Xã hội
Lâm Đồng nhiều giải pháp tập trung đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong năm 2018
04:31 PM 02/11/2018
(LĐXH) - Trong những năm qua cùng với nhiều cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình dự án lớn của Trung ương và địa phương đã được tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện có hiệu quả.
Lâm Đồng thường xuyên tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng trọn, chăn nuôi cho nông dân vươn lên thoát nghèo hiệu quả

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác giảm nghèo của cấp ủy và chính quyền tại các địa phương được quan tâm chú trọng, người dân tích cực tham gia vào chương trình giảm nghèo.  Đồng thời, tỉnh và các địa phương cũng tiếp tục ưu tiên đầu tư từ nhiều chương trình, dự án như: khuyến nông, dạy nghề, xuất khẩu lao động, trợ cấp xã hội, được triển khai đồng đồng bộ và đã tác động trực tiếp đến tăng thu nhập, nâng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội đối với người nghèo, đồng bào dân tộc, góp phần ngày càng nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân trên nhiều mặt.

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Lâm Đồng còn 12.168 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,91% (giảm 1,28% so với cuối năm 2016), trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 8.027 hộ, chiếm tỷ lệ 11,56% (giảm 3,15%), riêng hộ nghèo ở huyện Đam Rông còn 3.498 hộ, chiếm tỷ lệ 27,47% (giảm 7,74%), hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số còn 3.141 hộ, chiếm tỷ lệ 42,26% (giảm 5,56% so với cuối năm 2016). Năm 2017, toàn tỉnh giảm 3.740 hộ nghèo (đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2.132 hộ), trong đó khu vực thành thị giảm 502 hộ, khu vực nông thôn giảm 3.238 hộ. Các địa phương có kết quả giảm nghèo cao như: Đà Lạt, Đức Trọng, Cát Tiên, địa phương có tỷ lệ giảm thấp là huyện Bảo Lộc, Bảo Lâm...

Tính đến 31/5/2018, toàn tỉnh cấp được 281.886 thẻ bảo hiểm y tế, trong đó hộ nghèo 25.386 thẻ, người đang sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn 33.316 thẻ, người đồng  bào dân tộc thiểu số 171.019 thẻ, hộ cận nghèo 30.056 thẻ, hộ gia đình làm nông, lâm ngư nghiệp có mức sống trung bình 22.109 thẻ. Tổng doanh số cho vay hộ nghèo đạt 54.563 triệu đồng/1.466 hộ, hộ cận nghèo 79.383 triệu đồng/1.999 hộ, xuất khẩu lao động 200 triệu đồng/4 hộ tính đến 31/5/2018. Đồng thời, thực hiện Đề án 654 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016-2020, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh hỗ trợ 51 căn nhà ở cho hộ nghèo, ự kiến tổng số căn được hoàn thành năm 2018 là 735 căn (trong đó 198 căn từ năm 2017 chuyển sang), với kinh phí 16.050 triệu đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ tiền điện theo Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy định cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho 5.309 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với kinh phí 1.560 triệu đồng; trợ giúp pháp lý cho 717 người thuộc hộ gia đình hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, trong đó 30 người thuộc hộ nghèo, 654 người dân tộc thiểu số, 33 người vừa thuộc hộ nghèo vừa là người dân tộc thiểu số. Tổ chức vận động hộ nghèo đăng ký thoát nghèo tại huyện Đam Rông trong năm 2018, với  kết quả có 733 hộ đăng ký thoát nghèo, đạt 20,95% so với kế hoạch. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 6-7%.

Ngoài ra, tỉnh đang vận động, tuyên truyền bà con nhân dân huyện Đam Rông đăng ký trồng rừng, đồng thời giao đất trồng rừng và giao khoán quản lý bảo vệ rừng. Theo kế hoạch trồng rừng 30a với tổng diện tích 100 ha, và tổng diện tích giao khoán QLBVR trên toàn huyện là 38.246,36 ha/2.640 hộ. Đồng thời, đầu tư xây dựng 7 hạng mục công trình (trong đó, 06 công trình chuyển tiếp của năm 2017 và công trình trồng rừng và chăm sóc rừng trồng năm 2, năm 3). Tính đến tháng 6/2018, toàn huyện đã giải ngân các công trình XDCB được 9.291 triệu đồng, đạt 71% kế hoạch.  Riêng trong năm 2018, nguồn vốn phân bổ 10.374 triệu đồng (trong đó, 9.290 triệu đồng để thực hiện đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, nâng cao năng lực giám sát, truyền thông về giảm nghèo và 1.084 triệu đồng để duy tu, sửa chữa công trình), và đã thực hiện giải ngân được 3.818 triệu đồng, đạt 37% so kế hoạch.

