Xã hội
Lâm Đồng: Nỗ lực triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội
10:57 AM 02/09/2020
(LĐXH) - Thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch số 5399/ KH- UBND ngày 31/8/2010 về việc triển khai Đề án phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2010-2020.
Theo đó, căn cứ vào Kế hoạch số 5399/ KH- UBND ngày 31/8/2010 của UBND tỉnh, Sở Lao động -TBXH  phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 32 trên địa bàn. Đồng thời, hàng năm Sở đều xây dựng Kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện Đề án 32 trên địa bàn tỉnh, như: tổ chức rà soát, đánh giá, dự báo số lượng và nhu cầu về nhận lực ngành công tác xã hội tại các địa phương trên địa bàn tại các xã, phường, huyện thị, thành phố, các Sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở Bảo trợ xã hội, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Theo khảo sát, đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh Lâm Đồng, hiện nay tại các xã, phường, huyện thị, các sở, ngành đoàn thể, cơ sở Bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ cán bộ, nhân viên được đào tạo chuyên môn về công tác xã hội còn quá thấp, cụ thể như: Tổ chức sử dụng lao động ngành công tác xã hội tại ngành Lao động – Thương binh và Xã hội và các tổ chức đoàn thể tại 148 xã, phường, với tổng số lượng 900 cán bộ thì chỉ có 10% cán bộ được đào tạo đúng chuyên ngành, 80% đào tạo không đúng chuyên ngành và 10% không được đào tạo. Tại các cấp huyện thị, thành phố, cán bộ ngành LĐ – TBXH và các đoàn thể có khoảng 100 cán bộ, trong đó tỷ lệ đào tạo đúng chuyên ngành 0%, trình độ đào tạo không đúng chuyên ngành là 100%, tỷ lệ không được đào tạo 0%. Cán bộ ngành LĐ – TBXH và các đoàn thể cấp tỉnh, số lượng cán bộ làm công tác xã hội là 40 người. Trong đó, có 20% số người đào tạo đúng chuyên ngành, 80% đào tạo không đúng chuyên ngành, tỷ lệ không được đào tạo là 0%. Tại 15 cơ sở Bảo trợ xã hội có số lượng cán bộ nhân viên là 150 ngươi, trong đó trình độ được đào tạo đúng chuyên ngành chỉ đạt 5%, còn lại 45% không đúng chuyên ngành và 45% không được đào tạo; Trường Đại học Đà Lạt có 15 cán bộ làm công tác xã hội, trong đó có 85% số người được đào tạo đúng chuyên ngành và 15% đào tạo không đúng chuyên ngành.
Việc phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh góp phần cung cấp dịch vụ trợ giúp cho đối tượng
Chính vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã đề ra mục tiêu thực hiện Đề án 32 trong giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn là phát triển đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên CTXH phấn đấu đến năm 2015 tăng khoảng 15%, trong đó, mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất từ 01 đến 02 cán bộ, viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH. Xây dựng thí điểm ít nhất một mô hình điểm Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH tại một số huyện, TP trong tỉnh.
Bên cạnh đó, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 50% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và cán bộ làm công tác Lao động - TBXH hội các cấp. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo Sở Lao động - TBXH tỉnh Lâm Đồng: Qua triển khai, thực hiện Đề án 32 của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các Sở, ban, ngành, các địa phương triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện và đã đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận như: Đội ngũ cán bộ làm nghề CTXH từng bước được kiện toàn; hiện nay các xã, phường đã có từ 01 – 02 cán bộ là viên chức, nhân viên CTXH thuộc chức danh không chuyên trách hoặc cộng tác viên CTXH. 100% cán bộ , viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH được tham gia tập huấn, bồi dưỡng về nghiệp vụ nghề CTXH. Tỉnh đã tổ chức được khóa đào tạo đại học vừa học vừa làm nghề CTXH  nhằm từng bước chuẩn hóa cán bộ cho các địa phương và các cơ sở bảo trợ xã hội. Đồng thời, phối hợp tốt với các cơ quan thông tin truyền thông trong tỉnh tuyên truyền, đưa tin về các hoạt động về CTXH nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH.    
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong công tác thực hiện Đề án 32 như: Hiện có rất nhiều người hoạt động trong lĩnh vực CTXH hiện nay chỉ làm việc theo kinh nghiệm và lòng thiện tâm mà chưa được đào tạo kỹ năng khoa học cần thiết về CTXH, hoặc chỉ được tham gia các lớp tập huấn ngắn hạn. Cùng với đó, là đội ngũ cán bộ đa số được đào tạo qua các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, có chuyên môn nhưng hầu hết chưa được trang bị những kiến thức và kỹ năng làm CTXH, nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng xã hội đã gặp không ít khó khăn trong tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn và thực hiện chính sách xã hội ở cơ sở.
Ngoài ra,  hiện nay phần lớn số cán bộ kiêm nhiệm công tác văn hoá- xã hội cấp xã và cán bộ, nhân viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh được đào tạo từ nhiều ngành nghề khác nhau, từ trước đến nay chưa được đào tạo về nghề CTXH, do đó thiếu những kỹ năng trợ giúp, chăm sóc các đối tượng yếu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả thực hiện CTXH trên địa bàn. Kinh phí bố trí cho đề án còn ít; lực lượng và trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên làm CTXH còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nhận thức của một số cấp, ngành và người dân còn chưa hiểu nhiều về ngành CTXH, người làm CTXH…; Mạng lưới tổ chức dịch vụ CTXH chưa hoàn thiện; các hoạt động mang nặng tính quản lý nhà nước hơn là hướng dẫn, hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt…
Vì vậy, để triển khai Đề án 32 có hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng đề nghị Đề nghị Cục Bảo trợ xã hội quan tâm nâng mức kinh phí hỗ trợ; cho phép xây dựng thí điểm Trung tâm Cung cấp dịch vụ CTXH của tỉnh; mở rộng đối tượng tập huấn nghề CTXH trên địa bàn. Quan tâm chỉ đạo trong các hoạt động để thúc đẩy nghề CTXH, thông qua đề xuất với Chính phủ ban hành các văn bản tạo hành lang pháp lý đầy đủ trong quá trình triển khai nghề CTXH, tạo điều kiện thuận lợi và chế độ đãi ngộ phù hợp cũng như quyền năng cho nhân viên CTXH; có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai hệ thống nhân viên CTXH tại cấp xã theo Đề án 32; thành lập Chi hội Nghề CTXH tại tuyến tỉnh.  
Quan tâm, hỗ trợ để mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ CTXH gắn hoạt động của CTXH với việc thực hiện Đề án 1215, nhất là vấn đề rối nhiễu tâm trí, trong đó đặc biệt là vấn đề trẻ em tự kỷ. Thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nghiệp vụ CTXH cho các cán bộ quản lý và nhân viên CTXH. Do CTXH là một nghề mới nên để khuyến kích các các cán bộ yên tâm học tập nên chăng cần có chính sách đào tạo miễn phí cho mọi đối tượng tham gia./.
PV