Giáo dục - Nghề nghiệp
Làm gì để doanh nghiệp và trường nghề “gặp nhau”?
08:22 AM 14/08/2019
(LĐXH)- Vẫn còn khoảng trống giữa doanh nghiệp và trường nghề trong hợp tác đào tạo, cho nên “cung” và “cầu” lao động chưa thực sự gặp nhau.
Thông tin tại buổi tọa đàm về Hợp tác đào tạo giữa Đại học Jeonju Hàn Quốc và một số trường cao đẳng nghề Việt Nam (do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Đại học Jeonju Hàn Quốc tổ chức chiều 13/8 tại Hà Nội) cho thấy, vẫn còn khoảng trống giữa doanh nghiệp và trường nghề trong hợp tác đào tạo, cho nên “cung” và “cầu” lao động chưa thực sự gặp nhau.
Rào cản giữa doanh nghiệp và nhà trường
Theo ông Lê Anh Đức – Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai, việc kết nối giữa doanh nghiệp với các trường nghề từ trước đến nay chủ yếu vẫn là đưa học sinh đến thực tập, rất ít doanh nghiệp tham gia xây dựng chuẩn đầu ra.
Lễ ký hợp tác giữa các trường nghề trực thuộc Bộ LĐTB&XH và ĐH Jeonju Hàn Quốc
“Ở đây có rất nhiều rào cản, cho nên doanh nghiệp chưa mặn mà trong hợp tác đào tạo. Việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia quá trình đào tạo rất khó khăn. Một phần nguyên nhân do tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra rất gắt gao, một phần do tiêu chuẩn giáo viên được nhà nước quy định như phải có các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định… Đây thực sự là điều gây khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tham gia trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho mình” – ông Lê Anh Đức nói.
Trong khi đó, đại diện Công ty LG Display Hải Phòng – liên doanh với Hàn Quốc, cho rằng tiêu chí tuyển dụng của công ty đối với lao động là phải thành thạo ngoại ngữ (tiếng Anh hoặc tiếng Hàn), khả năng làm việc trong môi trường Hàn Quốc, có kiến thức, am hiểu văn hóa Hàn Quốc, giỏi thực hành. Đây là tiêu chí rất khắt khe, đòi hỏi ứng viên phải được đào tạo cơ bản ở môi trường liên kết với Hàn Quốc, cũng là yêu cầu chủ quan khiến các trường nghề khó có khả năng đáp ứng được. Cho nên hầu hết các doanh nghiệp thường tìm kiếm ứng viên “có sẵn” hơn là đào tạo từ đầu.
Theo các đại diện từ nhà trường, hầu hết các trường nghề tập trung đào tạo các nghề doanh nghiệp cần hoặc đặt hàng, đây là những nghề cơ bản, phổ biến tại địa phương trường đứng chân. Còn những nghề cấp độ quốc tế, chất lượng cao thì doanh nghiệp tuyển dụng những học viên đã tốt nghiệp, mà không muốn tham gia đào tạo. Có người ví von “doanh nghiệp và nhà trường như hai người đi từ Nam ra Bắc và ngược lại, nhưng lại không gặp nhau ở một điểm vì hai người đi hai đường khác nhau”.
Xây dựng mối quan hệ 3 bên
Ông Đỗ Văn Giang – Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh việc xây dựng quan hệ 3 bên trong đào tạo gắn với doanh nghiệp, đó là nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà trường. Thực tế tại Hàn Quốc đã rất thành công với cơ chế này và Việt Nam cũng đang dần hình thành và đi theo. Có như vậy doanh nghiệp và nhà trường mới có thể bắt tay với nhau, thấu hiểu nhau hơn và người hưởng lợi sẽ bao gồm cả học viên.
Ông Đỗ Văn Giang phát biểu tại hội thảo
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Giang: “Chúng ta có nhiều Nghị định quy định về liên kết đào tạo, song vẫn chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều điểm nghẽn khiến doanh nghiệp không thiết tha với giáo dục nghề nghiệp”.
Về phía Đại học Jeonju Hàn Quốc, ông Ryu In-Pyong – Trưởng ban quan hệ  quốc tế của trường cho biết: Xuất phải từ việc các tập đoàn Samsung, LG, Hanhwa liên tục tìm kiếm người lao động Việt Nam, trong khi số lượng lớn người lao động Việt Nam có trình độ, trẻ tuổi vẫn mải mê đi tìm việc làm, nhiều người rơi vào tình trạng thất nghiệp. “Tại sao có khoảng cách này” – ông Ryu In-Pyong đặt vấn đề và khẳng định, mấu chốt là cần giải quyết vấn đề chất lượng giáo dục và ngành nghề “cần thiết”.
Chia sẻ kinh nghiệm của nhà trường, ông Ryu In-Pyong khẳng định trường đã có quan hệ với 29 quốc gia, 174 trường đại học, trong đó tại Việt Nam có ĐH Thủy lợi, ĐH Thái Nguyên, Trường nghề CTC6, VTC… Các chương trình đào tạo được giảng dạy bởi các giám đốc điều hành, các giáo sư Hàn Quốc, các giáo sư bên ngoài được trường thuê; trong đó học viên sẽ được học văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc, chuyên ngành và ngôn ngữ Hàn Quốc, cùng những khóa học tăng cường. Việc hợp tác với các trường nghề, trong đó có Việt Nam sẽ giúp học viên đáp ứng được ngay yêu cầu của công việc sau khi ra trường.
Nói về hợp tác với phía Hàn Quốc, NGND. TS. Hà Xuân Quang- Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội cho biết, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, học tập mô hình đào tạo của Hàn Quốc, chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo, trao đổi sinh viên, giảng viên, chuyên môn, giao lưa văn hoá 2 nước và hỗ trợ giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường, Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội (Việt Nam) với Trường Đại học JeonJu (Hàn Quốc) quyết định triển khai các hoạt động hợp tác với các nội dung: Trao đổi học thuật; Trao đổi giảng viên, sinh viên; Hợp tác liên kết đào tạo và giao lưu văn hóa.
Mục tiêu đào tạo của nhà trường cung ứng, đáp ứng theo nhu cầu nhân lực của đơn vị tuyển dụng trong và ngoài nước, trang bị năng lực làm việc cho HSSV trước khi ra trường bao gồm các kỹ năng chuyên môn, các kỹ năng mềm (kỷ luật lao động, thái độ làm việc, tác phong làm việc, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng 5S). Hiện nhà trường đang áp dụng một số mô hình đào tạo như: Một buổi đi học- một buổi đi làm; gắn đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp, giúp sinh viên được tiếp cận doanh nghiệp sớm, có điều kiện làm việc thực tế. Hiện nhà trường đã hợp tác, phối hợp với hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tiếp nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng sinh viên ra trường vào làm việc./.
Dương Thìn