Theo đánh giá của ông Ngô Hưu Hay – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng cho biết: cùng với các chính sách đầu tư của Trung ương, tỉnh và các địa phương tiếp tục ưu tiên và đầu tư từ nhiều chương trình, dự án  đã triển khai đồng bộ, đặc biệt là ưu tiên cho  các xã, thôn đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, góp phần nâng chất lượng nhiều mặt cuộc sống của nhân dân. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng là đối tượng ưu tiên khi xem xét hỗ trợ khai hoang, phục hóa, trồng trọt, chăn nuôi, phát triển ngành nghề và dịch vụ từ nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo bền vững của địa phương. Các nguồn vốn hỗ trợ cho hộ dân được ưu tiên đầu tư cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng tập trung, không giàn trải để nhằm tạo hiệu quả nội lực căn bản để nhân dân hộ nghèo phát triển kinh tế thoát nghèo bền vững trong thời gian qua.

Tỉnh Lâm Đồng tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông gắn với giải quyết việc làm và thoát  nghèo bền vững

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế kể cả về kinh phí cũng như cơ chế chính sách, cụ thể như: Hiện nay, Sở Tài chính tỉnh mới có dự thảo Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rông mô hình giảm nghèo theo thông tư 15/2017/TT/BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Vì vậy,  các địa phương chưa có căn cứ định mức để chi hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Hai là, nguồn vốn huy động xã hội (nguồn huy động từ “Quỹ vì người nghèo” của UBMTTQVN các cấp; từ cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm) thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo theo Đề án 654/UBND-XD ngày 05/2/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng còn hạn chế nên tiến độ triển khai chậm. Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo còn hạn chế; việc huy động nguồn lực xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là huy động nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp.

Vì vậy, trong 6 tháng cuối năm 2018, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đề ra các giải pháp trọng tâm để triển khai công tác giảm nghèo đạt kế hoạch, mục tiêu, như: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững đến các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả; tôn vinh doanh nghiệp, tập thể cá nhân có nhiều đóng góp về nguồn lực, cách làm hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững.

 Hai là, thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình. Khuyến khích và mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn thông qua các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn. Đảm bảo các dự án hỗ trợ sản xuất, các mô hình đa dạng hóa sinh kế đối với người nghèo, vùng nghèo phải tạo việc làm bền vững, có thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, tăng năng suất lao động và thu nhập của người tham gia.

    Ba là, sử dụng ngân sách tỉnh đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 15% trở lên (ngoài huyện Đam Rông). Các huyện, thành phố đầu tư hỗ trợ sản xuất cho các thôn có tỷ lệ hộ nghèo và các thôn khó khăn khác trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất các xã nghèo trên địa bàn tỉnh theo hướng tạo chủ động cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, trong đó hộ được nhận hỗ trợ phải có đối ứng 30% (vốn đối ứng bao gồm tiền mặt, vật tư,  giống cây trồng vật nuôi, chuồng trại, trang thiệt bị phục vụ sản xuất).

Bốn là, lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với chương trình giảm nghèo bền vững nhằm tạo việc làm, thu nhập cho người nghèo thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng; không huy động đóng góp của gia đình nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá chặt chẽ việc tổ chức thực hiện các chính sách của chương trình giảm nghèo. Lấy ý kiến người nghèo, cán bộ xã, thôn trong trong đánh giá chính sách, điều chỉnh kịp thời các chính sách địa phương; gắn giảm nghèo với các chương trình kinh tế -  xã hội trên địa bàn.       

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị với UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo các ngành có liên quan nghiên cứu, tham mưu để có những chính sách ưu đãi, phù hợp để thu hút, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số. Có chính sách khuyến khích, ưu tiên hơn nữa (ngoài vay vốn) giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư vào các huyện nghèo để đào tạo, sử dụng lao động tại chỗ, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc vùng khó khăn. Có giải pháp hạn chế tình trạng dân di cư tự do đang sinh sống ở trong rừng sâu trên địa bàn huyện Đam Rông; có chủ trương huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân đóng góp để hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo./.

 Hoàng Cảnh