Xã hội
Lâm Đồng: Tập trung triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã nghèo giai đoạn 2018 - 2020
04:31 PM 02/11/2018
(LĐXH) - Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, ngoài huyện Đam Rông do Chính phủ đầu tư hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, trong những giai đoạn trước đó Lâm Đồng đã kịp thời có chủ trương đầu tư ngân sách địa phương nhằm hỗ trợ sản xuất, tăng thu nhập cho người nghèo ở các xã, thôn nghèo nhất của tỉnh.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại 21 xã  nghèo năm 2018

 Trong các năm gần đây, tuy ngân sách của tỉnh còn hạn chế nhưng hầu hết các huyện, thành phố tiếp tục được tỉnh đầu tư cho các thôn nghèo với mức kinh phí năm sau cao hơn năm trước. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trong nhưng năm tiếp theo, ngày 08 tháng 12 năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa IX, kỳ họp thứ 4 đã ban hành Nghị quyết số 67/2017/ NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại 21 xã có tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 trên 15% trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do ngân sách tỉnh đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2018– 2020.

Căn cứ văn bản số 3990 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Lao động – TB&XH đã phối hợp với các sở, ngành liên quan ban hành văn bản số 718/ LĐTBXH – GN ngày 06 tháng 7 năm 2018 hướng dẫn  một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở đã có công văn 726 đề nghị UBND các huyện chỉ đạo UBND các xã nghèo đăng ký nhu cầu hỗ trợ kinh phí để phát triển sản xuất tại các xã nghèo trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, các xã nghèo đã và đang hướng dẫn các hộ nghèo đăng ký nhu cầu để được hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2018. Với một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tại 21 xã có tỷ lệ hộ nghèo đầu năm 2016 trên 15% trên địa bàn tỉnh do ngân sách tỉnh đầu tư.

Về đối tượng hỗ trợ là hộ nghèo, hộ cận nghèo (theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020), Hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo. Về điều kiện hỗ trợ,  hộ gia đình phải tự nguyện tham gia, cam kết thực hiện đúng các quy định về đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững; sử dụng vốn đúng mục đích. Đồng thời, cam kết về tỷ lệ vốn đối ứng, các điều kiện về sản xuất như đất đai, lao động, trang thiết bị sản xuất. Hộ gia đình nhận hỗ trợ phải có đơn đăng ký thoát nghèo, thoát cận nghèo bền vững và đăng ký nhu cầu hỗ trợ sản xuất. Ngoài ra, hộ gia đình được nhận hỗ trợ từ chính sách này phải có tỉ lệ đối ứng ít nhất bằng 30% kinh phí ngân sách hỗ trợ. Vốn đối ứng của hộ gia đình bao gồm: tiền mặt, vật tư, giống cây tròng, vật nuôi, chuồng trại, nhà xưởng, trang thiết bị phục vụ sản xuất khác.

Về nội dung, mức hỗ trợ và phương thức hỗ trợ: Hộ gia đình được hỗ trợ các chính sách như hỗ trợ khai hoang, phục hóa theo mức 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hóa; hỗ trợ trồng trọt ( giống cây trồng, chuyển đổi cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông cụ sản xuất, vật tư nông nghiệp, theo mức 10 triệu đồng/ha), Chăn nuôi (Hỗ trợ giống, thức ăn chăn nuôi với mức không quá 10 triệu đồng/hộ). Riêng hộ nghèo nếu chưa có chuồng trại chăn nuôi, được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ: Hỗ trợ cải tạo nhà xưởng, máy móc, thiết bị, công cụ vật tư, sản xuất với mức không quá 10 triệu đồng/hộ; Hỗ trợ dạy nghề cho lao động thuộc hộ được hỗ trợ gắn với các nội dung hỗ trợ sản xuất với thời gian từ 01 tuần (tương đương 30 giờ) đến 02 tuần (tương đương 60 giờ). Mức học phí thanh toán cho đơn vị dạy nghề là 200.000 đồng/tuần/học viên tốt nghiệp. Người học nghề hoàn thành chương trình đào tạo được hỗ trợ tiền ăn 30.000 đồng/người/ ngày thực học; số tiền dành cho hỗ trợ dạy nghề không quá 15% số tiền phân bổ hàng năm cho mỗi xã.

 Mức hỗ trợ tối đa mỗi hộ nghèo được hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/ năm; hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không quá 10 triệu đồng/ năm. Trong giai đoạn 2018 – 2020, tổng số tiền được hỗ trợ cho mỗi hộ nghèo không quá 30 triệu đồng/hộ; hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo không quá 20 triệu đồng/hộ. Trường hợp hộ gia đình đã được hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình 135, Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất các địa bàn ngoài Chương trình 135 sử dụng vốn ngân sách Trung ương, các chương trình, dự án khác thì tổng số tiền được hỗ trợ theo quy định và các chương trình, dự án trên không vượt quá mức hỗ trợ trên.

Về phương thức hỗ trợ, Ủy ban nhân dân các địa phương căn cứ quy định nhà nước và tình hình thực tế địa phương hướng dẫn phương thức hỗ trợ phù hợp từng nội dung hỗ trợ.  Kinh phí hỗ trợ hàng năm, căn cứ vào nhu cầu đăng ký của đối tượng được hỗ trợ, các xã tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ gửi Ủy ban nhân dân huyện để kiểm tra, phê duyệt và trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phân bổ cho từng xã. Các xã được sử dụng tối đa không quá 3% nguồn ngân sách nhà nước phân bổ cho các nội dung được hỗ trợ để chi cho công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo quy định.

Với những chính sách hỗ trợ kịp thời cho các xã nghèo, thôn nghèo lần này, tỉnh Lâm đồng tin tưởng các xã nghèo và các hộ nghèo sẽ vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới; đồng thời, góp phần thực hiện hiệu quả chỉ tiêu về giảm nghèo do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh đã đề ra trong giai đoạn 2016 – 2020.

Trần Tuấn

Sở Lao động - TBXH tỉnh Lâm Đồng