Xã hội
Lạng Sơn: Cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 10,89%
08:07 AM 22/09/2020
Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh Lạng Sơn còn 21.336 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,89% và 20.250 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,34%.
Thực hiện chính sách giảm nghèo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp, huy động sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị nhằm đạt mục tiêu giảm nghèo đề ra và hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo. Sở Lao động - TBXH đã tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo. Trong năm 2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các kế hoạch và văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2020 trên địa bàn tỉnh; 11/11 huyện, thành phố đều ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, phường, thị trấn tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững
Thực hiện các chính sách giảm nghèo theo Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020, tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo các địa phương hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chính sách cứu đói giáp hạt. Tính đến hết quý II năm 2020, toàn tỉnh đã phân bổ 11.233 triệu đồng cho các huyện thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 20.793 hộ nghèo. Tổ chức tiếp nhận và chỉ đạo cấp phát kịp thời 244,71tấn gạo của Thủ tướng Chính phủ cứu đói giáp hạt cho 18.824 nhân khẩu, bảo đảm đúng đối tượng, đúng chế độ, không xảy ra tiêu cực, thất thoát.
Đối với chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, tỉnh đã tập trung triển khai đầy đủ 16 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng số tiền cho vay đạt 299.768 triệu đồng, cho 6.955 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng là 2.936.787 triệu đồng, tăng 115.399 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, cho vay theo Nghị định số 78/2002/QĐ-TTg là 1.291 hộ nghèo, doanh số 68.006 triệu đồng, tổng dư nợ cho vay hộ nghèo đến cuối tháng 6/2020 đạt 877.812 triệu đồng, tổng số hộ nghèo dư nợ 20.374 hộ; Cho vay đối tượng thuộc hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg là 933 hộ, doanh số 50.523 triệu đồng, dư nợ 417.649 triệu đồng; Vay vốn sản xuất kinh doanh vùng đặc biệt khó khăn 71.094 triệu đồng cho 1.565 hộ. Việc đảm bảo vốn vay chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi đã góp phần đồng hành cùng hộ nghèo  trong giảm nghèo bền vững.
Hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở
Song song với đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở... cũng được quan tâm. Trong 06 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã hỗ trợ học phí, chi phí học tập và miễn giảm học phí cho 13.123 lượt học sinh với kinh phí 5.184,6 triệu đồng; cấp1.982 tấn gạo cho 36.166 học sinh theo chính sách hỗ trợ học sinh nghèo bán trú, học sinh nghèo phổ thông trung học góp phần xóa bỏ tình trạng học sinh phải bỏ học để phụ giúp gia đình, chất lượng học tập ở khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được nâng lên. Toàn tỉnh đã cấp 412.406 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 331 triệu đồng, qua đó góp phần giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, thực hiện chính sách an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, năm 2020 tỉnh Lạng Sơn được phân bổ nguồn vốn vay 5.000 triệu đồng, đã hỗ trợ cho 184 hộ nghèo, với kinh phí 4.600 triệu đồng để xây mới và cải tạo nhà ở. Dự kiến đến hết năm 2020, sẽ hỗ trợ cho 16 hộ nghèo còn lại theo tổng nguồn vốn được giao. Trong 06 tháng đầu năm, tỉnh đã trợ giúp pháp lý cho 138 lượt vụ việc, tổ chức 01 đợt truyền thông trợ giúp pháp lý tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, còn tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng để kịp thời cung cấp kiến thức, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đến người dân ở các xã nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Nhân rộng mô hình nuôi bò cho các hộ nghèo trong tỉnh
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh Lạng Sơn cũng triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-UBND ngày 24/02/2017 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đối với dân tộc thiểu số ít người ở xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2017 - 2020. Năm 2020, tỉnh phân bổ 6.496 triệu đồng thực hiện chính sách hỗ trợ cho 3.118 hộ, 13.183 nhân khẩu mua 76,3 tấn vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất. Chương trình vận động giúp đỡ hộ nghèo theo địa chỉ giai đoạn 2014 - 2020 tiếp tục được các cơ quan, đoàn thể duy trì và thực hiện hỗ trợ bằng hiện vật như: trâu, bò giống sinh sản; lợn giống sinh sản; lợn thịt; gia cầm; dê giống... qua đó đã giúp cho các hộ có điều kiện phát triển sản xuất, chăn nuôi, thoát nghèo.
Triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phí được phân bổ năm 2020, tỉnh đang thực hiện các dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở... Theo đó, Chương trình hỗ trợ huyện nghèo áp dụng cơ chế 30a đang đầu tư xây dựng 24 công trình hạ tầng; hỗ trợ thực hiện 49 dự án, với 4.382 hộ, nhân rộng 10 mô hình giảm nghèo...; Chương trình 135 đầu tư xây dựng 351 công trình, duy tu được 29 công trình; hỗ trợ trên 2.826.580 tấn vật tư nông nghiệp, thực hiện 20 dự án trồng trọt, 14 dự án chăn nuôi; nhân rộng 24 mô hình giảm nghèo...
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò chức năng tham mưu của các cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, tập trung truyền thông vào các huyện, xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nâng cao nhận thức, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Đảng và Nhà nước của một bộ phận hộ nghèo.Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo; tạo điều kiện hỗ trợ cho người nghèo, hộ nghèo ở nông thôn dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Lồng ghép hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, phấn đấu giảm hộ nghèo tại các xã phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2020./.
Minh Anh