Lao động
Lạng Sơn có 492.200 người tham gia thị trường lao động
11:20 PM 02/09/2021
(LĐXH)- Tính đến cuối tháng 8/2021, Lạng Sơn có lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 505 nghìn người, trong đó lao động đang làm việc là 492.200 người, chiếm 62,4% tổng dân số.
Cơ cấu lao động làm việc trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 57,6%; ngành dịch vụ chiếm 32,8%; ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 9,6% trong tổng số lao động đang làm việc.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp ở Lạng Sơn đã có những bước tiến đáng kể, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ngày càng tăng, quy mô đầu tư được mở rộng, bình quân mỗi năm có trên 250 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Tính đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh lũy kế có 3.354 doanh nghiêp (trong đó có khoảng 8% doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động kinh doanh và 6% doanh nghiệp đang chờ giải thể); có 653 chi nhánh, văn phòng đại diện của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang hoạt động, sử dụng trên 41.000 người lao động.
Bên cạnh đó, Lang Sơn còn có 364 hợp tác xã (30 hợp tác xã đang tạm dừng hoạt động) và 02 liên hiệp hợp tác xã; trong đó có 334 hợp tác xã đang hoạt động với 4.936 xã viên và sử dụng 8.361 người lao động theo hợp đồng lao động.

Lạng Sơn có 9,6% lao động đang làm việc trong ngành công nghiệp và xây dựng (ảnh Báo Lạng Sơn) 

Tính đến cuối tháng 8/2021, tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội là 65.182/500.005 người, chiếm 13,0% lực lượng lao động trong độ tuổi (chưa bao gồm số lao động có hộ khẩu tại tỉnh đi làm việc ở tỉnh khác); trong đó, nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện là 12.947 người, chiếm 2,6% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Thời gian qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã và việc làm của người lao động ở Lạng Sơn, nhất là lực lượng lao động không có giao kết hợp đồng lao động. Các hợp tác xã ảnh hưởng nặng nề nhất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và giao thông vận tải...
Đối với tỉnh Lạng Sơn, các doanh nghiệp, hợp tác xã phần lớn hoạt động với quy mô, năng lực nhỏ; việc liên kết, hợp tác với các loại hình doanh nghiệp khác mở rộng mô hình hoạt động chưa được thực hiện nên sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ còn yếu; vốn ít, huy động vốn khó khăn. Vì vậy, ảnh hưởng của dịch Covd-19 đã tác động càng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã.
Do tác động của dịch Covid-19, buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa đối với các khu vực có ca lây nhiễm. Chính vì vậy, việc hạn chế đi lại giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương khác khiến cho nguồn hàng, nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt, làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh và giao thương hàng hóa của các doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với đó là các biện pháp giãn cách xã hội khiến cho nhu cầu về tiêu thụ, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị ảnh hưởng mạnh; có đơn vị sản xuất ra nhưng không bán được sản phẩm, không có doanh thu, làm ảnh hưởng đến khả năng trả lương cho người lao động cũng như các hoạt động tài chính khác.
Mặc dù Nhà nước đã có chính sách rất kịp thời như: giãn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm thuế, hỗ trợ lãi suất vốn vay…. cho các doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên hầu hết các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản đều bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; sản lượng cung ứng ra thị trường ước giảm từ 10 - 15%, có doanh nghiệp, hợp tác xã giảm trên 30 - 40%.
Tiếp đó, lĩnh vực xuất nhập khẩu, việc thành lập các chốt kiểm dịch liên ngành đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh đã làm tăng thời gian vận chuyển của các phương tiện chở hàng xuất khẩu vì phải dừng, đỗ thực hiện thủ tục liên quan.
Hiện tại, Lạng Sơn có 05/12 cửa khẩu trên địa bàn đang thông quan hàng hóa, các cửa khẩu phụ khác vẫn tạm thời ngừng hoạt động để đảm bảo công tác kiểm soát dịch bệnh. Do đó đã ảnh hưởng tới hiệu suất thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bến bãi, dịch vụ; tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều doanh nghiệp đối tác phía Trung Quốc cắt giảm đơn hàng do lo ngại việc hàng hóa có mầm bệnh, nhất là đối với hàng lạnh. Từ đầu năm 2021 tới nay, nhiều mặt hàng như ớt quả tươi, vải, thanh long... đều gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Người lao động tỉnh Lạng Sơn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 khi làm việc (ảnh Báo Lạng Sơn) 

Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Lạng Sơn, tính đến cuối tháng 8/2021, trên địa bàn tỉnh có 121/3.354 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và 140 doanh nghiệp giải thể; số lao động trong các doanh nghiệp tạm hoãn hợp đồng, dừng tham giam BHXH là 1.070/15.360 người. Ngoài ra, còn có 45 doanh nghiệp phải thu hẹp, dừng sản xuất một bộ phận với khoảng 1.500 lao động. Các trường hợp tạm dừng hoạt động, đa số các doanh nghiệp đều hỗ trợ người lao động với mức lương tối thiểu vùng trong 14 ngày đầu nghỉ dịch bệnh, thời gian còn lại sẽ do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận…
Để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 2.009 đơn vị, tương ứng với 35.061 người lao động, tổng số tiền (tạm tính) được giảm mức đóng từ tháng 7/2021 hơn 392 triệu đồng. Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 03 đơn vị, với 69 lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được tạm dừng đóng, số tiền tạm dừng đóng trên 110 triệu đồng.
Cơ quan Bảo hiểm xã hội đã xác nhận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương đối với 34 đơn vị, 749 người lao động; xác nhận danh sách lao động ngừng việc cho 27 đơn vị với 911 người lao động ngừng việc. Đồng thời, xác nhận danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm cơ sở để đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cho 27 đơn vị, với 430 người lao động; xác nhận danh sách người lao động tham gia bảo hiểm xã hội làm cơ sở để đơn vị sử dụng lao động vay vốn trả lương phục hồi sản xuất cho 25 đơn vị, với 384 người lao động.
Hiện tại, tỉnh Lạng Sơn đã có Huyện Hữu Lũng và thành phố Lạng Sơn phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 452 người lao động thực hiện chính sách hỗ trợ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, tổng kinh phí chi trả trên 1,635 tỷ đồng; trong đó có 99 người nghỉ dưới 30 ngày và 353 người nghỉ trên 30 ngày, 02 lao động đang mang thai, 140 trẻ em dưới 06 tuổi. Các huyện (Bình Gia, Tràng Định, Chi Lăng, Hữu Lũng) đã phê duyệt danh sách hỗ trợ cho 533 người lao động ngừng việc, tổng kinh phí chi trả là 720 triệu đồng…

Chí Tâm