Lao động
Hội thảo khoa học quốc gia về "Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu”
03:02 PM 07/10/2020
(LĐXH)- (LĐXH)- Ngày 7/10 tại Hà Nội, trường Đại học Thương mại và trường Đại học Lao động – Xã hội phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực định hướng công dân toàn cầu”.
Tham dự hội thảo có TS.Nguyễn Trọng Thừa – Thứ trưởng Bộ Nội vụ; lãnh đạo một số Bộ, ngành, hiệp hội; Ban giám hiệu Đại học Thương mại và Đại học Lao động – Xã hội; TS.Trần Ngọc Diễn – Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội. Hội thảo đã thu hút đông đảo các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và giảng viên của các trường đại học, học viện, đại diện các doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo được tổ chức với mục đích thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường giao lưu học thuật, phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực quản lý lao động, quản trị nguồn nhân lực; đẩy mạnh hợp tác giữa trường đại học với tổ chức, doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực.
Xây dựng con người Việt Nam bản lĩnh, hội nhập
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại và PGS.TS Lê Thanh Hà – Phó hiệu trưởng trường Đại học Lao động – Xã hội đều nhấn mạnh: Toàn cầu hóa đã mang lại những thay đổi nhanh chóng và đặt ra những thách thức to lớn về xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường. Những thách thức đó đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức và hành động ở quy mô toàn cầu của những “công dân toàn cầu”.
GS.TS Đinh Văn Sơn – Hiệu trưởng trường Đại học Thương mại
PGS.TS Lê Thanh Hà – Phó hiệu trưởng trường Đại học Lao động – Xã hội
Toàn cầu hóa tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để mỗi công dân trở thành công dân toàn cầu. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã chủ động đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, triển khai mô hình đào tạo tiên tiến, hiệu quả với mục đích có đội ngũ sinh viên, học sinh sau khi tốt nghiệp có chất lượng, tự tin tham gia thị trường lao động trong nước cũng như các nước trên thế giới, trở thành những công dân toàn cầu.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hội thảo cũng cho biết, Chủ tịch Chương trình Giáo dục công dân toàn cầu nhận định: “Việt Nam, một đất nước đang trong quá trình chuyển đổi. Phát triển công dân toàn cầu sẽ là một trong những giá trị căn bản giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”. Diễn đàn Giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu của UNESCO được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2019 đã khẳng định quyết tâm phát triển của Việt Nam theo hướng bền vững dựa trên nền tảng một thế hệ con người Việt Nam mới, đủ bản lĩnh và tầm vóc trí tuệ, vượt qua các thách thức toàn cầu trong thời đại hội nhập quốc tế.
Xây dựng công dân toàn cầu như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa khẳng định: “Có ba yếu tố tạo nên thước đo về năng lực đó là: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Chúng ta rất tự hào vì nhiều người Việt Nam được thế giới và các nước sở tại tôn vinh. Tuy nhiên, đôi lúc rất lãng phí nhân lực, bởi nhiều trường hợp ở trong nước được đánh giá rất tốt, nhưng khi ra nước ngoài thì phải đào tạo lại vì không bắt kịp được với trình độ tiên tiến. Do đó định hướng toàn cầu, công dân toàn cầu là bắt buộc. Chúng ra phải ra nhập những sân chơi toàn cầu, lúc đó uy tín quốc gia và công dân sẽ được nâng lên”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa 
Đồng quan điểm, PGS.TS.Lê Xuân Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhấn mạnh thêm điều kiện để lao động Việt Nam có thể làm việc được ở mọi nơi trên thế giới gồm 4 yếu tố, đó là: Ngoại ngữ - yêu cầu bắt buộc; kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc; hiểu biết văn hóa nước sở tại; và có sức khỏe tốt.
Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Lê Xuân Bá, theo khảo sát của một tổ chức quốc tế thì trình độ tiếng Anh của người Việt Nam đang được xếp thứ hạng thấp, có xu hướng giảm xuống. Trong khi Việt Nam đào tạo tiếng Anh chỉ để sinh viên vượt qua các kỳ thi mà chưa chú trọng để đào tạo sinh viên làm việc trong môi trường quốc tế. Cùng với đó, kỹ năng thực hành của lao động Việt Nam còn yếu trong khi lý thuyết rất giỏi, lại chưa thực sự có tác phong công nghiệp.
PGS.TS Lê Xuân Bá
Do đó, phải đào tạo người Việt Nam theo hướng làm việc, có mặt ở các tổ chức quốc tế, có khả năng làm việc ở môi trường quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia… Lao động Việt Nam phải có có năng lực thích ứng cao; có thể tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Chúng ta cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; các trường đại học cần xây dựng chương trình đào tạo chuẩn quốc tế, tăng cường đào tạo ngoại ngữ - nhất là tiếng Anh; chú trọng đào tạo các kỹ năng cho người học… Để làm sao công dân toàn cầu cần gì, thì sinh viên Việt Nam đáp ứng được cái đó.
Hội thảo thu hút đông đảo các nhà khoa học
“Trong giai đoạn tới đây, để nhân lực Việt Nam có thể làm việc được ở mọi nơi, phát triển nhân lực cần tuân thu các yêu cầu sau đây: Một là, Việt Nam phải có đủ nhân lực có khả năng làm việc được tại các tổ chức quốc tế, các tập đoàn xuyên quốc gia và những nước có các mối quan hệ tốt với Việt Nam, nhất là quan hệ về kinh tế. Hai là, nhân lực Việt Nam phải có năng lực thích ứng cao với những thay đổi “chóng mặt” và “khó lường” của tình hình khu vực và thế giới; có khả năng đưa ra các giải pháp sáng tạo trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ba là, nhân lực Việt Nam phải có đủ năng lực và phẩm chất để tham gia có trách nhiệm và hiệu quả với cộng đồng khu vực và quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề mang tính khu vực và toàn cầu” - PGS.TS Lê Xuân Bá đề xuất./.
Dương Thìn