 của Bộ Tài chính được đưa vào tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân và tái hòa nhập cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Năm 2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ cho 02 nạn nhân bị mua bán là trẻ em. Các cháu được đưa vào Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp kiểm tra sức khoẻ và bố trí người chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý theo quy định của pháp luật, kết thúc chăm sóc khẩn cấp tại cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp, tỉnh đã hỗ trợ chi phí đi lại cho đối tượng.
Nhìn chung, quá trình thực hiện công tác tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân được sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo 138 tỉnh và sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả của các cơ quan, đơn vị có liên quan như: Công an, Bộ đội Biên phòng, Tư pháp, Lao động - Thương binh và Xã hội, Phụ nữ...; hằng năm Ban Chỉ đạo 138 tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các đơn vị cấp dưới thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo đúng quy định của Luật Phòng, chống mua bán người và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Công tác phòng chống tội phạm mua bán người nói chung, công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân nói riêng đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở quan tâm thực hiện. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người được quan tâm trú trọng, đặc biệt tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác trong nhân dân và tích cực tham gia tố giác, phòng ngừa đấu tranh với tội phạm mua bán người trên địa bàn. Công tác phát hiện, ngăn chặn và điều tra khám phá các vụ án mua bán người trên địa bàn tỉnh những năm qua đạt kết quả tốt, khi có vụ án xảy ra các lực lượng phối hợp triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhanh chóng để xác minh, điều tra làm rõ, bắt giữ đối tượng phạm tội, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân. Các trường hợp nạn nhân đã tiếp nhận đều được tiếp cận các dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ y tế tại cơ sở tiếp nhận ban đầu.
Tuy nhiên, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại tỉnh Lạng Sơn hiện nay cũng còn một số khó khăn. Hiện Thông tư số 84/2019/TT-BTC ngày 27/11/2019 của Bộ Tài chính quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và nội dung mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11/01/2013 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống mua bán người chỉ quy định chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và đi lại cho nạn nhân được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân mà không quy định nội dung chi này cho các lực lượng khác (công an, biên phòng...) nên khó thực hiện. Bên cạnh đó, một số nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài làm mại dâm đã tìm cách trốn thoát, tự trở về với gia đình nhưng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử làm ảnh hưởng danh dự gia đình, sợ tội phạm trả thù… nên không dám viết đơn tố giác, né tránh và không muốn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, gây khó khăn cho công tác điều tra xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân hoặc hướng họ vào các hoạt động trợ giúp, hoà nhập cộng đồng.
Ngoài ra, cơ sở vật chất tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp chưa đảm bảo cho việc bố trí chỗ ăn, nghỉ cho nạn nhân riêng một khu khi được tiếp nhận. Hiện tại vẫn bố trí ăn nghỉ cùng với đối tượng đang nuôi dưỡng tại cơ sở, cũng làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác đang được nuôi dưỡng tại đây; Đồng thời cũng gây những khó khăn trong công tác quản lý của Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp. Kinh phí Trung ương, địa phương chi cho công tác tiếp nhận đối tượng, hỗ trợ nạn nhân còn hạn chế, hầu như không có.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trước mắt, Lạng Sơn đề nghị Trung ương sớm ban hành Hướng dẫn Quy định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về; Cung cấp các tài liệu hướng dẫn quy trình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về để các địa phương thực hiện; Xây dựng và cung cấp các tài liệu mẫu về truyền thông phòng chống buôn bán người, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
 Bên cạnh đó, trong năm 2022, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn cũng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các nội dung Kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025. Tăng cường tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tội phạm, phòng chống mua bán người và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác phòng chống tệ nạn xã hội cấp cơ sở. Phối hợp đồng bộ với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng, Hội liên hiệp phụ nữ và các đơn vị liên quan, thực hiện tốt việc tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân tiếp cận các dịch vụ xã hội để ổn định cuộc sống./.
Mỹ Hạnh